Ứng viên Giáo sư phải hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh

GD&TĐ - Trước dư luận nhiều chiều, xuất phát từ quy định về hướng dẫn nghiên cứu sinh (đối với ứng viên GS) và học viên cao học (đối với ứng viên PGS) trong Quyết định số 37/QĐ-TTg (Quyết định 37), GS Nguyễn Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng GS ngành Vật lý năm 2019 - nêu quan điểm: “Chúng ta không nên bàn về cách hiểu quy định khác nhau mà nên trao đổi chỉ số này phản ánh thực chất và chất lượng của các ứng viên và nên vận dụng để đánh giá như thế nào”.

Hướng dẫn nghiên cứu khoa học tại Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Enzym và Protein (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NT
Hướng dẫn nghiên cứu khoa học tại Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Enzym và Protein (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NT

Tiếp cận chuẩn chất lượng cao hơn

- GS có thể chia sẻ một số nhận định về đợt xét GS, PGS năm nay?

- Tinh thần chung của Quyết định 37 là hướng tới chất lượng GS, PGS cao hơn, thực chất hơn và minh bạch hơn. Năm nay, chất lượng và trình độ chuyên môn của các ứng viên được đo bằng một trong các điều kiện cần là các bài báo quốc tế có uy tín đối với nghiên cứu cơ bản; sáng chế và giải pháp hữu ích đối với các nghiên cứu đổi mới sáng tạo…

Khi Quyết định mới được ban hành, đây là nội dung có thách thức lớn nhất, đặc biệt đối với các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Quân sự, Khoa học An ninh… nhưng đã được cả hệ thống đồng tình và hưởng ứng. Ở trình độ phát triển của chúng ta hiện nay, không hội nhập và tiếp cận theo chuẩn quốc tế thì không thể nâng chất lượng được. Bây giờ có thể còn có một số bỡ ngỡ, nhưng có đi sẽ có đến.

Mọi người hãy cùng tin tưởng rằng chỉ vài ba năm nữa thôi, công bố khoa học nói chung và công bố quốc tế nói riêng sẽ trở thành văn hóa và phổ cập đối với tất cả các lĩnh vực khoa học. Chính sách của chúng ta phải chủ động để định hướng cho sự phát triển. Hơn thế nữa, nghiên cứu và công bố, nhất là công bố quốc tế luôn phải song hành. Công bố vừa là chuẩn mực của nghiên cứu, đồng thời là trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học.

Về tính minh bạch, năm nay chúng ta thực hiện công khai thông tin tốt hơn, thông tin của các ứng viên đạt tiêu chuẩn sau khi xét ở 3 cấp hội đồng đều được công khai 15 ngày theo đúng quy định, tạo điều kiện cho cộng đồng đóng góp các ý kiến phản ánh, phản biện. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực, sự kiểm tra, rà soát hồ sơ sát sao của các cán bộ ở Văn phòng HĐGSNN, cung cấp thêm thông tin cho HĐGS các cấp, qua đó sàng lọc được những trường hợp ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.

Do đó có thể nói rằng, các ứng viên GS, PGS được công nhận đạt chuẩn năm nay đã tiếp cận chuẩn chất lượng cao hơn, hội nhập hơn và công khai hơn. Đó là một thành công đáng ghi nhận.

GS Nguyễn Hữu Đức
 GS Nguyễn Hữu Đức

Không nên chỉ nhìn phiến diện vào một vài nội dung

- Được biết năm nay, tiêu chuẩn xét đạt chuẩn GS, PGS có sự linh hoạt trong việc quy đổi tiêu chuẩn giữa kết quả nghiên cứu và kết quả đào tạo, GS có thể cho biết kỹ hơn về việc quy đổi này?

- Khi thực hiện Quyết định 37, cần phải xét một cách tổng thể và toàn diện tất cả các chương và các điều khoản, không nên chỉ nhìn phiến diện vào một vài nội dung. Tinh thần của Quyết định 37 luôn khẳng định GS, PGS là chức danh của giảng viên. GS, PGS đồng thời là nhà khoa học, nhưng trước hết phải là nhà giáo, có kinh nghiệm và hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo.

