Ước mơ của nữ sinh có “đôi chân không nghe lời”

GD&TĐ - “Có những đêm, em mơ thấy mình chạy nhảy được như các bạn. Khi nửa tỉnh nửa mơ, em cố gắng đứng dậy và bước đi. Nhưng đôi chân không nghe lời, cứ khuỵu xuống. Lúc đó, em biết đó chỉ là giấc mơ, ôm mẹ khóc mãi”.

Thương bạn nên mỗi khi Quỳnh cần đến, Ánh sẵn sàng giúp đỡ.
Thương bạn nên mỗi khi Quỳnh cần đến, Ánh sẵn sàng giúp đỡ.

Y Quỳnh có đôi chân không nghe lời, nhưng em may mắn có người bạn là Y Ánh nguyện làm đôi chân.

Đôi chân “không nghe lời”

Y Quỳnh (học sinh lớp 11B1, Trường PTDTNT huyện Đắk Hà, Kon Tum) khi cất tiếng khóc chào đời là một cô bé kháu khỉnh, nhanh nhẹn. Lúc biết đi Y Quỳnh theo bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy, nô đùa khắp buôn làng. Tuy nhiên, đến năm học lớp 2, Quỳnh bị sốt. Khi đó, gia đình mua thuốc cho Quỳnh uống để tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh tình của cô bé không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn.

Nhà Quỳnh nghèo, ba mẹ cô bé chạy vạy, vay mượn khắp nơi được ít tiền liền đưa con lên thành phố để thăm khám. Khi đó, các bác sĩ kết luận Quỳnh bị viêm đa khớp dạng thấp. Những cơn sốt kéo dài khiến cơ thể của Quỳnh ngày một co quắp. Các ngón tay và hai chân teo tóp dần khiến cô bé không thể cử động được.

Trở về nhà sau nhiều lần chữa trị, chân Y Quỳnh không thể đi lại được. Đôi tay em thì bị co quắp, khó khăn trong việc cử động, cầm nắm. Y Quỳnh bắt đầu tập cầm bút và viết bằng 2 ngón tay. Những cử động của Quỳnh trở nên khó nhọc, đôi tay mỏi nhừ, tê cứng do cầm bút viết lâu. Thấy con ham học, bố mẹ Quỳnh thay phiên nhau chở con đến lớp mỗi sáng rồi đón con khi tan trường. Mọi sinh hoạt hàng ngày Quỳnh cũng phải nhờ cậy vào mẹ.

“Thấy bạn bè chạy nhảy, vui đùa em cũng muốn được như các bạn. Nhiều lúc em chỉ ước đôi chân mình lành lặn. Có thể tự đi đến trường để bố mẹ đỡ vất vả. Có những đêm, em mơ thấy mình chạy nhảy được như các bạn. Dù chỉ là mơ nhưng em vui lắm.

Khi nửa tỉnh nửa mơ, em cố gắng đứng dậy và bước đi. Nhưng đôi chân không nghe lời, cứ khuỵu xuống rồi cả người đổ xuống. Bố mẹ chạy vội lại đỡ em lên, lúc đó em biết đó chỉ là giấc mơ. Em buồn lắm, ôm mẹ khóc mãi”, Quỳnh tâm sự.

Giọt nước mắt chảy xuôi

Mẹ làm đôi chân cho Quỳnh hết năm cấp 2. Sang cấp 3, Quỳnh nếu muốn đến trường phải lên huyện học cách nhà hơn 12km. Bố mẹ bận đi làm, lo cho cuộc sống gia đình nên không thể theo chân Quỳnh tiếp tục đến trường. Những tưởng giấc mơ của mình phải dừng lại tại đây nên Quỳnh khóc suốt. Thương con nhưng bố mẹ Quỳnh không biết làm sao.

Lúc này, Y Ánh (thôn 4, xã ĐăkUi, huyện Đắk Hà – hàng xóm Y Quỳnh) thấy thương Quỳnh nên tình nguyện làm đôi chân đưa bạn đến trường. Từ đó, Y Ánh và Y Quỳnh trở thành đôi bạn thân “đặc biệt” trong ngôi trường PTDTNT huyện Đắk Hà.

