Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chuyển đổi giáo dục phải bảo đảm công bằng, dễ tiếp cận với người học

GD&TĐ - Dù giáo dục có chuyển đổi thế nào thì mục tiêu đầu tiên cần hướng tới đó là sự công bằng và một hệ thống giáo dục dễ dàng tiếp cận đối với mọi đối tượng người học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3 lần thứ 5, diễn ra theo hình thức trực tuyến sáng 1/10.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GD&ĐT Việt Nam đánh giá cao những hợp tác trong khuôn khổ ASEAN+3 như: triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2018-2025; công tác thúc đẩy trao đổi học sinh, sinh viên; công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; đề xuất hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục quy định các phương thức giáo dục đại học mới.

Những hoạt động này không chỉ giúp kết nối các thành viên trong nhóm ASEAN+3 mà còn thể hiện trách nhiệm của mỗi thành viên đối với việc giải quyết khủng hoảng toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, ASEAN+3 là khu vực có số lượng sinh viên Việt Nam đang theo học lớn nhất với gần 70.000 người từ trình độ đại học trở lên và cũng có gần 20.000 sinh viên của ASEAN+3 đang học tập tại Việt Nam.

Để thúc đẩy việc dịch chuyển sinh viên, Việt Nam đã xây dựng cổng thông tin điện tử tiếp nhận sinh viên quốc tế và cũng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thực hiện thí điểm hướng dẫn nêu trên của nhóm ASEAN+3.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự  Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3.

Chia sẻ về giáo dục trước ảnh hưởng của dịch bệnh, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cũng như nhiều nước trong khu vực ASEAN+3, Việt Nam đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ 4 với những ảnh hưởng mạnh mẽ đến giáo dục. Các trường học tại nhiều tỉnh, thành phố phải đóng cửa và học sinh học tại nhà.

“Những kinh nghiệm có được từ những lần bùng phát dịch trước đây phần nào giúp chúng tôi chủ động xử lý vấn đề nhanh chóng và linh hoạt hơn. Chúng tôi xác định những năm học tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần thực hiện chuyển đổi giáo dục để có thể thích ứng được với những vấn đề mới có thể ảnh hưởng đến giáo dục trong tương lai”. Đưa thông tin này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam đồng thời cho rằng: Chuyển đổi giáo dục là cần thiết và chắc chắn là một quá trình lâu dài đòi hỏi nhiều nguồn lực.

Chuyển đổi giáo dục bao gồm: tăng cường hiệu suất của hệ thống giáo dục, đổi mới, bao trùm và nguồn lực. Bộ GD&ĐT Việt Nam cùng chia sẻ quan điểm với các chuyên gia giáo dục quốc tế rằng, dù giáo dục có chuyển đổi thế nào thì mục tiêu đầu tiên cần hướng tới đó là sự công bằng và một hệ thống giáo dục dễ dàng tiếp cận đối với mọi đối tượng người học.

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3 diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3 diễn ra theo hình thức trực tuyến.

“Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, chúng tôi rất cần có sự đồng hành, hợp tác của các thành viên trong khu vực ASEAN+3, các tổ chức quốc tế, các đối tác giáo dục cũng như sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp.

Chúng tôi kêu gọi các thành viên ASEAN+3 cùng thúc đẩy hợp tác trong việc chia sẻ những kinh nghiệm và nguồn lực để cùng nhau vượt qua những thách thức trong hệ thống giáo dục và hướng tới một nền giáo dục công bằng và bền vững.

Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN+3 để thực hiện các kế hoạch hợp tác đã đặt ra và cùng nhau vượt qua những khó khăn trong thời gian khủng hoảng toàn cầu” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3 lần thứ 5 có chủ đề “Chuyển đổi giáo dục theo hướng ASEAN: kết nối những mối quan hệ đối tác trong thời gian khủng hoảng toàn cầu”, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Philiipines, bà Leonor Magtolis Briones.
Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng và đại diện phụ trách Giáo dục của Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự của Ban Thư ký ASEAN, Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) và Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO). 
Năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN và sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục  Asean+3 lần thứ 6, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục cấp cao ASEAN- Đông Á lần thứ 6 tại Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...