Món quà đặc biệt của cô giáo dạy trẻ khiếm khuyết ở Sài Gòn

Cô giáo 50 tuổi hạnh phúc khi học trò rối loạn tự kỷ, bại não... có thể tự đọc, viết và tặng cô tấm thiệp nhân ngày nhà giáo.

Món quà đặc biệt của cô giáo dạy trẻ khiếm khuyết ở Sài Gòn

Gần đến ngày 20/11, cô Nguyễn Thị Phương Dung (50 tuổi, giáo viên giáo dục đặc biệt ở quận 8, TP HCM) nhận được hai món "quà lớn" - theo cách gọi của cô. Đó là tấm thiệp và bài tập chính tả của những học trò kém may mắn.

Kết thúc buổi học hôm thứ sáu, Thư (12 tuổi, bị tổn thương ở não) đã bắt cô nhắm mắt lại, rồi bẽn lẽn đưa tấm thiệp mừng ngày 20/11. "Với một đứa trẻ như vậy, cộng với tật khiếm thính, việc làm tưởng chừng đơn giản này là cả sự tiến bộ vượt bậc. Hạnh phúc nhất với người dạy có lẽ là chứng kiến được điều này từ học trò", cô Dung nói.

Cô tình cờ gặp Thư trong một trung tâm dành cho người khiếm thính quận Phú Nhuận, khi mẹ cô bé đi tìm người hỗ trợ con gái. Khi đó, Thư đi lại rất khó khăn, bàn tay bé xíu không làm được việc nên phải có người chăm sóc.

Qua từng buổi học tại nhà, cô Dung chứng kiến sự trưởng thành từng ngày của cô trò nhỏ. Thư dần làm được những việc phục vụ bản thân, biết viết chữ và rất thích vẽ. Thư đang học lớp 4 hòa nhập tại một trường tiểu học quận 10.

Bài chính tả, món quà lớn nhất cậu học trò tặng cô giáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Bài chính tả" - món quà lớn cậu học trò tặng cô giáo.

Còn Tâm 10 tuổi, từng học lớp dành cho trẻ không bình thường (bị bại não, hội chứng Down, tự kỷ...) ở huyện Củ Chi do cô Dung đứng lớp 2 năm trước. Lớp học miễn phí, tổ chức mỗi sáng chủ nhật, nằm trong chương trình giảng dạy xóa mù chữ cho trẻ khuyết tật của huyện.

Khi kết thúc chương trình, cha mẹ Tâm tiếp tục mời cô kèm cậu bé ở nhà. Trước đó Tâm hay giận, la hét, chưa nói được tròn vành rõ chữ dù đã gần 10 tuổi. Sau khoảng mười tháng, em nói tiến bộ, học chữ và tập viết.

Để làm được điều này, cô Dung phải chấp nhận việc em vô cớ cáu gắt, la lối người khác. Cậu bé dần hòa đồng hơn, biết tập trung chú ý hơn và đang dần hoàn thành chương trình lớp 1 phổ thông. "Hơn mọi món quà khác, bài chính tả chỉ một câu của em cũng đủ làm tôi sung sướng", cô Dung chia sẻ.

Tốt nghiệp khóa đầu tiên khoa Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội) và hơn 20 năm làm việc tại các trung tâm dành cho trẻ khuyết tật nên cô Dung có nhiều kinh nghiệm dạy dỗ và chăm sóc tinh thần cho các em. Cô tự biên soạn giáo trình phù hợp với nhận thức của từng em trong lớp.

Lớp học cho trẻ bị tổn thương ở não tạihuyện Củ Chi do cô Dung đứng lớp. Ảnh: Mạnh Tùng.

Lớp học cho trẻ bị tổn thương não tạihuyện Củ Chi do cô Dung đứng lớp.

Theo cô Dung, hiện nhiều người còn nhìn nhận sai lầm khi cho rằng những đứa trẻ bại não, hội chứng Down... sẽ chẳng thể làm gì. Với những trẻ này, giáo viên cần lòng kiên nhẫn, bao dung và nghiệp vụ sư phạm giáo dục đặc biệt. 

"Chúng như những thành phố bị cúp điện, nếu được đánh thức thì ánh điện quay trở lại. Người lớn, nhất là phụ huynh cố gắng tìm ra những điểm tích cực, đừng nhìn chúng bằng ánh mắt tuyệt vọng. Chỉ cần ghi nhận, trân trọng những tiến bộ, những hành vi tốt của bé dù đó chỉ là ánh mắt, một nụ cười, một cái vẫy tay để từ đó cư xử một cách tôn trọng trẻ", cô Dung khuyên.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.