Tuy nhiên, như tôi đã nhắc tới ở trên, cái thực chất và chất lượng GS, PGS được đánh giá quanh trục công bố khoa học và công bố quốc tế. Đây là việc làm khả thi, vì hiện nay, đối với hoạt động đào tạo, chúng ta mới chỉ có khả năng đo đếm khối lượng giảng dạy. Do đó, để khuyến khích các nhà khoa học có năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, Quyết định 37 đã cho phép thay thế các điều kiện ứng viên không thực hiện đủ về thâm niên, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh, đề tài khoa học...

Quyết định này cũng hoàn toàn đồng bộ với lộ trình thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Chính các trường cũng đã rất tự chủ và linh hoạt trong việc quy định định mức giảng dạy phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu của trường; quy định bù giờ giảng bằng bài báo để thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao xếp hạng…

Trong quá trình tự chủ đó, thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện đúng quy định tại Điều 4 của Quyết định 37, có trách nhiệm nhận xét, đánh giá nhiệm vụ giao cho giảng viên, đảm bảo sự thay thế cho một số điều kiện nêu trên không mâu thuẫn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên, tránh xu hướng chỉ quan tâm đến nghiên cứu khoa học thuần túy. Quan điểm này được quán triệt khá xuyên suốt trong quá trình xét đạt chuẩn GS, PGS năm nay.

Ứng viên chưa hướng dẫn thành công một nghiên cứu sinh nào là khó thuyết phục

- Khi kết quả xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS của HĐGSNN được công bố, vấn đề quy đổi lại đang tạo ra dư luận trái chiều, xuất phát từ quy định về hướng dẫn tiến sĩ (với ứng viên GS) và thạc sĩ (với ứng viên PGS) trong Quyết định 37 - theo nhiều ý kiến là không rõ ràng, gây ra những cách hiểu khác nhau và khi xét HĐGSNN đã không áp dụng theo hướng “có lợi cho ứng viên”. GS lý giải như thế nào về vấn đề này?

- Về hình thức là như vậy, nhưng về bản chất không phải chỉ đơn giản là con số thiếu 1 hay 2 nghiên cứu sinh. Cho nên ta không nên bàn về cách hiểu quy định khác nhau nữa mà nên trao đổi chỉ số này phản ánh thực chất và chất lượng của các ứng viên và nên vận dụng để đánh giá như thế nào.

Một số ý kiến có trích dẫn cách làm của một số nước là bổ nhiệm GS, PGS để đủ tư cách, rồi mới hướng dẫn nghiên cứu sinh. Ở nước ta hiện nay, hướng dẫn nghiên cứu sinh là chức trách, nhiệm vụ của giảng viên, là chỉ số đánh giá kinh nghiệm và năng lực đào tạo trình độ cao (bậc thạc sĩ và tiến sĩ) của một giảng viên ở trường đại học.

Theo quan niệm đó thì việc ứng viên chưa hướng dẫn thành công một nghiên cứu sinh nào cả cũng khó thuyết phục (trừ các trường hợp xuất sắc có thể tham gia xét đặc cách như ứng viên GS Phạm Đức Chính HĐGS ngành Cơ học năm nay).

HĐGSNN, bên cạnh việc bám sát tiêu chuẩn quy định, còn thể hiện tín nhiệm biểu quyết công khai (bằng giơ tay) hoặc có ký tên khi thể hiện bằng phiếu trên cơ sở các phân tích như vậy, chứ không chỉ đơn thuần là vận dụng cách hiểu.

- Là một trong những người đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Quyết định 37, GS chia sẻ gì trước ý kiến cho rằng, vẫn cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quyết định này, nhất là những tiêu chí quy đổi cần rõ ràng hơn để tránh xảy ra những tranh luận trong quá trình xét?

-Theo tôi được biết thì HĐGSNN sẽ tổng kết và rút kinh nghiệm đợt xét đạt chuẩn GS, PGS năm 2019 vào phiên họp đầu tháng 12 tới. Lúc đó, các trao đổi về Quyết định 37 sẽ được triển khai, nhưng tôi tin tưởng rằng sự linh hoạt bám sát cốt lõi về thực chất và chất lượng GS, PGS sẽ được bảo toàn.

Sự linh hoạt đó ngày càng cần thiết không chỉ để khuyến khích các tài năng trẻ, các ứng viên xứng đáng, mà còn phù hợp với lộ trình tự chủ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện nay của các trường, đồng thời nó còn đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng giữa các ngành, các lĩnh vực.

- Xin trân trọng cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