Ưu điểm của một phương pháp

Ưu điểm của một phương pháp

(GD&TĐ) - Học sinh (HS) được tư duy nhiều hơn, phát huy được tính tích cực... Đó là nhận xét của giáo viên (GV) sau một thời gian triển khai công nghệ giáo dục (CNGD) trong dạy tiếng Việt lớp 1 ở trường tiểu học. 

Nâng cao kết quả dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Học sinh Tiểu học Việt Hải (Cát Bà, Hải Phòng)
Học sinh Tiểu học Việt Hải (Cát Bà, Hải Phòng)
 

Từ năm 1995, việc dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình của Trung tâm Công nghệ Giáo dục (TTCNGD) đã triển khai hiệu quả ở 43 tỉnh thành trên toàn quốc, ở cả vùng phát triển và vùng có nhiều HS dân tộc thiểu số.

Đến năm 2000, do Luật Giáo dục quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa, nên việc dạy Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình của TTCNGD không được thực hiện. Đến năm học 2006 - 2007, TTCNGD thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ “Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiếu số (HSDTTS) ở các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Được Bộ GD&ĐT cho phép, Sở GD&ĐT Lào Cai được chọn là nơi thử nghiệm cho đề tài với quy mô 4 huyện, 16 trường. Các trường đều có đông HSDTTS, có trường 100% HSDT. Kết quả môn Tiếng Việt của HS ở các trường này được nâng lên rõ rệt. 

Tại Hội nghị về dạy Tiếng Việt cho HSDTTS tháng 8/2008, Bộ GD&ĐT đã  đưa việc dạy Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu của TTCNGD thành một trong năm phương án dạy học và tăng cường Tiếng Việt cho HSDT. Năm học 2011 - 2012, Bộ cũng chủ trương dạy học “Tiếng Việt lớp 1. Công nghệ giáo dục” (TV1.CNG) để nâng cao chất lượng dạy học cho HS tiểu học. Nếu năm học 2008 - 2009 triển khai dạy học ở 7 tỉnh với khoảng 7000 HS; thì đến năm học 2013 - 2014 triển khai ở 35 tỉnh với trên 183.000 HS. 

Theo Bộ GD&ĐT, việc dạy TV1.CNG hoàn toàn do các tỉnh tự nguyện lựa chọn và báo cáo để được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ GD&ĐT. Sau năm đầu triển khai, hầu hết các tỉnh đều nhân rộng, một số tỉnh đã triển khai dạy cho 100% HS lớp 1 như Lào Cai, năm học này là Nam Định.

Cách thức triển khai tổ chức của Bộ GD&ĐT là Bộ tổ chức tập huấn cho GV cốt cán của các tỉnh, mỗi năm học có thể cử giảng viên trung ương đi hỗ trợ kỹ thuật dạy học 2 lần/2 học kỳ cho những tỉnh thực hiện năm đầu, trong năm học đi kiểm tra, đánh giá kết quả ở một số tỉnh. 

Ưu điểm của một phương pháp

Với HS thì việc học cũng nhẹ nhàng hơn, học sinh lớp 1 học Tiếng Việt chủ yếu chỉ học âm và vần, khi viết chỉ cần viết đúng âm, vần.

Các tỉnh thực hiện dạy theo tài liệu TV1.CNG cho lớp 1 từ năm học 2008 - 2009 hầu hết triển khai ở vùng khó khăn (HSDTTS), sau đó mới mở rộng ra các vùng, tỉnh thuận lợi. Kết quả sau 5 năm thực hiện tương đối khả quan, tỷ lệ HS xếp loại khá giỏi tăng, tỷ lệ HS xếp loại yếu môn TV giảm rõ riệt.

Các tỉnh đánh giá học tài liệu này HS tiếp thu kiến thức một cách vững chắc, nắm vững cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, nắm chắc luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm tương đối chuẩn, qua thời gian nghỉ hè không quên chữ. HS cũng tích cực và chủ động tham gia vào hoạt động học, tạo ra sản phẩm cho chính mình. Hầu như không còn HS không biết đọc, nếu có chỉ là những trường hợp HS đọc chậm. Tài liệu thiết kế theo nguyên tắc: “Thầy giao việc - trò thực hiện” nên đã hình thành được ở GV phương pháp dạy tích cực, HS học tích cực. 

Tài liệu thiết kế chi tiết cho các dạng bài, các mẫu của từng tiết dạy vì vậy GV không cần phải soạn bài có thời gian cho việc chuẩn bị và nghiên cứu bài dạy đạt hiệu quả cao hơn. Kiến thức và năng lực của GV được nâng lên rõ rệt qua quá trình dạy học. Một số tỉnh đã hướng dẫn áp dụng phần dạy cấu tạo tiếng, luật chính tả của tài liệu TV1.CNG cho chương trình hiện hành. 

