Tuy nhiên, không phải nội dung dạy học nào cũng phù hợp với hình thức này. Do đó, linh hoạt, tránh lạm dụng giáo án điện tử là điều cần được thầy cô lưu ý.
Dạy sáng tạo, học chủ động
Theo thầy Vũ Ngọc Hòa - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), giáo án điện tử trở thành công cụ không thể thiếu trong quá trình dạy học. Giáo án điện tử giúp tiết kiệm thời gian soạn bài; có thể dễ dàng cập nhật, chỉnh sửa nội dung phù hợp với nhu cầu của từng tiết học; cho phép tích hợp các tài liệu trực quan như hình ảnh, video và các liên kết tài nguyên trực tuyến, giúp bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Các công cụ trình chiếu như PowerPoint, Google Slides giúp giáo viên tổ chức nội dung mạch lạc, từ đó tăng cường khả năng tiếp thu của học sinh.
Giáo án điện tử cũng giúp học sinh tiếp cận nội dung bài học chủ động hơn. Các tài liệu đa phương tiện kích thích sự tò mò, giúp các em tiếp nhận thông tin từ nhiều góc độ khác nhau và phát triển tư duy phản biện. Việc sử dụng các công cụ trực tuyến như phần mềm khảo sát, bài kiểm tra tương tác giúp giáo viên nắm bắt kịp thời mức độ hiểu bài của học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học.
Tuy nhiên, sử dụng giáo án điện tử cũng đặt ra một số thách thức mà giáo viên cần phải vượt qua. Ở góc độ này, thầy Vũ Ngọc Hòa cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất là yêu cầu kỹ năng (CNTT) từ giáo viên. Với những thầy cô chưa quen thuộc với các phần mềm, công cụ điện tử, việc làm quen, thao tác đôi khi gây mất thời gian và cảm thấy áp lực.
Thêm vào đó, cần đầu tư thời gian nghiên cứu các nguồn tài nguyên chất lượng để tránh sử dụng nội dung không chính thống hoặc không phù hợp với bài giảng. Một khó khăn khác là sự thiếu đồng bộ về trang thiết bị ở các trường học. Không phải trường nào cũng được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng công nghệ, gây cản trở việc triển khai giáo án điện tử trong lớp học.
Là giáo viên Ngữ văn, cô Lê Thị Chiến - Trường THPT Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho rằng, ứng dụng CNTT mở ra những cách tiếp cận dạy học mới, phát huy sáng tạo của giáo viên và kích thích hứng thú, tư duy đa chiều, năng lực sử dụng công nghệ của học sinh. Đối với môn Ngữ văn, giáo án điện tử chỉ được xem là công cụ hỗ trợ giảng dạy, minh họa nội dung bài giảng cụ thể, sinh động hơn thông qua các video, hình ảnh, bảng biểu hệ thống hóa kiến thức, sơ đồ tư duy…
Bên cạnh lợi ích, cô Lê Thị Chiến cho rằng, soạn giáo án điện tử thường tốn nhiều thời gian, mất công chỉnh sửa, như chọn kiểu chữ, màu chữ, hiệu ứng, âm thanh,… Bởi vậy, yêu cầu giáo viên có kỹ năng thao tác máy tính nhanh chóng. Giảng dạy với giáo án điện tử, đôi khi học sinh bị phân tâm bởi âm thanh, hình ảnh mà không chú trọng nhiều vào nội dung bài học muốn truyền tải…
Với mục tiêu “Học chủ động, Dạy sáng tạo” và định hướng phát triển toàn diện, cô Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội) chia sẻ, nhà trường khuyến khích giáo viên sử dụng giáo án điện tử thường xuyên, đặc biệt trong các bài học yêu cầu tính trực quan cao và khả năng tương tác mạnh.
Giáo án điện tử tại Phenikaa đã giúp tối ưu hóa quá trình học tập khi tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm kiến thức theo phong cách truy vấn, cá nhân hóa. Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng giáo án điện tử không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động mà còn tăng cường khả năng hợp tác, sáng tạo trong lớp học.