Vào học ở ngôi trường mới, xa gia đình, 2 nữ sinh bắt đầu cuộc sống tự lập. Y Quỳnh ở tầng 1, còn Y Ánh ở tầng 2 của kí túc xá trong trường. Không còn được bố mẹ gọi dậy mỗi sáng, lại mang trên vai trọng trách như một “người mẹ” của Y Quỳnh nên Y Ánh tự giác trong mọi việc.

Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng, Y Ánh thức dậy vệ sinh cá nhân rồi xuống phòng cõng Quỳnh đi đánh răng, rửa mặt, thay đồ và lo cho bạn ăn sáng. Xong xuôi mọi việc, Ánh lại cõng Quỳnh lên lớp.

“Chưa bao giờ bạn Ánh quên hay trễ giờ với em cả. Bạn Ánh luôn giúp em vệ sinh cá nhân, thay đồ và đưa em lên lớp học. Chiều thứ 2 hàng tuần, Ánh vất vả hơn khi phải cõng em lên tận tầng 3 để học môn Tin. Em không sợ ngã khi ngồi trên lưng bạn mà chỉ sợ Ánh mệt.

Em biết bạn có mệt, nhưng chưa một lần nào bạn than phiền. Mỗi lần cõng em Ánh lại kể chuyện, lại cười đùa để em vui và bớt tự ti về bản thân. Với em, bạn Ánh như một người hùng trong những câu chuyện cổ tích”, Y Quỳnh nhìn Ánh với ánh mắt rạng ngời.

“Đôi chân” của mạnh thường quân

Không chỉ chân, ngay cả hai bàn tay của em cũng teo chỉ cử động được ngón trỏ và ngón cái. Nhiều hôm Quỳnh không chép bài kịp, Ánh lại chép giúp bạn những phần còn thiếu.

Thương hai học trò nghèo vượt khó, nhà trường đã kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ để các em bớt khó khăn hơn. Đầu năm học 2020-2021, Công an tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ cho Y Quỳnh chiếc xe lăn điện tự điều khiển. Từ ngày có xe lăn, Quỳnh có thể tự di chuyển trong phòng để vệ sinh cá nhân. Nhưng khi lên lớp vẫn cần cô bạn Y Ánh hỗ trợ.

“Em rất cảm ơn nhà trường. Các mạnh thường quân đã giúp em có chiếc xe lăn để có thể tự di chuyển. Được tặng chiếc xe lăn này em vui lắm. Có xe lăn, em có thể tự làm được một số việc. Bạn Y Ánh cũng đỡ vất vả hơn. Đôi vai của Y Ánh sẽ bớt nặng hơn khi không phải cõng em nhiều”, Y Quỳnh vui vẻ nói.

Y Quỳnh chia sẻ rằng, em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh. Còn Y Ánh khi được hỏi về ước mơ của mình, em nhìn xuống nền nhà.

“Em chỉ mong bạn Y Quỳnh có thể hoàn thành ước mơ của mình. Còn em chưa có dự định gì cho riêng mình. Nhà em nghèo, chắc không thể thực hiện được ước mơ”, Ánh nói rồi vội quay mặt đi.

Nhìn bạn với đôi mắt rưng rưng, Y Quỳnh cho hay, cô bạn Y Ánh của mình có ước mơ nhưng luôn lo sợ, tự ti không dám nói ra. “Có lần tâm sự với nhau, bạn Ánh nói với em ước mơ được làm công an. Nhưng bạn nói nhà bạn đông anh chị em, lại nghèo nên sợ không có tiền đi học”, Y Quỳnh dứt lời, cả hai cùng khóc nức nở.

Thầy Châu Văn Quang – Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Đắk Hà cho biết, Y Quỳnh và Y Ánh đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng hai em luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Hai em là học sinh khá của trường và rất ngoan ngoãn, chăm chỉ. Từ ngày vào trường học, Y Ánh luôn là đôi chân giúp Y Quỳnh vệ sinh cá nhân và đưa bạn ấy lên lớp.

“Y Ánh luôn giúp đỡ, hỗ trợ Y Quỳnh trong cuộc sống cũng như học tập. Câu chuyện của 2 em rất xúc động, đáng khâm phục và là tấm gương sáng cho nhiều học sinh khác noi theo”, thầy Quang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.