Vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ: Tam giác vàng trong giáo dục

GD&TĐ - Xây dựng môi trường giáo dục phong phú, đa dạng, giàu tính gợi mở đối với học sinh được coi là một trong những bước chuyển mới của giáo dục hiện đại - GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với Báo GD&TĐ.

Giáo dục giới tính cho học sinh thông qua các cuộc thi.
Giáo dục giới tính cho học sinh thông qua các cuộc thi.

Ngôi trường lớn nhất

- Môi trường giáo dục (MTGD) ngày càng đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục, trong đó cốt lõi là sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội. Xin ông cho biết ý nghĩa tác động tương hỗ này?

- Khi nói đến hệ thống giáo dục theo cách hiểu truyền thống, chúng ta thường chú trọng vào chương trình, sách vở tài liệu, phương pháp giảng dạy... Việc học được hiểu là hoạt động diễn ra trong khuôn viên nhà trường, thậm chí gói gọn trong lớp học, qua sách vở và nghe giảng từ thầy cô.

Tuy nhiên, giáo dục hiện nay không còn như vậy. Trẻ em học mọi lúc, mọi nơi, học qua quan sát, trải nghiệm và suy ngẫm hơn là học từ sách vở. Lý do vì mục tiêu giáo dục của chúng ta đã thay đổi rất nhiều so với thế kỷ trước. Truyền thụ kiến thức không còn là hoạt động giáo dục trọng tâm, mà thay vào đó là giáo dục theo định hướng phát triển năng lực. Trong đó, có nhiều năng lực không thể được lĩnh hội qua hình thức truyền thống thầy giảng trò nghe, đọc sách và làm bài tập như quá khứ.

Đơn cử như năng lực số, một khái niệm rất mới gần đây, không chỉ bao gồm trình độ sử dụng các thiết bị công nghệ, mà còn mở rộng ra khả năng tìm kiếm, phân tích, đánh giá, xử lý và sản xuất các nội dung thông tin trên nền tảng số. Điều này chỉ có thể được phát triển thông qua các trải nghiệm học tập diễn ra trong không gian số. Học sinh phải được chủ động tiếp cận và tham gia vào thế giới số dưới sự dẫn dắt và hỗ trợ của giáo viên, thay vì học lý thuyết và tưởng tượng ra các thí nghiệm với hình vẽ trong sách như trước đây.

Suy rộng ra, bất cứ trải nghiệm sống trong thực tế nào của các em cũng có thể đóng vai trò như một bài học cho một kỹ năng, năng lực nào đó mà nền giáo dục hiện đại hướng tới. Nếu tư duy như vậy thì nhà trường chỉ là một phần trong giáo dục, còn gia đình và xã hội có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển của các em.

GS.TS Lê Anh Vinh.

GS.TS Lê Anh Vinh.

Xóa bỏ giới hạn lớp học

- Cơ quan hữu quan đã quan tâm, chỉ đạo như thế nào để sự phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội đạt hiệu quả, thưa ông?

- Chính phủ và Bộ GD&ĐT Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề giáo dục kỹ năng sống và hình thành các năng lực thế kỷ 21 cho học sinh: Thực hiện quyền trẻ em trong cơ sở giáo dục thông qua việc xây dựng MTGD an toàn, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường, xây dựng văn hóa học đường. Cùng với sự phối hợp của cộng đồng, chúng ta cũng đạt được mục tiêu trường học An toàn - Hạnh phúc.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là chúng ta chưa có cách hiểu toàn diện về MTGD tích cực, phong phú, giàu tài nguyên đối với sự phát triển của học sinh. Khi nói về MTGD và các vấn đề liên quan, chúng ta quan ngại về tình trạng mất an toàn, an ninh trường học, thực trạng lệch chuẩn đạo đức, quy tắc và hành vi của người học, người dạy… trong nhà trường các cấp. MTGD đúng là bao gồm các vấn đề này, nhưng đó không phải là trọng tâm. Quan trọng là làm thế nào để các kỹ năng, năng lực, nhận thức, hành vi và thái độ của học sinh cho thấy sự tiến bộ thông qua việc tiếp xúc với môi trường xung quanh hàng ngày, hàng giờ.

Nếu xét như vậy, người dạy không chỉ là thầy, cô giáo trong trường, mà sẽ là bất cứ ai từ gia đình như ông bà, bố mẹ đến từng cá nhân ngoài xã hội. Các nguồn học liệu không chỉ gói gọn trong thư viện trường học, mà sẽ mở rộng ra từng hoạt động học tập, sinh hoạt, các trải nghiệm sống và cả cơ hội tiếp cận những tài sản văn hóa mới, mở rộng vòng tròn giao tiếp của mỗi học sinh. Tóm lại là, môi trường xung quanh phải gợi mở và giàu tính kích thích nhất có thể để khơi dậy tiềm năng học hỏi không giới hạn của trẻ.

- Để hiện thực hóa điều này, nhà trường là cốt lõi, nhưng vai trò của gia đình - xã hội cũng rất quan trọng, thưa ông?

- Có thể khẳng định, các yếu tố bên trong nhà trường có ảnh hưởng mạnh mẽ đến MTGD. Một phần lớn ảnh hưởng đến từ các chính sách, cơ chế thu hút nguồn nhân lực giảng dạy chất lượng cao để có thể bảo đảm sự tham gia dân chủ của người học, người dạy. Còn vai trò của gia đình là cha mẹ và xã hội phải vào cuộc, đồng hành cùng nhà trường xây dựng MTGD. Thực tế cho thấy, tác động của gia đình, xã hội rất quan trọng. Các yếu tố bên ngoài nhà trường như kinh tế, văn hóa, chính sách pháp luật; nhận thức xã hội… đều ảnh hưởng đến MTGD.

