Gia cảnh khó khăn
Xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) là một xã giáp biên giới với nước bạn Lào. Nơi ấy, chính là mảnh đất đã nuôi dưỡng chàng trai Hà Văn Chời - một người con ưu tú của đồng bào dân tộc Thái.
Cung đường từ TP. Thanh Hóa đến Mường Chanh ngót nghét 300 km. Sau hơn nửa ngày trời, chúng tôi mới chạm đất Mường Chanh, rồi nhờ một số thầy giáo ở đây dẫn đường về bản Cang để tìm đến gia đình Hà Văn Chời.
Ngôi nhà sàn nho nhỏ của bố, mẹ Hà Văn Chời, ở bản Cang, xã Mường Chanh (Mường Lát) nằm lọt thỏm giữa một khóm dân cư san sát bên triền đồi. Chúng tôi phải gửi xe máy ở dưới đường cái rồi len lỏi, men theo lối quanh co một hồi lâu mới tới ngôi nhà ấy.
Thấy có khách lạ, nhiều người dân ở xung quanh khu vực này cất tiếng hỏi chúng tôi bằng tiếng dân tộc Thái. Thầy Lò Văn Sáo, (cũng là người dân tộc Thái) giáo viên trường THCS Mường Chanh phải phiên dịch cho tôi và ngược lại cho bà con nghe. Mới hay bố mẹ của Hà Văn Chời đều đang đi làm nương, rẫy chưa về. Ở nhà, chỉ có một cậu bé nhỏ thó với khuôn mặt ngờ nghệch đang lúi húi chơi đồ hàng.
Bà Hà Thị Hòa (mẹ Hà Văn Chời) trao đổi với phóng viên GD&TĐ |
Ông Hà Văn Nít (là bác ruột) của Hà Văn Chời nghe tin thì đến nhà đón khách. Trong câu chuyện, ông Nít kể về đứa cháu trai Hà Văn Chời; rằng; “Thằng cháu Chời nhà tôi vất vả từ nhỏ. Cháu là con thứ hai trong gia đình, nhưng hầu như nó phải làm rất nhiều việc nặng nhọc kể từ khi chị gái đi lấy chồng. Cha, mẹ chúng nó thì đầu tắt, mặt tối suốt ngày đi nương rẫy, làm thuê ở bên Lào. Thằng em trai của cháu Chời là Hà Văn Chường, năm nay học lớp 5, nhưng cháu bị bệnh viêm cầu thận, cơ thể cứ còi cọc mãi, lại không được minh mẫn như người bình thường. Vì vậy, bố mẹ cháu phải lo chạy chữa, thuốc men mãi mà cũng không thể khỏi được”.
Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, thì mẹ của Hà Văn Chời đi nương về. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, bà Hà Thị Hòa (47 tuổi) khóe mắt rơm rớm nước. Bà Hòa, cho biết: Vợ chồng bà có tất cả 3 người con (1 gái, 2 trai). Chời là con thứ 2 trong nhà, nhưng cũng là người vất vả nhất. Do điều kiện gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nên việc học hành của các con, vợ chồng bà cũng cố gắng lo đến đâu, hay đến đó. Con gái lớn của ông bà đã đi lấy chồng, việc kiếm tiền cho hai con trai ăn học lại càng vất vả hơn.
Bản thân Chời vốn dĩ ham học, nhưng nhà nghèo khó quá nên cũng ảnh hưởng đến việc học tập vì phải dành thời gian để phụ giúp bố, mẹ đi kiếm tiền mua thuốc men, chạy chữa bệnh tình cho em trai. “Con đi học xa, cha mẹ ở nhà thương lắm lắm. Nhưng vì con theo đuổi ước mơ của mình, nên vợ chồng chúng tôi luôn động viên cháu hãy cố gắng học tập thật tốt. Chứ không chịu khó học, rồi phải quay trở về mảnh đất xa xôi này, thì cuộc đời con cũng khổ giống cha, mẹ mà thôi. Tôi cũng chỉ biết động viên cháu Chời như vậy, chú ạ!”- bà Hòa bộc bạch.
Chàng trai đầy nghị lực
Nhớ lại câu chuyện mà thầy Toàn kể về cậu học trò Hà Văn Chời, cho thấy chàng trai này quả là một học sinh xuất sắc của nhà trường. Bởi lẽ, tại kỳ thi đại học 2017- 2018 vừa qua, Hà Văn Chời là một trong 56 học sinh toàn tỉnh Thanh Hóa đạt từ 26 điểm trở lên và Chời cũng là 1 trong 4 học sinh có điểm thi đầu vào cao nhất của trường Sỹ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng). Riêng môn Địa lý, Hà Văn Chời đạt số điểm 9,75 (cao nhất tỉnh Thanh).
Hà Văn Chời tốt nghiệp THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa khóa 2016-2017. Tại kỳ thi ấy, Chời đạt 26,75 điểm (không tính điểm ưu tiên). Tuy nhiên, Hà Văn Chời không đậu đại học khi đăng ký vào Học viện Biên phòng (thiếu 0,25 điểm). Mặc dù không đậu vào trường theo nguyện vọng của mình, nhưng Hà Văn Chời không vì thế mà nản chí. Em tiếp tục đăng ký vào học tại trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn, với ý chí sẽ quyết tâm ôn thi bằng được ý nguyện của mình.
Hôm chúng tôi đến thăm gia đình, Hà Văn Chời đang ở ngoài trường học nên không gặp được em. May sao, lúc quay trở về thị trấn Mường Lát (cách nhà Chời gần 50 km) thì chúng tôi gặp em đang trên đường về quê nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Những lúc rảnh rỗi, Hà Văn Chời tập chơi đàn ghi ta. |
Gặp nhau ở trung tâm huyện, Chời đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi trước khi về bản Cang, thăm cha, mẹ và đứa em bệnh tật. Trong câu chuyện, chàng sinh viên của trường Sỹ quan Chính trị đã tâm sự về khoảng thời gian lẫn quãng đường đầy chông gai để bước vào trường đại học mà em hằng mơ ước.
Hà Văn Chời, tâm sự: “Khoảng thời gian em theo học từ THCS đến THPT là vô cùng gian nan, vất vả. Điều may mắn cho em nhất, đó là các thầy, cô giáo, bạn bè luôn động viên, khích lệ em học tập. Cũng chính vì gia đình, quê hương nghèo khổ, lam lũ quá mà em phải quyết tâm tìm lối thoát bằng con đường học tập. Dù phía trước đang còn vô cùng gian nan, nhưng em quyết tâm sẽ phấn đấu hết sức mình để đạt được ước mơ trở thành anh bộ đội”.
Trước khi về Mường Chanh thăm gia đình, Hà Văn Chời thổ lộ với tôi rằng, ước mơ nhỏ bé của em là sẽ phấn đấu trở thành một sỹ quan quân đội để trở về vùng biên Mường Chanh, canh gác cho bà con, đồng bào quê mình ngủ yên giấc. Xin chúc chàng sỹ quan tương lai của trường Sỹ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng) sớm đạt được ý nguyện.