Lực đẩy cho sự phát triển của giảng viên, sinh viên giáo dục mầm non

GD&TĐ - Đề án 33 được nhận định có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giáo viên mầm non, cán bộ quản lý và các giảng viên sư phạm mầm non.

TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐ Sư phạm Trung ương và sinh viên trên giảng đường.
TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐ Sư phạm Trung ương và sinh viên trên giảng đường.

Thay đổi tích cực

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục tham gia Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025 (Đề án 33).

Chia sẻ của PGS.TS Bùi Thị Lâm, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐHSP Hà Nội, tham gia Đề án 33, hằng năm giảng viên nhà trường được nâng cao năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học qua tham gia các tập huấn cập nhật vấn đề mới trong đào tạo giáo viên mầm non, nghiên cứu khoa học.

Thầy cô đồng thời được tham gia hội thảo quốc gia và quốc tế, tham gia viết tài liệu bồi dưỡng, giáo trình các học phần cốt lõi và học phần mới trong chương trình đào tạo.

Nhấn mạnh một số thay đổi tích cực, PGS.TS Bùi Thị Lâm nói đến đầu tiên là các vấn đề mới trong đào tạo giáo viên mầm non được đưa vào chương trình đào tạo, giúp hiện đại hoá chương trình đào tạo và sinh viên được học các vấn đề cập nhật hơn.

Các học phần về STEAM trong giáo dục mầm non; Tiếp cận Reggio Eminlia; Đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên mầm non; Quản lý lớp học… xuất hiện trong chương trình đào tạo của nhiều trường ĐH, CĐ, dựa trên các chuyên đề đã tập huấn cho giảng viên hàng năm.

Thông qua trao đổi tại các hội thảo đổi mới chương trình đào tạo, những vấn đề về sự kết nối giữa các học phần trong chương trình được các trường quan tâm.

Một số trường đã tích hợp phần cơ sở và phương pháp trong đào tạo một số học phần như: Ghép phần tiếng Việt cơ bản với phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ em; phần âm nhạc cơ bản và phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non. Nhờ đó việc học tập lý thuyết và thực hành của sinh viên thuận lợi hơn.

Những chủ đề tập huấn cho giảng viên hàng năm là gợi ý cho trường ĐH, CĐ đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu, làm phong phú thêm thông tin, tài liệu tham khảo cho sinh viên học tập.

Như dựa trên tập huấn về giáo dục STEAM ở trường mầm non, Trường ĐHSP Hà Nội đã đề xuất và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường: Xây dựng dự án giáo dục STEAM cho trẻ mẫu giáo dựa trên văn hoá địa phương.

Các chủ đề hội thảo, tập huấn cũng được các trường ĐH, CĐ tổ chức sinh hoạt chuyên môn, tập huấn lại tại đơn vị mình, như Trường ĐH Hoa Lư, Trường CĐSP Thừa Thiên Huế.

Sinh viên được tiếp cận với các giáo trình cập nhật nhờ Đề án hỗ trợ viết một số giáo trình như: Giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật lứa tuổi mầm non, Phương pháp giáo dục Montessori, Tiếp cận Reggio Emilia trong giáo dục mầm non …

Sinh viên được mở rộng cơ hội tìm hiểu về đào tạo ngành giáo dục mầm non ở các trường ĐH, CĐ trên thế giới. Trong các hội thảo quốc tế, chuyên gia nước ngoài vừa tham gia hội thảo vừa có các hoạt động chia sẻ thông tin với sinh viên.

Sau Hội thảo quốc tế năm 2023, khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐHSP Hà Nội đã có sự kết nối với chuyên gia của tổ chức SEAMEO CECCEP, giúp sinh viên có cơ hội tham gia cuộc thi “Kĩ năng chăm sóc và giáo dục trẻ em” trong Tuần lễ hợp tác giáo dục Trung Quốc - ASEAN. Từ đó, các em có cơ hội giao lưu, học hỏi từ sinh viên chuyên ngành Giáo dục mầm non của các nước khu vực Đông Nam Á.

Cán bộ, giảng viên khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐ Sư phạm Trung ương trong một hội thảo khoa học về Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Cán bộ, giảng viên khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐ Sư phạm Trung ương trong một hội thảo khoa học về Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Hỗ trợ sự phát triển của giảng viên, người học

ThS Vũ Hoàng Vân, giảng viên, trợ lý khoa học Khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐ Sư phạm Trung ương khẳng định: Đề án 33 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giáo viên mầm non, cán bộ quản lý và các giảng viên sư phạm. Cùng với đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025, đề án 33 đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong giáo dục mầm non.

Cụ thể, đối với các giảng viên sư phạm, đây là cơ hội nghiên cứu và nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức nhà giáo, phong cách sư phạm; trình độ chuyên môn và các năng lực giảng dạy, giáo dục, quản lý... Cơ hội tiếp cận các xu hướng giáo dục hiện đại của quốc tế; đặc biệt về năng lực ngoại ngữ và năng lực khai thác và sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Đối với giảng viên khoa Giáo dục Mầm non nói riêng và Trường CĐ Sư phạm Trung ương nói chung, kết quả của Đề án 33 không chỉ thể hiện ở sản phẩm (biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới; xây dựng bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi; các tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, sinh viên), mà còn thể hiện ở tinh thần nghiên cứu, tự học, nâng cao năng lực, phẩm chất của nhà giáo.

Giá trị của Đề án cũng thể hiện trong công tác sinh hoạt chuyên môn ở khoa; Các nhóm chuyên gia được thành lập; Thành viên của nhóm là những giảng viên có trình độ và năng lực chuyên môn sâu ở các lĩnh vực chuyên ngành.

Nhóm thường xuyên trao đổi, đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn, hướng tới việc liên môn trong các tổ bộ môn; phối hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Bên cạnh đó, giảng viên của khoa tích cực tham gia các khóa học chuyên môn chuyên sâu, hội nghị hội thảo quốc tế và nắm bắt kịp thời, cập nhật những thông tin mới về khoa học giáo dục mầm non. Từ đó, nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực cá nhân.

“Khoa Giáo dục mầm non đã vận dụng kết quả nghiên cứu trong Đề án để xây dựng chương trình đào tạo hướng tới phát huy năng lực người học. Thay đổi và kết hợp linh hoạt hình thức học tập trực tiếp, trực tuyến.

Các giảng viên đã nghiên cứu và báo cáo thành công các đề tài số hóa, xây dựng kho học liệu điện tử và hệ thống bài giảng E-learning trên hệ thống LMS của các học phần trong chương trình với thời lượng 30% trực tuyến và 70% trực tiếp”, ThS Vũ Hoàng Vân cho hay.

"Đề án 33 đã tác động trực tiếp đến sinh viên. Trong chương trình đào tạo, sinh viên học tập và nghiên cứu được tiếp xúc đa dạng các học liệu và tư liệu, sách, giáo trình.

Sinh viên thường xuyên được giảng viên hướng dẫn, cập nhật kết quả nghiên cứu trong đề án nhằm khai thác và sử dụng phù hợp trong từng bài học. Trong chương trình đào tạo, các em có cơ hội tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến như Montessori, STEAM, dạy học dự án trong giáo dục mầm non... Từ đó có kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu thực tiễn khi ra trường" - ThS Vũ Hoàng Vân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.