Xét công nhận GS, PGS 2019: Quán triệt sâu sắc quy định mới

GD&TĐ - Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước (GSNN) đã công bố danh sách ứng viên GS, PGS đạt đủ số phiếu tín nhiệm của Hội đồng GSNN năm 2019, theo đó, có 424/725 ứng viên đủ phiếu tín nhiệm theo quy định. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì kỳ họp ngày 11/11
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì kỳ họp ngày 11/11

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo Quyết định số 37/QĐ-TTg (Quyết định 37) của Thủ tướng Chính phủ với yêu cầu nâng cao chất lượng ứng viên. Theo các thành viên Hội đồng GSNN, việc xét GS, PGS năm 2019 được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo hài hòa giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Nghiêm túc, khách quan, chính xác, nâng cao chất lượng

GS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng GSNN cho biết, năm đầu tiên thực hiện xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở chỉ đạo của Hội đồng GSNN, từ các Hội đồng GS cơ sở đến các Hội đồng GS ngành, liên ngành đều quán triệt sâu sắc, thực hiện đúng Quyết định 37, đảm bảo nâng cao chất lượng.

“Năm nay, tính công khai, dân chủ về thông tin được chú trọng, chính vì vậy xã hội có thể kiểm soát, làm cho tính minh bạch trong công tác xét chính xác hơn rất nhiều. Trong từng Hội đồng GS các cấp đã rất chú trọng tới chất lượng hồ sơ ứng viên. Công tác xét duyệt hồ sơ đăng ký được thực hiện kỹ, các hồ sơ ứng viên về cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của GS, PGS” - GS Thuấn cho hay.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng GSNN, Quyết định 37 với những quy định linh hoạt cho phép ứng viên thiếu một số tiêu chuẩn được bù bằng bài báo hoặc điểm từ các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, xét trên tổng thể vẫn đảm bảo tiêu chuẩn của GS, PGS nhưng khuyến khích các ứng viên đẩy mạnh công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín tiến tới hội nhập quốc tế. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong lần xét, công nhận năm nay.

 Mặc dù trong quá trình triển khai ở các cấp Hội đồng cũng có những tranh luận, tuy nhiên, sự linh hoạt này đã giúp cho các Hội đồng tìm được những người thực sự có thành tích xuất sắc, có thể đáp ứng được yêu cầu chung để xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. 
GS Nguyễn Quang Thuấn

Nói riêng về tính nghiêm túc của đợt xét, công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm nay, GS Nguyễn Quang Thuấn cho rằng: Năm nay, Hội đồng GSNN, đã thực hiện rất nghiêm túc, chặt chẽ công tác rà soát hồ sơ. Đối với hồ sơ, tất cả các ứng viên đều được Hội đồng GSNN thảo luận rất kỹ để cả Hội đồng hiểu rõ, sau đó mới tiến hành bỏ phiếu.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng kết quả năm nay đưa ra sẽ được xã hội đồng thuận, giới khoa học, giới nghiên cứu và giảng dạy sẽ ủng hộ, vì tính nghiêm túc, khách quan, chính xác, nâng cao chất lượng là rất rõ” - GS Thuấn khẳng định.

Có người đạt số điểm cao nhưng đạt số phiếu tín nhiệm không cao

Theo GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Toán học năm 2019, việc xét phong GS, PGS năm nay được làm rất kỹ lưỡng, bám sát Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng GSNN đã chỉ đạo rất sát sao từ Hội đồng cơ sở, tới Hội đồng ngành, liên ngành. Với tinh thần tuân thủ nghiêm ngặt Quyết định 37 theo hướng nâng cao chất lượng, để những ứng viên được công nhận đạt chuẩn phải hết sức xứng đáng.

