Ước mơ đến trường từ… giường bệnh

GD&TĐ - Ngày khai giảng đã cận kề. Trong khi các bạn cùng trang lứa đã chuẩn bị đầy đủ hành trang vào năm học mới với sách vở, quần áo và tâm trạng đầy háo hức thì cũng có bệnh nhi tạm quên đi niềm vui đến trường để chiến đấu với cơn đau của bệnh tật. 

Háo hức nhận quà trong ngày sinh nhật chung
Háo hức nhận quà trong ngày sinh nhật chung

Khoảng trời của các bé lúc này là hành lang bệnh viện, giường bệnh. Bạn bè là bệnh nhi cùng giường, cùng phòng và các nhân viên y tế. Mơ ước duy nhất của các bé là khỏe mạnh để đến trường, được dự lễ khai giảng và vui chơi với bạn.

Thuộc từng ngõ ngách của bệnh viện

Trung tâm Hemophilia và Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) có lẽ là nơi tập trung nhiều bệnh nhi mắc bệnh về máu nhất. Mỗi em một hoàn cảnh, một độ tuổi nhưng đều mắc bệnh phải suốt đời coi bệnh viện là nhà.

Với bạn nhỏ bình thường, cuộc sống là khoảng trời rộng lớn với gia đình, bạn bè, thầy cô và trường lớp. Còn với các bệnh nhi, khoảng trời của chúng chính là bệnh viện. Bước chân vào Trung tâm Thalassemia, chúng ta dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ từ vài tháng tuổi đến vài tuổi, học sinh, sinh viên… tay cắm kim truyền, tay cầm cây treo dịch truyền túm năm tụm ba chơi game trên điện thoại hoặc thu mình một góc… nghiền ngẫm cuốn sách, quyển truyện nào đó. Thỉnh thoảng, chúng lại cười phá lên. Những tiếng cười giòn tan xóa đi không khí nặng nề vốn có trong bệnh viện.

Có những bạn mới hôm qua còn háo hức chuẩn bị cho ngày khai giảng nhưng vì đau, vì mệt lại phải viện và bỏ lỡ ngày đầu tiên của năm học mới. Những em bé thay áo đồng phục học sinh là máu áo bệnh nhân. Trên tay, kim tiêm, dịch truyền thay thế sách bút… 

L.K.A và N.T.P (Sơn Động, Bắc Giang), hai cô bé không hẹn mà gặp rồi trở thành bạn thân. A. 15 tuổi học lớp 5 và P. 13 tuổi học lớp 6. Hai em phát hiện bệnh khi chưa đầy 1 tuổi. Từ đó đến nay, bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai. Bác sĩ và bệnh nhi cùng phòng như người nhà, bạn bè thân thiết.

Mỗi tháng 1 lần, A. và P. lại bắt xe từ quê lên viện để chữa bệnh. Mỗi đợt điều trị kéo dài từ 1 - 2 tuần. Với hai em, việc tự chăm sóc bản thân, thực hiện y lệnh của bác sĩ đã quá quen thuộc.

Điều ước giản dị của bệnh nhi

Điều ước giản dị của bệnh nhi

Mong một lần được dự khai giảng

Dù đang ở tuổi dậy thì nhưng cả A. và P. đều nhỏ như cây kẹo. Cả hai em đều có biểu hiện đặc trưng của bệnh là bụng chướng, da nhợt nhạt, xanh xao, ăn kém…

Nhập viện điều trị khi ngày khai giảng đang đến gần, cả hai đều buồn. Theo A., dù cố gắng để chờ tới ngày khai

giảng xong mới xuống viện nhưng cơ thể đau quá nên đành lỡ hẹn với các bạn.

Hơn chục năm gắn bó với bệnh viện nên dường như A. và P. cùng nhiều bệnh nhi khác đã quen với những thiệt thòi này. Bởi năm nào cũng vậy, lịch điều trị luôn trùng với dịp khai giảng. Đây là lý do khiến A. tuy học lớp 5 nhưng mới được dự khai giảng 1 lần vào năm lớp 3. Còn P. năm nay học lớp 6 nhưng chưa một lần được cùng bạn bè chia sẻ niềm vui trong ngày khai giảng để vào năm học mới.

Tuy thiệt thòi hơn các bạn nhưng không vì thế mà A. và P. mất đi nét hồn nhiên của tuổi học trò. Hai em cho biết đã chuẩn bị đầy đủ sách vở, quần áo và đồ dùng học tập để sau khi ra viện sẽ đến trường. “Trường THCS xa nhà hơn nhưng cháu sẽ cố gắng điều trị để có thể đạp xe đến trường như các bạn khác, được dự khai giảng, để biết cảm giác được các anh chị lớp lớn đón vào trường thích như thế nào” - A. mong mỏi.

Vỡ òa niềm vui khi được tặng sách, vở
Vỡ òa niềm vui khi được tặng sách, vở

Viết tiếp những ước mơ dang dở

Để khích lệ các em nhỏ điều trị tốt hơn, tiếp tục theo đuổi ước mơ, nhiều năm qua, Phòng Công tác xã hội (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) đã phát động chương trình “Tiếp bước cùng em đến trường” với hy vọng quyên góp đủ sách, vở và đồ dùng học tập cho các bệnh nhi. Trước mỗi năm học mới, hàng trăm bộ sách giáo khoa và đồ dùng học tập được trao cho các bạn nhỏ. Sự tiếp sức của cộng đồng đã giúp nhiều bệnh nhi có hành trang đầy đủ để đến trường, để được học.

Mới đây, các y bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) đã “tiếp sức” cho chàng trai người dân tộc Hà Nhì (Bát Xát, Lào Cai) Sờ Có Suy trước nguy cơ dang dở giấc mơ vì tai nạn giao thông. Được biết, Suy đang chuẩn bị cho ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ nhưng tai nạn khiến em gãy xương hàm mặt, xương mũi và mắt trái không nhìn thấy.

Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, GS.TS Trịnh Đình Hải – Giám đốc bệnh viện đã trực tiếp chỉ đạo các y bác sĩ Khoa Chấn thương hàm mặt điều trị tốt nhất có thể và miễn giảm toàn bộ chi phí ca phẫu thuật, tiền giường bệnh và chi phí thuốc cũng như hỗ trợ thêm cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn này. Hy vọng với sự giúp đỡ trên, em sớm trở lại cuộc sống, tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành thạc sĩ người Hà Nhì đầu tiên của mình.

Hay như trường hợp bé Vàng A K. (Trạm Tấu, Yên Bái) mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng gia đình không có điều kiện để chữa trị nên em thường xuyên ngất xỉu trên lớp học. Đưa con xuống Bệnh viện E (Hà Nội) với số tiền dắt túi vẻn vẹn 8 triệu đồng, bố em nằng nặc đòi cho con ra viện, về quê khi biết chi phí phẫu thuật quá lớn.

Những tưởng giấc mơ trở thành thầy giáo để gieo chữ trên vùng núi khô cằn của K. phải gác lại nhưng nhiều nhà hảo tâm đã dang rộng vòng tay để em có đủ tiền phẫu thuật. Ngày chia tay các bác sĩ, K. thủ thỉ xin được thay đổi ước mơ để trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Ước mơ của cậu bé mới 10 - 11 tuổi ấy cần nhiều thời gian để thực hiện nhưng tôi tin điều kỳ diệu đó sẽ đến bởi trái tim em luôn được sưởi ấm bằng tình yêu thương của mọi người. Và nơi quê nhà, thầy cô, bạn bè luôn mong chờ em trở lại lớp để tiếp tục hành trình gieo chữ, hiện thực hóa những giấc mơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