Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục cấp cao Đông Á lần thứ 5, tổ chức trực tuyến vào chiều 1/10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Philiipines, bà Leonor Magtolis Briones.
Cùng tham dự có các Bộ trưởng và đại diện phụ trách Giáo dục của Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, NewZiland, Úc, Hoa Kì, Liên bang Nga, Ấn Độ và Việt Nam; Ban Thư ký ASEAN, Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) và Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO).
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đồng thuận ghi nhận, đánh giá cao những tiến bộ và đóng góp thực chất của các nước tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) trong triển khai 14 lĩnh vực hợp tác ưu tiên thuộc hợp phần giáo dục của Kế hoạch hành động Manila nhằm thúc đẩy tuyên bố Phnôm Pênh về Sáng kiến phát triển EAS (2018-2022).
Bày tỏ ủng hộ trọng tâm trong các nỗ lực phục hồi của ASEAN, bao gồm Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020, để thúc đẩy các sáng kiến của ACRF, các Bộ trưởng cam kết ưu tiên chuyển đổi số hệ thống giáo dục thông qua bồi dưỡng kỹ năng, trình độ kỹ thuật số, cũng như các kỹ năng và năng lực của thế kỷ 21 cho trẻ em, thanh thiếu niên; đồng thời thông qua thúc đẩy việc dạy và học có hỗ trợ công nghệ thông tin.
Vui mừng ghi nhận sự phát triển tích cực và quá trình phê duyệt đang diễn ra đối với Chương trình trao đổi giảng viên của Mạng lưới các trường đại học ASEAN-Ấn Độ, tái khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoạt động trao đổi học sinh, sinh viên, các Bộ trưởng thể hiện mong muốn chương trình này được triển khai vào năm 2022.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nhiều hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia EAS; đồng thời, khuyến khích tất cả các nước tham gia EAS tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác trong thực hiện các chương trình/dự án/hoạt động có liên quan, với trọng tâm là giáo dục toàn diện và chất lượng ở bậc tiểu học, trung học và đại học, bao gồm cả giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề...
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung; trong đó có thông báo Việt Nam sẽ là nước chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục cấp cao Đông Á lần thứ 6 vào năm 2022.