Các kết quả xét đều được công khai trên mạng ít nhất 15 ngày. Việc này được thực hiện rất nghiêm túc. Trong quá trình công khai như vậy, cũng có những trường hợp có đơn khiếu nại và yêu cầu xem xét lại; Hội đồng GSNN đã tổ chức xem xét, thậm chí có các tổ kiểm tra để giải đáp tất cả những vấn đề được nêu ra trong đơn khiếu nại. Đảm bảo Hội đồng GSNN có đầy đủ thông tin trước khi xét.

 Nhìn chung, năm nay các Hội đồng ngành, liên ngành đều khẳng định hết sức lưu ý đảm bảo chất lượng. Riêng Hội đồng ngành Toán việc đảm bảo chất lượng không phải năm nay mới được đặt ra cho nên có những người số điểm rất cao nhưng khi bỏ phiếu lại không cao. Bởi vì chúng tôi không chỉ tính tổng điểm thuần túy mà còn phải phân tích, đánh giá chất lượng các tạp chí như thế nào. Chúng tôi không khuyến khích ứng viên đăng thật nhiều bài mà phải đăng những bài trên tạp chí tốt. 
GS Lê Tuấn Hoa

Về Hội đồng ngành Toán, GS Lê Tuấn Hoa cho biết, năm nay có 8 ứng viên GS từ Hội đồng cơ sở đưa lên. Cả 8 ứng viên này đều đủ các tiêu chuẩn cứng để đưa vào vòng phỏng vấn, bỏ phiếu, tuy nhiên chỉ có 5 ứng viên đạt tiêu chuẩn; có 26 ứng viên PGS, sau khi xem xét có 21 ứng viên đủ tiêu chuẩn để đưa lên Hội đồng GSNN.

Bày tỏ sự đồng tình với việc nếu ứng viên tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia chưa thực sự được đầy đủ, có thể dùng kết quả nghiên cứu của mình để thay thế, GS Lê Tuấn Hoa cho rằng, nhờ vậy mà năm nay đã tạo điều kiện cho nhiều ứng viên. “Tất nhiên, những trường hợp như thế để đạt phải xuất sắc, có nghĩa là phải vượt nhiều so với điểm quy định chứ không phải chỉ đạt điểm tối thiểu là được. Vì bù tiêu chuẩn thì phải xét với tư cách xuất sắc”.

Bảo đảm hài hòa giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo

GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Giáo dục học năm 2019 cho hay, năm nay việc xét công nhận tiêu chuẩn GS, PGS được thực hiện với chủ trương nâng cao chất lượng và được thực hiện rất chặt chẽ với 3 tiêu chuẩn đặt ra với ứng viên là kết quả nghiên cứu khoa học, kết quả đào tạo và uy tín, ảnh hưởng của ứng viên. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải có công bố trên những tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, “việc này được chúng tôi triển khai rất chặt chẽ trong Hội đồng ngành”.

Theo GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, trong quá trình xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm nay, Hội đồng các cấp đã xem xét để bù trừ giữa các tiêu chuẩn, tiêu chí theo đúng quy định tại Quyết định 37, nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa nghiên cứu khoa học, công bố khoa học với đào tạo và uy tín, ảnh hưởng của ứng viên.

“Có những ứng viên có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhưng thiếu về đào tạo; có những người đào tạo rất dày dặn nhưng công bố quốc tế còn hạn chế. Ở đây, căn cứ quan trọng là nghiên cứu khoa học và đào tạo nhưng để có căn cứ chuyển đổi giữa hai tiêu chí này cần xem xét đến uy tín và ảnh hưởng của cá nhân đó với lĩnh vực khoa học và với ngành, chuyên ngành” - GS Lộc chia sẻ.

GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cũng cho biết thêm, năm nay, các hội đồng ngành, liên ngành xem xét rất kỹ về tiêu chuẩn đào tạo, số giờ giảng dạy, thâm niên giảng dạy của ứng viên. Mặc dù, Hội đồng cơ sở đã xem xét rất kỹ vấn đề này nhưng đến hội đồng ngành vẫn phải thực hiện rất kỹ và chặt chẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.