Đây là mảnh đất chịu thiệt hại nặng nhất của đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, đến giờ nhiều ngôi trường vẫn còn dấu bùn đất. Tin vui từ kỳ thi HSG tỉnh đã khiến không khí ngày trở lại dạy học của thầy trò thêm phấn chấn, để gác lại âu lo, vất vả mà tiếp tục nỗ lực cho mục tiêu mới.
Sinh ra trong vùng ngập, đoạt giải viết về lụt
Lần đầu tiên, ngôi trường nằm bên dòng sông Lam - Trường THPT Đặng Thúc Hứa (huyện Thanh Chương) có một thủ khoa môn Ngữ văn ở Kỳ thi chọn HSG tỉnh Nghệ An. Đó là em Nguyễn Thị Phương – nữ sinh gây ấn tượng với vẻ ngoài mộc mạc, chân phương, đúng chất sinh ra từ ngôi làng bãi bồi ven sông Lam vất vả.
Trường THPT Đặng Thúc Hứa có hơn 1.500 học sinh của các xã Võ Liệt, Thanh Hà, Thanh Long, Thanh Thủy... là vùng thấp trũng, thường bị ngập lụt mỗi năm. Năm nay, trận lũ lịch sử khiến nhiều ngôi làng ngập sâu trong nước, học sinh phải nghỉ học.
Ngày trở lại sau lũ, sân trường vẫn còn dấu bùn đất, học sinh cũng trải qua những ngày chồng chất vất vả của gia đình. Nhưng trong nhiều lo âu bộn bề, kết quả từ kỳ thi HSG tỉnh khiến thầy trò phấn khởi với 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 9 giải Ba và 5 giải khuyến khích.
Chủ nhân của giải Nhất môn Ngữ văn, em Nguyễn Thị Phương chưa hết bất ngờ: “Em đã cố gắng hết sức mình ở bài thi và hi vọng mình đạt giải. Nhưng em không nghĩ đến việc mình đạt điểm cao nhất, vì còn có nhiều bạn học trường chuyên rất giỏi. Lúc chuẩn bị vào phòng thi, em cũng lo lắng, có chút áp lực. Nhưng cầm đề trên tay, em tập trung hết sức để tư duy và viết. Hết giờ nhìn lại, lần đầu tiên em làm một bài thi dài đến 14 trang giấy”, Phương nhớ lại.
Hoàn cảnh gia đình vất vả, Phương hầu như không học thêm ngoài, hầu hết kiến thức, tài liệu đều là thầy cô trong trường cung cấp. Cô Nguyễn Thị Thủy – giáo viên bồi dưỡng cho biết, ưu điểm của Phương là sự chắc chắn, học đến đâu nhớ đến đó, và làm bài đúng trọng tâm. Em cũng rất thích đọc sách, ghi lại những câu nói hay. Đó là cách để em trau dồi cảm xúc của mình, tăng vốn từ ngữ.
Trong đề thi năm nay, có 1 câu hỏi nghị luận xã hội nói về “hướng về miền Trung sau trận mưa lũ lịch sử”. Thời điểm đó, Nghệ An chưa chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt, nhưng em dành nhiều cảm xúc cho câu hỏi này.
Phương chia sẻ: “Em cũng là người miền Trung, sinh ra trên mảnh đất hứng chịu gió Lào bỏng rát và nhiều thiên tai, bão lũ. Vì thế, khi đặt bút viết em đã dồn hết cảm xúc của mình như là một người trong cuộc. Người miền Trung chịu nhiều mất mát, đau xót nhưng lại rất kiên cường. Thiên tai chỉ làm con người nơi đây mạnh mẽ, kiên cường hơn và sống với nhau yêu thương, tình nghĩa”.
Nhà Phương nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp. Phương là chị đầu, phía sau còn có 3 em nhỏ. Những ngày vừa qua, ngôi nhà của gia đình em cũng mấp mé nước lũ. May mắn không bị ngập nặng như những xã lân cận, nhưng gia đình em trải qua vụ mùa mất trắng. Nỗi lo lắng, vất vả không giấu nổi trong đôi mắt của người chị cả như Phương.
Ba năm gắn bó với Phương trong vai trò giáo viên bồi dưỡng, cô Nguyễn Thị Thủy rất thương học trò mình bởi “chưa bao giờ thấy Phương mặc một chiếc áo nào khác ngoài đồng phục”. Cuộc sống vất vả khiến em không có được sự bay bổng, mộng mơ như nhiều người vẫn nghĩ về học trò văn.
“Nhưng trong các bài viết của mình, em như trở thành một con người khác, có lãng mạn, có trí tưởng tượng phong phú, và cảm nhận về văn chương, cuộc sống sâu sắc, chân thành. Em đã đem những điều sâu kín của mình để gửi gắm vào trong trang viết. Có lẽ điều đó đã chạm đến được ban giám khảo của kỳ thi, và chấm em giải Nhất với 17 điểm”, cô Thủy nói về học trò.
Thầy cô đam mê mới “nuôi” được trò giỏi
Kỳ thi năm nay là một thành công lớn đối với đội tuyển Lịch sử học Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An) với cả 3 em dự thi đạt giải. Trong đó có 2 giải Nhì, riêng em Võ Thị Lam đạt giải Nhất (17,63 điểm) cũng là thí sinh đạt thủ khoa của tỉnh môn Lịch Sử.
