Chia sẻ tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn bà Rana Flower và gửi lời cảm ơn UNICEF về những đóng góp, hỗ trợ quý báu cho Bộ GD&ĐT nói riêng, ngành Giáo dục nói chung và trẻ em Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Những hỗ trợ hiệu quả của UNICEF đã góp phần bảo đảm giáo dục chất lượng, bình đẳng, hòa nhập từ cấp học mầm non đến phổ thông, đặc biệt là đối tượng trẻ em thiệt thòi nhất ở Việt Nam.
Ghi nhận hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho ngành Giáo dục và trẻ em Việt Nam trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng đánh giá cao hỗ trợ của UNICEF với việc phối hợp tổ chức Hội nghị ASEAN - UNICEF về chuyển đổi kĩ thuật số trong hệ thống giáo dục ASEAN cũng như đóng góp của UNICEF về hỗ trợ chuyển đổi số trong giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt cảm ơn UNICEF đã đồng hành, ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, thông qua tài trợ 1.500 máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch và thiếu thiết bị học.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đánh giá cao UNICEF đã hỗ trợ ngành Giáo dục trong giảm nhẹ rủi ro của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường…
Khẳng định sự coi trọng của UNICEF trong mối quan hệ hợp tác với Bộ GD&ĐT Việt Nam, bà Rana Flower đồng thời nhận định, thời gian qua, hai bên đã có rất nhiều hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực khác nhau. 5 năm tới, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam mong muốn tổ chức này và Bộ GD&ĐT tiếp tục có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả; trong đó có nội dung bảo đảm không để trẻ em nào bị thiệt thòi và bị bỏ lại phía sau.
Thể hiện sự quan tâm đối với chính sách tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi của Việt Nam, bà Rana Flower đồng thời khẳng định luôn sẵn lòng hợp tác, hỗ trợ Bộ tìm giải pháp sớm mở cửa trường học, đón trẻ quay lại trường và bảo đảm tiêm đầy đủ vắc xin cho học sinh…
Trong gần 2 tiếng trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và bà Rana Flower đã cùng thảo luận sâu về những vấn đề 2 bên quan tâm thời gian tới. Trong đó có nhóm vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là trẻ thiệt thòi; giáo dục dân tộc; dịch bệnh Covid-19 và hậu Covid-19; chuyển đổi số trong giáo dục…
Về đề xuất hợp tác trong thời gian tới, phía Bộ GD&ĐT quan tâm đến việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự án Học tập và kĩ năng cho trẻ em giai đoạn 2022-2026; tiếp tục hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; hỗ trợ các chương trình, hoạt động của Bộ GD&ĐT về phát triển thể chất trẻ em, học sinh; hỗ trợ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; chuyển đổi số trong giáo dục…
Bộ GD&ĐT tin tưởng, quan hệ hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Unicef sẽ ngày càng bền chặt, thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới.