Ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến vì sự phát triển của trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngoài cách làm truyền thống, các phương pháp giáo dục tiên tiến như Montessori đang phát huy hiệu quả trong tiến trình phát triển của trẻ mầm non.

Khi có đội ngũ nhà giáo tâm huyết và biết áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, trẻ sẽ được thụ hưởng những thành quả không nhỏ để phát triển toàn diện.
Khi có đội ngũ nhà giáo tâm huyết và biết áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, trẻ sẽ được thụ hưởng những thành quả không nhỏ để phát triển toàn diện.

Tất cả vì học sinh thân yêu

Cô Nguyễn Thị Phương Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, dù nằm ở địa bàn xa xôi nhất của Thủ đô vì giáp với Phú Thọ, đời sống người dân còn nhiều vất vả nhưng nhà trường luôn nỗ lực và tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại đây.

Nhà trường đã và đang mạnh dạn áp dụng phương pháp "học bằng chơi, chơi mà học"; phương pháp giáo dục Montessori vào thí điểm ở các khối, mỗi tuần sẽ đưa 1 hoạt động cụ thể để trẻ có thể tập làm quen. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường cũng hăng hái tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ sư phạm.

Cô Nguyễn Thị Phương Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Thượng B.

Cô Nguyễn Thị Phương Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Thượng B.

Theo cô Loan, Montessori là một cách giáo dục sớm cho trẻ thông qua các giáo cụ trực quan. Phương pháp này tập trung vào sự thúc đẩy tiềm năng bên trong trẻ bằng một môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở với các giáo viên giảng dạy được đào tạo bài bản về chuyên môn cùng giáo cụ hỗ trợ học tập chuyên biệt.

Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori chính là sự tôn trọng cá tính riêng biệt, tự lập, tự do mang tính kỷ luật của mỗi đứa trẻ. Ngoài ra, phương pháp này cũng hỗ trợ phát triển tâm sinh lý trẻ một cách tự nhiên, trang bị cho trẻ đầy đủ những kiến thức thực tiễn cần thiết.

Trẻ tại Trường Mầm non Khánh Thượng B trong một hoạt động trên lớp.

Trẻ tại Trường Mầm non Khánh Thượng B trong một hoạt động trên lớp.

"Việc giáo dục trẻ mầm non bằng Montessori sẽ xây dựng nền tảng cơ bản cho trẻ ngay từ những năm đầu đời để trẻ được phát triển hoàn thiện cả về trí não, khả năng tiếp nhận thông tin cũng như hình thành những kỹ năng giao tiếp từ sớm. Trong mỗi hoạt động, các cô đều hướng dẫn trẻ bằng trái tim yêu thương, sự tận tâm với nghề", cô Nguyễn Phương Loan bày tỏ.

Nâng chất bữa ăn bán trú

Với trẻ mầm non, chăm sóc nuôi dưỡng là nhiệm vụ hàng đầu nhằm tăng cường sức khỏe giúp trẻ phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần.

Cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, nhà trường xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng. Các khâu từ lên thực đơn, tính định lượng calo, lựa chọn thực phẩm, sơ chế, chế biến, bài trí món ăn, bố trí giờ ăn được thực hiện một cách linh hoạt.

Nhân viên nuôi dưỡng đang làm nhiệm vụ tại bếp ăn Trường Mầm non An Khánh B.

Nhân viên nuôi dưỡng đang làm nhiệm vụ tại bếp ăn Trường Mầm non An Khánh B.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn, các cô giáo luôn chú trọng đến việc rèn luyện cho trẻ thói quen vệ sinh trước, trong và sau khi ăn cũng như rèn luyện kỹ năng tự phục vụ. Điều này góp phần rất quan trọng trong việc hình thành thói quen cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách sau này.

Theo tìm hiểu, thực đơn của trẻ được nhà trường thiết kế theo mùa và đảm bảo không trùng lặp món ăn; đủ định lượng các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Các nguồn thực phẩm đầu vào được đảm bảo chất lượng tươi ngon, rõ nguồn gốc xuất xứ, bếp ăn được vận hành theo quy trình một chiều.

Phụ huynh tới thăm quan, giám sát quy trình giao nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến món ăn tại bếp ăn Trường Mầm non An Khánh B.

Phụ huynh tới thăm quan, giám sát quy trình giao nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến món ăn tại bếp ăn Trường Mầm non An Khánh B.

Chị Nguyễn Thị Trang, phụ huynh Trường Mầm non An Khánh B cho biết: "Khi gửi con ở trường tôi rất yên tâm vì các cô chăm sóc các con khá cẩn thận. Hàng ngày, cô giáo còn chụp ảnh bữa ăn bán trú của con lên nhóm Zalo để các bố mẹ biết nay con ăn gì, có ngon không. Tôi cũng có vài lần cùng các phụ huynh khác tới thăm khu bếp, chứng kiến quy trình nấu ăn và chia cơm mới thấy các cô rất vất vả".

Để có thể áp dụng được các phương pháp giáo dục tiên tiến, Trường Mầm non An Khánh B đã làm tốt công tác tham mưu với chính quyền các cấp để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cho trường. Trong đó có các trang thiết bị, phòng học, phòng chức năng, thảm cỏ nhân tạo, sân chơi trẻ em... Trường hiện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

"Nhà trường rất chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn. Nhà trường chỉ đạo sát sao các buổi sinh hoạt tổ nhóm để trao đổi, thống nhất về phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động. Giáo viên tích cực học hỏi, đổi mới phương pháp để tạo hứng thú cho trẻ", cô Bùi Thị Vân thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