Sáng tạo phương thức kết nối với phụ huynh
Theo kế hoạch của tỉnh Hưng Yên, học sinh lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2. Các khối còn lại học trực tuyến. Tỉnh Hưng Yên chưa cho trẻ mầm non đến trường. Thời gian này, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.
Cô giáo Đào Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo của Sở GĐ&ĐT, Phòng GD&ĐT, từ đầu năm học 2021-2022, nhà trường đã chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ em. Giáo viên quay video clip kể chuyện, trò chơi… gửi phụ huynh để hướng dẫn bé tại nhà. Dù trẻ không đến trường, nhà trường vẫn chủ động xây dựng kế hoạch, giáo án học tập theo hướng ngắn gọn, súc tích.
Tổ chuyên môn thống nhất nội dung các video, phân công giáo viên tuỳ thuộc vào trình độ chuyên môn, kỹ năng quay dựng. Những video sau khi hoàn thành được sử dụng chung cho các lớp, đảm bảo sự thống nhất, nhất quán trong toàn trường. Phụ huynh có thể nhắn tin trên zalo hoặc trao đổi riêng với giáo viên chủ nhiệm để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.
Năm học 2021-2022, Trường Mầm non Trung Nghĩa có 4 lớp dành cho trẻ 5 tuổi. Là tổ trưởng chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh, chia sẻ: Để chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1, giáo viên xây dựng video về các hoạt động giáo dục theo khung chương trình, kết hợp kỹ năng sống, kỹ năng phòng dịch gửi đến phụ huynh. Giáo viên chuẩn bị nội dung, gửi tổ trưởng chuyên môn duyệt trước khi quay. Video sau khi hoàn thành sẽ được thẩm duyệt rồi gửi về cho phụ huynh.
Một video đạt chất lượng đáp ứng các tiêu chí như ngôn từ chắt lọc, lối kể chuyện tự nhiên, thời lượng không quá 10 phút. Giáo viên tích cực kết hợp đạo cụ như sách truyện, đồ chơi… để nội dung thêm phần sinh động. Thông thường, 2 giáo viên cùng nhau hoàn thiện một video.
Cũng theo cô Minh, video tập trung những nội dung cốt lõi, chú trọng kỹ năng đọc số, làm quen mặt chữ. Đó còn là những chia sẻ dành cho phụ huynh để chuẩn bị tâm thế và hành trang cho trẻ vào lớp 1. Giáo viên chuẩn bị các trò chơi, câu chuyện làm quen với con số, chữ cái phù hợp với trẻ 5 tuổi. Ngoài ra, giáo viên hướng dẫn tập tô các nét chữ để phụ huynh cho trẻ thực hiện tại nhà.
“Bố mẹ bận đi làm cả ngày nên tối mới có thời gian hỗ trợ con cái. Khi xem video, chỗ nào không hiểu, phụ huynh có thể gọi video, giáo viên hỗ trợ từng bé. Với trẻ 5 tuổi, phụ huynh thường gửi bài làm của con để giáo viên nhận xét”, cô Minh cho biết.
Sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1
Cô giáo Dương Thị Thanh Luyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh, huyện Khoái Châu, bày tỏ: Giáo viên xây dựng video clip về các hoạt động giáo dục theo từng tuần, tháng; lựa chọn những đạo cụ phổ biến như đồ chơi, sách truyện… để phụ huynh có thể chuẩn bị tại nhà. Phụ huynh hướng dẫn các bé học, thực hiện yêu cầu của cô giáo và gửi lại sản phẩm của bé trong nhóm zalo để các phụ huynh cùng tham khảo.
“Việc hỗ trợ gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường được phụ huynh ủng hộ, tích cực tương tác tạo hiệu quả. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên vệ sinh trường lớp, rà soát trang thiết bị, phòng học để luôn sẵn sàng đón trẻ trở lại trường”, cô Luyến cho biết.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho biết tuy các cơ sở giáo dục mầm non chưa đón trẻ trực tiếp, Sở đã chỉ đạo các trường duy trì hoạt động kết nối với gia đình, trẻ em bằng kênh liên lạc phù hợp. Các trường tổ chức phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà.
“Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các trường lựa chọn nội dung cốt lõi, cần thiết, phối hợp hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình nhằm chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp 1”, ông Phê cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh sống tại thành phố Hưng Yên, cho hay: Video của nhà trường ngắn gọn, dễ hiểu. Tôi chỉ mất 2-3 lần hướng dẫn là bé có thể làm theo. Gia đình tôi cũng cảm thấy an tâm phần nào khi con không thể đến trường nhưng vẫn được thầy cô quan tâm, hỗ trợ.