Ý kiến của GV và cán bộ GD ở địa phương triển khai CNGD trong dạy học Tiếng Việt tiểu học cho rằng việc chuẩn bị đồ dùng dạy học của GV cũng đơn giản, nhẹ nhàng hơn, đa số các thao tác đều có sẵn trong thiết kế bài giảng. Còn với HS thì việc học cũng nhẹ nhàng hơn, học sinh lớp 1 học Tiếng Việt chủ yếu chỉ học âm và vần, khi viết chỉ cần viết đúng âm, vần. Đáng chú ý với cách dạy này HS sẽ chuyển từ việc biết nói sang ký hiệu, từ ký hiệu chuyển thành chữ viết, cách dạy như vậy phù hợp với phương pháp dạy học hiện đại, phát huy được kinh nghiệm sống của HS, giúp GV giải thích từ với HS cặn kẽ hơn mà không áp đặt...

Khi triển khai TV1.CNG, thuận lợi là kết quả của việc dạy học theo tài liệu TV1.CNG có sức thuyết phục đối với các địa phương. Do đó số tỉnh tự nguyện đăng ký tham gia tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc triển khai dạy học theo tài liệu luôn được sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Cán bộ quản lý các cấp và GV cũng tích cực tiếp thu cái mới.

Hạn chế, khó khăn...

Từ quá trình triển khai cũng thấy rằng có một số hạn chế của tài liệu TV1.CNG. Theo thiết kế thực hiện, tài liệu có 2 điểm chưa phù hợp: Thứ nhất, theo hướng dẫn thì trong quá trình tổ chức giảng dạy, GV không sử đụng đồ dùng dạy học. Điều này làm hạn chế kết quả nhận thức của HS, đặc biệt là HSDTTS. Thứ hai, chưa có nhiều thời gian cho HS rèn kỹ năng nói. Để khắc phục những hạn chế này, Vụ GD Tiểu học hướng dẫn như sau: GV nên tận dụng đồ dùng dạy học của chương trình hiện hành, làm thêm đồ dùng dạy học và chủ động sắp xếp thời gian rèn luyện kỹ năng nói cho HS.

Khó khăn gặp phải khi triển khai TV1.CNG là một số bộ phận cán bộ quản lý các cấp từ Sở, phòng GD đến nhà trường chưa hiểu thấu đáo ưu điểm của tài liệu, chưa hình dung đầy đủ quy trình quản lý triển khai dạy học TV1.CNG. Do đó, ở một số địa phương, việc chỉ đạo triển khai chưa sâu sát chưa hướng dẫn được nhà trường và GV trong quá trình thực hiện. GV khi thực hiện năm đầu sẽ gặp khó khăn do thay đổi nội dung cũng như phương pháp dạy học.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là khuyến khích các tỉnh dạy học theo TV1.CNG nhằm nâng cao chất lượng dạy Tiếng Việt. Đối với HS vùng DTTS, các trường vùng khó khăn của dự án Mô hình trường tiểu học mới Việt Nam (VNEN), Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP) việc học theo tài liệu TV1.CNG là điều kiện để HS có vốn Tiếng Việt học lớp 2 nên giải pháp căn bản để tăng cường Tiếng Việt cho HS là TV1.CNG. Việc sử dụng nhân viên hỗ trợ GV của chương trình SEQAP chỉ là giải pháp tạm thời. 

Đầu mỗi năm học, Bộ tập huấn và hỗ trợ cho các tỉnh mới tham gia dạy TV1.CNG và các tỉnh triển khai năm thứ 2 có nhân rộng. Xây dựng đội ngũ giảng viên cốt cán ở cấp trung ương đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu khi TV1.CNG nhân rộng. Bổ sung đội ngũ giảng viên từ GV các tỉnh, thành phố đang tham gia thực hiện dạy TV1.CNG.

Áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực (TV1.CNG):

Ví dụ về dạy học theo nhóm: Bài “e”

Ở việc 1 khi HS phân tích tiếng “be” thì tìm ra âm mới là âm “e”. GV có thể cho HS phát âm âm “e” theo nhóm đôi để phát hiện “e” là nguyên âm hay phụ âm và vì sao?

Ở việc 3: (Đọc) Sau khi từng cá nhân HS đọc thầm bài đọc GV có thể cho HS đọc bài trong nhóm cho nhau nghe (có thể là nhóm 2 cũng có thể là nhóm 4) trước khi đọc bài trước lớp.

Có thể sử dụng dạy học theo nhóm ở các thao tác nêu trên trong 2 bài âm và vần.

Việc sử dụng trò chơi học tập: “Cá mẹ tìm cá con”

GV phát cho HS một hình con cá (được vẽ trên giấy bìa màu và ép plastic). GV viết các phụ âm hoặc các nguyên âm. Trên hình cá mẹ là các phụ âm. Trên hình cá con là các nguyên âm. Cá mẹ phải tìm cá con của mình sao cho đúng chính tả. 

Chẳng hạn, dạy bài Luật chính tả “i”:

Cá mẹ gồm các phụ âm: c, m, k, ng, g, ngh, gh, d

Cá con gồm các nguyên âm: o, ô, i, e, ê, a

Khi cá mẹ “c” tìm thấy cá con “o”. Hai học sinh đứng gần nhau đọc to: “co”. Khi cá “k” tìm thấy cá con “i”. Hai học sinh đứng gần nhau đọc “ki” (có thể nêu luật chính tả). Những cá mẹ nào tìm thấy cá con đúng luật sẽ thắng cuộc.

Thu Ba

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