Phát triển mô hình cộng đồng học tập trong đội ngũ giáo viên mầm non

GD&TĐ - Việc xây dựng cộng đồng học tập góp phần nâng cao hiệu quả tập huấn, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu mới.

Cô giáo Đỗ Thuỳ Quyên trong một giờ lên lớp.
Cô giáo Đỗ Thuỳ Quyên trong một giờ lên lớp.

Tích cực học hỏi, bồi dưỡng

Công tác tập huấn, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý mầm non đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó, góp phần tạo thành các cộng đồng học tập lẫn nhau.

Với hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh, giáo viên khối 5 tuổi, Trường Mầm non Trung Nghĩa (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) vẫn không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp giáo dục và tích cực tham gia những khoá tập huấn, bồi dưỡng của nhà trường và ngành Giáo dục.

Cô Minh nhận định, việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng không chỉ nâng cao năng lực mà còn giúp các giáo viên đã “có tuổi” cập nhật kiến thức mới.

Tại các buổi tập huấn, được gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong cả nước, cô Minh cảm thấy bản thân được truyền cảm hứng, thêm yêu và tiếp động lực gắn bó với nghề. Từ đó, nữ giáo viên hăng say học tập, tìm hiểu tài liệu. Phần nào khó hoặc chưa hiểu rõ, cô sẽ liên hệ trao đổi với giảng viên hoặc học viên khoá tập huấn để cùng nhau tháo gỡ.

Điều làm cô Minh cảm thấy hạnh phúc nhất là có thể ứng dụng những nội dung mới vào việc dạy học thay vì đi theo những lối mòn. Bởi lẽ lối mòn có thể an toàn nhưng về lâu dài, nó sẽ khiến giáo dục trì trệ, không đáp ứng được nhu cầu đổi mới hiện nay và giảm hiệu quả giáo dục.

Là giáo viên trẻ nhưng cô Đỗ Thuỳ Quyên, giáo viên Trường Mầm non xã Suối Giàng (Yên Bái) luôn tích cực, hăng say học hỏi những phương pháp giáo dục mới. Năm 2018, cô Quyên tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft và có cơ hội giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp trên mọi miền tổ quốc. Nhờ đó, nữ giáo viên đã ứng dụng nhiều phần mềm công nghệ thông tin trong việc dạy học, khơi gợi hứng thú của trẻ.

Từng tham gia mô hình cộng đồng học tập, cô Quyên đánh giá hoạt động này mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của giáo viên mầm non và cán bộ quản lý hiện nay. Trong mô hình này, người học sẽ được phát huy tính chủ động, tích cực học tập; góp phần lan tỏa tinh thần học tập, làm việc sôi nổi.

Tinh thần này không chỉ lan truyền giữa các giáo viên mà còn tạo động lực học tập, khám phá sang cho trẻ em. Từ đó, các em sẽ mở lòng, gắn bó hơn với giáo viên, giúp việc giảng dạy và chăm sóc trẻ thêm phần hiệu quả.

Giáo viên mầm non không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp giáo dục. Ảnh: INT.

Giáo viên mầm non không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp giáo dục. Ảnh: INT.

Góp phần bồi dưỡng cán bộ quản lý mầm non

Đánh giá cao ý tưởng xây dựng cộng đồng học tập để nâng cao hiệu quả của Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án 33), TS Hồ Lam Hồng, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết các chương trình tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non cốt cán và cán bộ quản lý đã góp phần hình thành cộng đồng học tập.

Sau các lớp tập huấn, giáo viên mầm non cốt cán và cán bộ quản lý được trau dồi khả năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu, tự bồi dưỡng. Trở về nơi công tác, họ tiếp tục truyền động lực tự học, tự bồi dưỡng cho các đồng nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, các giáo viên mầm non, cán bộ quản lý sau các khoá tập huấn có thể kết nối với nhau, tạo thành mạng lưới học tập. Sau đó, họ tiếp tục kết nối, trao đổi với đồng nghiệp tại các cơ sở giáo dục mầm non của mình tại địa phương nên có thể mở rộng thành cộng đồng học tập giữa các cơ sở, giữa các địa phương trong cả nước và với quốc tế.

TS Hồ Lam Hồng đồng thời chỉ ra nhiều hiệu quả của mô hình cộng đồng học tập đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Trong đó nhiều hiệu quả có thể kể đến như tiết kiệm nguồn kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng; tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển; truyền động lực tự học, tự bồi dưỡng cho tập thể; khám phá thế mạnh, nhu cầu học tập của từng cá nhân...

Có thể nói, các cộng đồng học tập góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non.

“Mô hình cộng đồng học tập còn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giảm thiểu chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền và khơi gợi hứng thú học tập của trẻ. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực nên tôi hy vọng có thể lan rộng trên toàn quốc”, cô Đỗ Thuỳ Quyên, giáo viên Trường Mầm non Suối Giàng, bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.