Trên thực tế cùng với nhà trường, Ban đại diện (BĐD) phụ huynh đã góp phần không nhỏ trong vấn đề giáo dục học sinh. Rõ ràng điều quan trọng là phải lựa chọn được những người nhiệt tình, có trách nhiệm.
Vai trò “vác tù và hàng tổng”
Chia sẻ điều này với các phụ huynh có con đang theo học tại các trường công lập, nhiều phụ huynh, giáo viên cũng đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình. Chị Trần Thị Hà, khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị có hai con một đang học Tiểu học Nguyễn Du, một học THCS Văn Yên (Hà Đông). Theo chị: Cũng có một số phụ huynh nằm trong BĐD của trường, của lớp vì mục đích này hay mục đích khác, tuy nhiên phần đông các phụ huynh trong BĐD đều là những người có tâm, có trách nhiệm với công việc.
Các con chị một học lớp 5, một đã học lớp 8 nên chị được quan sát và được chứng kiến sự nhiệt tình tích cực của ban phụ huynh tại lớp của các con chị. Ngoài việc BĐD phụ huynh đứng ra thu chi các khoản quỹ của lớp (khoảng 400.000 đồng đến 500.000 đồng/một năm và thường được đóng vào hai kỳ trong năm thì hội phụ huynh còn phải kiêm nhiệm hàng trăm thứ việc không tên.
BĐD phụ huynh phải phối hợp với nhà trường kiểm tra sinh hoạt bán trú, phản ánh đề đạt nguyện vọng với BGH nhà trường về chất lượng học tập cũng như sinh hoạt của HS; Cùng với giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động dã ngoại, các hoạt động sinh hoạt trong những ngày lễ tết cho các con; Động viên khuyến khích các con cuối mỗi học kỳ…
“Có những việc mà BĐD phụ huynh lớp con gái tôi làm hết sức ý nghĩa. Năm con tôi học lớp 4, cháu mất gần một tháng trời phải nghỉ học vì lý do sức khỏe, gia đình tôi đã nhận được sự động viên giúp đỡ rất tận tình từ cô giáo, ban phụ huynh và các bạn học cùng lớp với cháu. Vật chất tuy không lớn, nhưng những tình cảm và cách giáo dục của BĐD phụ huynh lớp đã truyền tới các con về lòng nhân ái. Đây thực sự là những bài học sâu sắc mà ở độ tuổi các con rất cần được giáo dục” - chị Hà chia sẻ.
Còn chị Trần Mai Anh có con học tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam cũng tâm sự: Tôi thiết nghĩ việc xóa bỏ BĐD phụ huynh là không nên. Điều quan trọng là chúng ta phải quản lý hoạt động của hội như thế nào? Bởi BĐD là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh.
Mặt khác để công tâm và khách quan hơn trong các hoạt động, ngoài lĩnh vực chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm rất cần sự tham vấn của BĐD cha mẹ học sinh. Bức xúc xảy ra ở chỗ vấn đề thu chi thế nào cho hợp lý. Để tránh tình trạng lạm thu núp bóng BĐD cần có những quy định cụ thể đối với việc thu tiền và số tiền được thu phải theo đúng quy định.
Độc lập, rõ ràng về hoạt động thu chi
Cô Nguyễn Thị Minh, GV chủ nhiệm Trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Thực chất, BĐD là do chính phụ huynh bầu ra và đại diện cho các phụ huynh cũng như các em học sinh của lớp. Đây là những người nhiệt tình, năng nổ, có điều kiện về thời gian và đặc biệt là yêu thích những hoạt động cộng đồng. Vì vậy trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, các phụ huynh cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong khi bầu.
“Đối với các lớp tôi chủ nhiệm vào đầu năm học, sau khi phân tích vai trò của BĐD phụ huynh lớp với các tiêu chí cụ thể, tôi thường để các phụ huynh tự bàn bạc và đề cử ra một ban phụ huynh công tâm nhất. Khi họ được tự mình bầu ra ban đại diện, họ sẽ rất tin tưởng và ủng hộ BĐD phụ huynh của lớp.
Với hơn 40 học sinh/lớp việc thu từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng cho suốt một năm học với các hoạt động phục vụ cho học tập, hoạt động ngoại khóa, các ngày lễ tết của cô và trò theo tôi cũng không phải là nhiều. Sau mỗi một học kỳ BĐD phụ huynh đều có sơ kết thu chi rất rõ ràng đầy đủ. Đối với cấp học THCS, một lớp thường có tới khoảng 10 giáo viên đứng lớp, trong những ngày lễ như 20/11 các GV thường được tặng một bó hoa kèm theo một món quà nhỏ”, cô Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Vai trò của hội phụ huynh là rất cần thiết vì BĐD đã kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để giáo dục học sinh tốt hơn. Thậm chí có những khúc mắc giữa giáo viên và học sinh thì BĐD lại chính là cầu nối để giải quyết những khúc mắc đó. Rõ ràng để vấn đề thu chi được thực hiện minh bạch, tránh dư luận không hay về BĐD phụ huynh thì có những quy định cụ thể về mức thu và các khoản thu do Sở GD&ĐT quy định.
Khi trao đổi về việc có nên giải tán hội phụ huynh hay không, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Hội phụ huynh không chỉ đơn thuần có trách nhiệm mỗi việc thu chi, mà quan trọng hơn hội còn có trách nhiệm tham gia, giám sát các hoạt động trong nhà trường từ đó để hiểu và chia sẻ nhiều hơn với công việc của giáo viên và học sinh. Xã hội càng phát triển càng cần thiết có sự chung tay gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa. Vì vậy không nên giải tán hội.
Trong văn bản của Thông tư 55 mà Bộ GD&ĐT quy định việc thu quỹ hội là nhằm phục vụ cho hoạt động dạy và học của các nhà trường. Vấn đề là chúng ta cần quản lý thu chi thế nào cho rõ ràng minh bạch.
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, BĐD phụ huynh có quan hệ chặt chẽ với nhà trường để nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, cũng như giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Tuy nhiên về tài chính phải thu chi độc lập không liên quan tới nhà trường. Để thực hiện được tốt điều này đòi hỏi mỗi lớp, mỗi nhà trường phải tự bầu ra được một ban phụ huynh công tâm vì quyền lợi chung của học sinh.
Đối với hoạt động xã hội hóa phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện, không được cào bằng sẽ gây áp lực trong xã hội. Trong các cuộc họp với hiệu trưởng các nhà trường, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hà Đông luôn nhắc nhở các nhà trường; Mọi vấn đề tự nguyện trong quá trình xã hội hóa phải được thực hiện rõ ràng để tránh hiểu lầm gây dư luận xấu.