Lam cho biết em thích học Lịch sử từ còn là học sinh THCS. Ngoài sách giáo khoa, em còn đọc nhiều câu chuyện lịch sử, tin tức thời sự. “Vì đam mê nên em không thấy môn học này khó, hay khô khan như nhiều bạn nghĩ.
Em thường lại vẽ sơ đồ tư duy, nhóm các bài học lại vào cùng một vấn đề để nhớ. Ví dụ phần lịch sử châu Á, Phi, Mỹ Latinh em đưa vào chuyên đề phong trào giải phóng dân tộc. Cách học như vậy, em thấy mình nắm vấn đề kỹ và chắc chắn hơn”, Lam cho biết.
Với cách làm bài chắc chắn, đúng trọng tâm, sau kỳ thi Lam cùng cô giáo tự chấm điểm và tin rằng sẽ có giải cao. Nhưng vị trí thủ khoa duy nhất của tỉnh môn Lịch sử vượt quá mong đợi của cô nữ sinh trường làng.
Còn cô Trần Thị Lan Anh (GV môn Lịch sử) lại tự hào: “Tôi không quá bất ngờ với thành tích của cả đội tuyển và riêng Lam, vì nó xứng đáng với năng lực và cách học, niềm đam mê của các em. Trong quá trình bồi dưỡng tôi cũng nói “Lam xuất sắc hơn so với cô ngày xưa rất nhiều”.
Không ngại thừa nhận “không giỏi” bằng trò, cô Lan Anh còn luôn tìm những cách giảng, phương pháp dạy học mới mẻ, để không chỉ các em đội tuyển, mà học sinh đại trà cũng yêu môn Sử. “Để làm được điều đó, trước hết cô cũng phải đam mê. Có như vậy mới truyền được cảm hứng cho trò”, cô Lan Anh nói.
Thầy Lê Văn Vinh (Trường THPT Thanh Chương 1) cũng là một giáo viên giữ tâm huyết với nghề, với môn Hóa học suốt 20 năm qua. Sự tận tậm đó đã giúp thầy phát hiện và bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi qua từng khóa học.
Đặc biệt năm nay, thầy có 2 giải Nhất HSG tỉnh là em Lê Văn Vinh (18,85 điểm) và Lê Văn Công (19,5 điểm) – là 1 trong 3 thủ khoa môn Hóa học. Điều đặc biệt, Công và Vinh là 2 chú cháu trong họ, nhà gần nhau, từ nhỏ đã cùng học, cùng cạnh tranh, và cùng phấn đấu với đam mê hóa học.
Nói về bài thi của mình, Lê Văn Công vẫn có chút tiếc nuối vì làm sai ở một câu hỏi dễ trong đề, nên không đạt điểm tuyệt đối. Dù vậy, đây là thành công lớn đối với Công và các bạn trong đội tuyển. Sau kỳ thi, em quay về với mục tiêu quan trọng của mình chính là thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội.
“Em muốn thi vào ngành công nghệ thông tin, vì bây giờ là thời đại 4.0 nhưng vùng quê của em đang khó khăn quá. Em mong muốn sau này, kiến thức, kỹ năng mà mình có được, sẽ giúp được gì đó cho quê của em, và các vùng nông thôn khác phát triển, bớt thiệt thòi.
Em cũng muốn lập nghiệp để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn”, nam sinh nói. Công là con đầu trong gia đình bố mẹ làm nông. Cuộc sống vất vả từ nhỏ, nên ước mơ của em, cũng là mong muốn của bố mẹ, đó là học để thoát nghèo.
Thầy Lê Văn Vinh cũng chia sẻ, năm nay, nhận kết quả thi, thầy vừa mừng vừa xúc động. Ngoài 2 em đạt giải Nhất, còn có em Nguyễn Đăng Khoa đạt giải Khuyến khích. Mỗi thành tích mà các em đạt được, sẽ là động lực để các em theo đuổi việc học, và vươn xa hơn. Bởi cả 3 em trong đội tuyển đều ở vùng khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp, cuộc sống vất vả.
Trong đó, nhà em Khoa ở xã Thanh Mỹ, cách trường gần 30km, phải ở trọ đi học. Khi vừa hoàn thành kỳ thi HSG tỉnh, cũng là thời điểm xảy ra mưa lũ. Khoa không thể về nhà, ở lại phòng trọ. Ngôi nhà của gia đình em ngập tới nóc. Bố mẹ sơ tán ở nhờ nhà họ hàng. Mới đây, nước rút, các bạn trong lớp vừa cùng nhau đến nhà giúp gia đình Khoa dọn dẹp.
“Đạt được kết quả ở kỳ thi HSG không chỉ là nhờ tố chất, năng lực sẵn có, mà các em đều rất cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi. Đó cũng là phẩm chất của học trò vùng nông thôn Thanh Chương nói chung. Tôi cũng mong rằng, các em sẽ giữ được những đức tính đó, để phát huy hơn nữa trong tương lai và đạt được nguyện vọng của mình”, thầy Lê Văn Vinh nói.