Xuất phát từ xu thế chuyển đổi giáo dục trong thế kỷ XXI nhằm khai mở tiềm năng, trao quyền cho trẻ em chủ động ra quyết định cho sự phát triển của bản thân mình, trường học phải giúp mỗi học sinh khơi mở tiềm năng vốn có của mình, có đủ bản lĩnh, tự tin, đủ phẩm chất, năng lực tự quyết định cuộc sống sau này. Mỗi trường học phải là những MTGD tự chủ - dân chủ - nhân văn.

Giờ ngoại khóa của học sinh Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TG

Giờ ngoại khóa của học sinh Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TG

Vượt qua rào cản

- Có ý kiến cho rằng còn quá nhiều rào cản đối với việc xây dựng MTGD phong phú, tích cực. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Không khó để nhìn thấy chúng ta đang thiếu tính tổng thể kết hợp với việc chưa tập trung vào yếu tố trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng MTGD có hiệu quả cao. Bên cạnh các vấn đề về kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, hạn chế về năng lực quản trị xây dựng MTGD của các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng là một rào cản cần khắc phục. Thêm nữa là trình độ dân trí, văn hóa, lối sống, tập quán sinh hoạt của người dân địa phương có ảnh hưởng tới mức độ cùng tham gia của gia đình và cộng đồng trong quá trình xây dựng và duy trì, vận hành MTGD.

Tôi lấy ví dụ: Hiện, quan niệm phổ biến trong xã hội vẫn cho rằng gửi con đến trường thì mọi việc dạy dỗ là trách nhiệm của nhà trường. Các thầy cô phải chỉ dạy cho học sinh của mình mọi thứ, từ cách tự chăm sóc bản thân, phát triển tình cảm gia đình, lòng yêu nước, kiến thức khoa học, cho đến kỹ năng sống khác. Một bộ phận khác thì cho rằng, việc giáo dục con cái là quyền riêng của bố mẹ, nhà trường không thể can thiệp. Để có thể xóa mờ những định kiến và nếp suy nghĩ như vậy cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Tất nhiên nếu không bắt đầu thì chẳng bao giờ chúng ta tới đích.

- Vậy theo ông, chúng ta cần vào cuộc như thế nào?

- Đây là vấn đề phức tạp nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Bởi MTGD là khái niệm có phạm trù rất rộng, ảnh hưởng đến tất cả khía cạnh, bộ phận của nền giáo dục. Do đó, cần có sự lãnh đạo của Chính phủ và chính quyền các cấp, đồng thời là sự phối hợp đa ngành, đa cấp hiệu quả và bảo đảm tính dân chủ, hợp tác và tính chuyên nghiệp. Trong từng trường học cần thiết phải xây dựng một Ban hỗ trợ đa ngành với sự kết hợp của cán bộ y tế, chuyên gia tâm lý, cố vấn xã hội, giáo viên, phụ huynh để thực hiện các quyền cho học sinh. Đồng thời, thực hiện dịch vụ hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn hay gặp vấn đề trong cuộc sống hoặc học tập, đáp ứng nhu cầu giáo dục đặc biệt (giáo dục cá nhân; tư vấn và hỗ trợ tâm lý...) ở từng nhà trường.

Để thực hiện được điều đó, cần ban hành quy chế phối hợp đa ngành liên quan cũng như từng bước đào tạo nhân lực, tăng cường các biện pháp hỗ trợ trong trường học phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Đặc biệt, tập trung vào xây dựng chương trình nhà trường theo định hướng, tầm nhìn và giá trị của từng trường, phù hợp với bối cảnh văn hóa của địa phương. Chúng ta có thể thấy định hướng này ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai, với việc chỉ có một chương trình khung tổng thể và các nội dung giáo dục địa phương, việc tích hợp liên môn ở các cấp học dưới và môn học hoạt động trải nghiệm chiếm thời lượng lớn hơn rất nhiều so với trước đây.

Song song đó, chúng ta cũng cần xây dựng môi trường thể chế kết hợp các hình thức trách nhiệm từ trên xuống; coi trọng bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong nhà trường và cha mẹ học sinh để sẵn sàng xây dựng MTGD phong phú, tích cực.

Quan trọng hơn nữa cần tăng cường sự tham gia của chính bản thân người học, các ý kiến của học sinh cần được lắng nghe và chia sẻ thông qua việc xây dựng quan hệ tương tác tích cực và công bằng giữa giáo viên – học sinh. Chúng ta phải tạo không gian cho trẻ được chủ động lựa chọn các nội dung giáo dục và hoạt động trải nghiệm xã hội theo nhu cầu, sở thích bản thân. Đồng thời, chúng ta cũng cần trang bị năng lực tạo lập MTGD giàu tài nguyên, gợi mở cho học sinh và gia đình để học sinh thực sự là thành viên chủ động, có trách nhiệm với xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Thực tế cho thấy, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh còn hạn chế. Vẫn còn không ít giáo viên thiếu kỹ năng nghề nghiệp trong xây dựng và khai thác tình huống sư phạm. Thêm nữa, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và tích hợp giáo dục giá trị sống cho trẻ trong nhà trường chưa thực sự hiệu quả và thiếu các điều kiện, nguồn lực cần thiết để triển khai. - GS.TS Lê Anh Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.