Thực hiện Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia, Trường Đại học Vinh được giao chủ trì thực hiện Đề tài “Nghiên cứu mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”,mã số KHGD/16-20.ĐT.040, do GS.TS Thái Văn Thành làm chủ nhiệm.
Trong điều kiện kinh phí phải tiết kiệm, cắt giảm, đặc biệt do tác động của dịch Covid-19 nên đề tài phải cắt giảm một số hoạt động phục vụ nghiên cứu, cắt giảm sản phẩm sách chuyên khảo về mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non và 1 bài báo đăng trên tạp chí trong nước.
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng, đề tài đã góp phần xác định được cơ sở khoa học của việc xây dựng mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu nêu trên, đề tài đề xuất mô hình, cơ chế thực hiện mô hình và các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiên mô hình phối hợp gia đình - nhà trường - cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Kết quả nghiên cứu về mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non là cơ sở khoa học trong việc tham mưu, đề xuất các chính sách, định hướng chiến lược công tác chăm sóc giáo dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non. Kết quả nghiên cứu cũng là một tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non trong việc đổi mới tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Kết quả nghiên cứu các tác động đến các cơ sở giáo dục trong việc nhận thức rõ vai trò của việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non, trên cơ sở đó hình thành ý thức phát triển, triển khai và thực thi các giải pháp và mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Một số kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Sở GD&ĐT Nghệ An, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tiếp nhận, sử dụng.
Ý kiến phản biện của các chuyên gia đều thống nhất đây là nhiệm vụ hết sức có ý nghĩa, Đề tài đã tổng quan được nghiên cứu mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non hết sức cơ bản. Đề tài đã làm rõ các mô hình phối hợp gia đình và cộng đồng. Kết quả tổng quan là căn cứ quan trọng để xây dựng mô hình phối hợp gia đình và cộng đồng hiện nay. Các số liệu khoa học đủ tính đại diện. Kết quả phân tích đảm bảo tính khoa học, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khoa học, yêu cầu thực tiễn có tính khả thi cao. Giá trị thực tiễn góp phần xây dựng cơ sở khoa học, là căn cứ quan trọng đề xuất chiến lược chăm sóc GD trẻ Mầm non.
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kinh phí phải tiết kiệm, những kết quả đạt được của Đề tài cho thấy sự cố gắng lớn của nhóm nghiên cứu. Sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Các đề xuất thực hiện triển khai mô hình phối hợp, các giải pháp có cơ sở khoa học cụ thể nên dễ triển khai thực hiện. Kết quả thử nghiệm triển khai các mô hình, thử nghiệm công phu và hiện thức hóa tại các cơ sở GD mầm non trên địa bàn cho thấy có ý nghĩa thực tiễn. cao. Hội đồng thống nhất Đề tài đạt yêu cầu nghiệm thu. Tuy nhiên, kiến nghị cần chỉnh sửa lại cấu trúc cho chặt chẽ, bổ sung thêm một số thuật ngữ liên quan đến các chủ thể trong đề tài.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chúc mừng Đề tài đã được Hội đồng thẩm định đánh giá đạt yêu cầu. Các thành viên phản biện đã làm việc hết sức trách nhiệmi. Đây là một đề tài tốt, trong tình hình dịch bệnh nhưng nhóm nghiên cứu đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Đề tài khó nhưng nhóm nghiên cứu đã rất cố gắng đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự phối hợp cần thiết trong việc phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc chăm sóc GD trẻ. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung kết luận kiến nghị của các chuyên gia phản biện, để cho thấy những phân tích của sản phẩm sâu và ý nghĩa.