Thách thức và yêu cầu với đội ngũ
- Ngành Giáo dục đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với nhiều nhiệm vụ mới và khó khăn. Đội ngũ nhà giáo đồng thời phải ứng phó với dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử. Ông có suy nghĩ và chia sẻ điều gì với nhà giáo trong bối cảnh này?
- Các thầy cô đang phải đối mặt và vượt qua một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Riêng với ngành Giáo dục, vừa phải bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch, vừa thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phải “chuyển mình” để chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Lực lượng nhà giáo của ngành Giáo dục đông đảo về số lượng, trải dài khắp các cấp học, đa dạng về vùng miền, khác nhau về điều kiện làm việc, nhưng chúng ta đang chung nhau những khó khăn, thử thách mà thực tế bối cảnh xã hội đặt ra.
Có thể nói, có nhiều khó khăn, thách thức đối với nhà giáo giai đoạn này. Nhà giáo phải tìm cách thích ứng với điều kiện dịch bệnh, vượt qua nó một cách an toàn và hoàn thành nhiệm vụ. Nhà giáo phải nỗ lực vượt qua mọi rào cản về tuổi tác, năng lực, thói quen, điều kiện cơ sở vật chất để làm mới mình, đáp ứng những yêu cầu cao hơn của công cuộc đổi mới giáo dục và chuyển đổi số của toàn xã hội.
Nhiều thầy cô công tác trong ngành lâu năm, đã tích lũy đủ các bằng cấp, kinh nhiệm nhưng đến giai đoạn này vẫn phải tiếp tục đi học, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới. Có những thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa vốn không quen với công nghệ hiện đại, nhưng cũng phải tự học để thích ứng với việc dạy học trực tuyến cùng hàng loạt thiết bị, phần mềm và kỹ thuật dạy học hiện đại.
Trong những năm qua, các cấp có thẩm quyền đã quan tâm, nhiều chính sách của nhà giáo được điều chỉnh, nhưng nhìn chung đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn. Ngoài giờ làm việc, nhiều thầy cô vẫn còn phải bươn chải thêm với công việc khác để chăm lo cho gia đình. Vừa tham gia công tác quản lý, vừa là nhà giáo, hơn ai hết tôi thấm thía những khó khăn này và xin được chia sẻ với các thầy, các cô.
- Bối cảnh xã hội hiện nay đặt ra những yêu cầu nào đối với nhà giáo, theo ông?
- Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước muốn thắng lợi thì điều kiện tiên quyết là ngành Giáo dục phải có đội ngũ nhà giáo tâm huyết, tự trọng, tinh nhuệ, được rèn luyện, bồi dưỡng đầy đủ, thường xuyên, liên tục. Vì vậy, yêu cầu đối với nhà giáo là sẵn sàng tâm thế cho sự đổi mới, thích ứng với điều kiện mới, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để làm mới mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Phát triển đội ngũ nhà giáo luôn được ưu tiên
- Bộ GD&ĐT đã và sẽ có những hỗ trợ, đồng hành như thế nào để nhà giáo có thể đáp ứng yêu cầu mới, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?
- Trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT thời gian vừa qua, quan điểm về việc xác định mục tiêu trọng tâm, xây dựng các giải pháp ưu tiên tối đa cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo được thể hiện rõ ở một số việc.
Bộ đã chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể các vấn đề còn vướng mắc hoặc được dư luận quan tâm về chính sách đối với nhà giáo (thừa/thiếu giáo viên các cấp, yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, nội dung bồi dưỡng trùng lặp…) để từng bước tháo gỡ, tiến tới xây dựng và ban hành chính sách nhà giáo vừa đúng về pháp lý, vừa là điểm tựa, là cơ chế để phát triển đội ngũ.
Tiếp đó, Bộ quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống các trường sư phạm, trong đó đầu tàu là trường đại học sư phạm; ban hành chính sách đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo đối với sinh viên sư phạm để cải thiện chất lượng đầu vào của ngành Sư phạm.
Bộ GD&ĐT đã và sẽ tập trung nguồn lực, xây dựng các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu mới.
Mới đây, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, nhằm tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Qua đó thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đối với đội ngũ thầy cô giáo.
Bộ cũng đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với nhà giáo trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về chế độ làm việc của nhà giáo phù hợp với tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động dạy và học…
- Ông muốn nhắn nhủ điều gì tới đội ngũ nhà giáo trên khắp cả nước nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?
- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trong chia sẻ ngày đầu nhậm chức đã thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào đội ngũ nhà giáo, giáo chức. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn.
Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, để đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng. Một phần của nhiệm vụ trọng đại đó phó thác cho ngành Giáo dục. Để đảm đương sứ mệnh này, không có cách nào khác, chúng ta cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới”.
Chúng ta đang cùng nhau trải qua những tháng năm lịch sử của đất nước, ngành. Bên thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục. Cảm ơn các thầy, cô đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm cần mẫn làm nghề, viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành, đất nước.
Mong rằng, các thầy cô tiếp tục cố gắng, gương mẫu, làm việc với trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn. Kính chúc các thầy cô luôn luôn mạnh khỏe, bình an trong đại dịch và có đủ sức mạnh, trí tuệ, nhiệt huyết và lòng say nghề để có thể vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.