Mặc dù vậy, theo cô Đoàn Thu Hà, xây dựng giáo án điện tử hiệu quả đòi hỏi giáo viên phải đầu tư công sức vào việc tìm kiếm công cụ, ứng dụng phù hợp và thiết kế nội dung mang tính tương tác cao, đáp ứng nhu cầu cá nhân của từng học sinh; phân phối tài nguyên hợp lý, đảm bảo tính liên tục cũng là thử thách lớn.
Để giảm bớt khó khăn này, trường đã xây dựng hệ thống hỗ trợ, khuyến khích giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tổ chức các buổi đào tạo/chia sẻ kỹ năng số trong các tổ để giáo viên ngày càng thành thạo hơn.
Tránh lạm dụng
Để đảm bảo chất lượng của giáo án điện tử, cô Đoàn Thu Hà cho rằng, giáo viên cần chú trọng tích hợp các yếu tố dạy học truy vấn và cá nhân hóa; nên đặt các câu hỏi mở, tạo cơ hội để học sinh tự tìm kiếm, khám phá, ứng dụng kiến thức trong thực tế.
Mỗi giáo án đều cần có phiếu bài tập và nội dung tương tác phù hợp, giúp học sinh phát huy thế mạnh cá nhân, rèn luyện kỹ năng học chủ động. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu kiểm tra giáo án theo tần suất để đảm bảo rằng giáo viên không chỉ sử dụng giáo án điện tử hiệu quả mà còn áp dụng các phần mềm, tài liệu bổ trợ hợp lý.
“Chúng tôi khuyến khích giáo viên sử dụng giáo án điện tử linh hoạt và có chủ đích rõ ràng, đặc biệt trong các bài học cần tương tác hoặc trình bày khái niệm trừu tượng. Tuy nhiên, với những nội dung yêu cầu trải nghiệm thực tế hoặc giao tiếp trực tiếp, phương pháp dạy học truyền thống sẽ phù hợp hơn.
Bằng cách sử dụng giáo án điện tử đúng mức, phù hợp, nhà trường đã đảm bảo tạo ra môi trường học tập hiệu quả, bền vững, giúp học sinh không chỉ đạt được kiến thức mà còn phát triển các kỹ năng cần thiết trong thời đại số”, cô Đoàn Thu Hà lưu ý.
Để xây dựng giáo án điện tử chất lượng, giáo viên cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định, nhấn mạnh điều này, thầy Vũ Ngọc Hòa chia sẻ, việc lập kế hoạch rõ ràng là rất quan trọng. Giáo viên cần xác định rõ mục tiêu của bài học và lựa chọn các công cụ, tài liệu phù hợp để đạt được mục tiêu đó.
Sự kết hợp giữa lý thuyết, yếu tố trực quan là một yếu tố then chốt để giữ sự tập trung của học sinh. Thêm vào đó, giáo viên cần lưu ý đến yếu tố tương tác khi thiết kế giáo án điện tử. Sử dụng các phần mềm như Kahoot, Quizizz, hoặc các công cụ trò chơi tương tác giúp học sinh tham gia bài học một cách tích cực và chủ động. Tạo sự linh hoạt trong giáo án cũng quan trọng để có thể điều chỉnh ngay khi cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế của lớp học.
“Giáo viên cần tránh lạm dụng công nghệ. Bài giảng cần đảm bảo tính tương tác thực tế và không bị phụ thuộc hoàn toàn vào giáo án điện tử. Giáo viên nên giữ khả năng điều khiển lớp học bằng cách truyền đạt, tương tác trực tiếp với học sinh, kết hợp giữa phương pháp truyền thống và công nghệ để phát huy tối đa hiệu quả dạy học”, thầy Vũ Ngọc Hòa chia sẻ.
Giáo án điện tử là công cụ hữu ích giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy khi được sử dụng đúng cách. Giáo viên cần không ngừng cập nhật kỹ năng công nghệ và áp dụng kinh nghiệm đã tích lũy để xây dựng giáo án điện tử chất lượng, góp phần làm phong phú thêm phương pháp dạy học, giúp học sinh phát triển toàn diện. - Thầy Vũ Ngọc Hòa