Ứng dụng CN trong giảng dạy, quản lý: Bài giảng sinh động, hấp dẫn nhờ công nghệ

GD&TĐ - Ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên đã khéo léo tận dụng lợi thế của công nghệ để bài giảng thêm sinh động, giúp học sinh hứng thú với bài học.

Cô Nguyễn Thị Huyền - giáo viên Toán, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp và học trò. Ảnh: TG
Cô Nguyễn Thị Huyền - giáo viên Toán, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp và học trò. Ảnh: TG

Tận dụng xu thế chuyển đổi số

Hơn 34 năm gắn bó với nghề, nhà giáo Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) luôn tâm huyết, trách nhiệm trong công tác quản lý, giảng dạy nên được học trò, đồng nghiệp, phụ huynh ở các trường đã và đang công tác quý mến.

Cô đã xây dựng thành công mô hình trường học online trong Office 365, chuyển đổi số trong công tác quản trị nhà trường góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Cùng đó, cô Dung sáng lập Dự án “Đồng hành cùng học sinh vào lớp 10” và dạy miễn phí cho các em lớp 9 môn Ngữ văn thi vào lớp 10; hỗ trợ giáo viên trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Để khích lệ học trò ham mê đọc sách, nâng cao văn hóa đọc, năm học 2023 - 2024, cô Nguyễn Thị Kim Dung phát động “Thử thách đọc sách”, bản thân cô cũng gương mẫu đọc sách mỗi ngày. Trước đó, dự án về Văn hóa đọc của cô tham gia “Diễn đàn đổi mới sáng tạo giáo dục trên nền tảng công nghệ thông tin 2022 - 2023” do Bộ GD&ĐT và Microsoft Việt Nam tổ chức đoạt giải Nhất bảng A cấp quốc gia.

Không chỉ vậy, cô Dung còn miệt mài lan tỏa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho các trường ở Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Kon Tum, Quảng Trị, Tuyên Quang. Cô tích cực tham gia và là điều phối viên của nhiều dự án cộng đồng miễn phí, hỗ trợ hàng nghìn giáo viên phát triển về CNTT và chuyên môn nghiệp vụ như: “Luyện phát âm và giao tiếp tiếng Anh”, “Lớp học kết nối”, “Hành trình MIEE”. Cô hỗ trợ cho nhiều thầy, cô giáo trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft (MIEE).

“Mô hình đọc sách của chúng tôi kết nối với nhiều trường. Điều này giúp học sinh có thêm tình yêu với sách, thiên nhiên, con người. Các hoạt động thiện nguyện của tôi có sự đồng hành của đồng nghiệp và thành viên các dự án cộng đồng. Chúng tôi đi đến nhiều nơi để chia sẻ và tặng sách cho học sinh các trường bạn. Được san sẻ niềm vui cho những đồng nghiệp và học trò vùng khó thực sự là niềm hạnh phúc”, nữ nhà giáo chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung cũng là đồng diễn giả trong Hội thảo online “Kiến tạo Văn hóa đọc ở trường học trong kỷ nguyên số” cùng diễn giả Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, nguyên Chủ tịch FPT Software, bà Quỳnh Chi - Giám đốc đào tạo của SpeedReading Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Vinschool Thăng Long (Hà Nội). Hội thảo lan tỏa văn hóa đọc trong kỷ nguyên số thu hút hơn 6.000 người theo dõi.

Em Nguyễn Lê Văn Quỳnh - học sinh lớp 9A5, Trường THCS Vân Canh chia sẻ: “Cô Kim Dung đã mang tới cho chúng em những trải nghiệm hữu ích về công nghệ và có bài học bổ ích để áp dụng vào cuộc sống. Ngoài ra, cô giàu lòng nhân ái, luôn yêu mến, dạy dỗ chúng em trở thành người có ích cho xã hội”.

bai-giang-sinh-dong-hap-dan-nho-cong-nghe-2.jpg
Cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: TG

Lan tỏa tình yêu Toán học

Là giáo viên trẻ đang công tác tại Tổ Toán - Tin, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Huyền mong muốn không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học sinh khám phá niềm vui trong học tập, thấy được ý nghĩa của Toán học trong cuộc sống.

Một trong những công cụ cô Huyền sử dụng hiệu quả là Geogebra, giúp minh họa hình học và hỗ trợ giảng dạy đại số và giải tích. Khi dạy về các chủ đề như hình lăng trụ hay khối đa diện, cô trình chiếu mô hình 3D trực tiếp trong lớp để học trò dễ dàng hình dung và nắm bắt cấu trúc của các hình một cách trực quan nhất.

Để hỗ trợ việc ôn tập tại nhà, cô thiết kế các bài tập trên Microsoft Forms, tạo ra nhiều loại câu hỏi phong phú. Nhờ vậy, cô Huyền có thể theo dõi tiến độ học tập của học sinh và điều chỉnh phương pháp giảng dạy dựa trên kết quả thu thập được.

Plickers là công cụ hữu ích giúp cô kiểm tra nhanh kiến thức ngay trong giờ học mà học sinh không cần chuẩn bị thiết bị cá nhân. Điều này đảm bảo rằng, mọi thành viên trong lớp có cơ hội tham gia vào hoạt động học mà không bị giới hạn bởi công nghệ.

Ngoài sử dụng PowerPoint, cô đang thử nghiệm Microsoft Sway để tạo các bài thuyết trình sinh động, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sáng tạo và mới mẻ. Cô cũng chú trọng kết hợp các phương pháp giảng dạy truyền thống như thảo luận nhóm, trò chơi toán học và thực hành tính toán trên các vật thể thực tế, giúp học sinh thấy rõ mối liên hệ giữa Toán học và cuộc sống.

“Tôi cảm thấy may mắn khi luôn nhận được sự hỗ trợ tận tình từ các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, từ việc quản lý lớp học cho đến cải thiện phương pháp giảng dạy để ngày càng hoàn thiện mình hơn”, cô Huyền bày tỏ và cho rằng, ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy là điều cần thiết trong giáo dục hiện đại.

Cô sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao kỹ năng của mình để sử dụng hiệu quả hơn các công cụ trực tuyến như Teams, OneNote, Flipgrid và Copilot, giúp tạo ra tài liệu học tập phong phú và dễ tiếp cận. Cô cũng từng bước phát triển các hoạt động dạy học tích hợp công nghệ, nhằm mang đến những trải nghiệm học tập hấp dẫn hơn cho học sinh.

Được công nhận là Chuyên gia Giáo dục Sáng tạo toàn cầu của Microsoft (MIEE) là bước tiến lớn đối với cô Nguyễn Thị Huyền. Trường Lômônôxốp có nhiều MIEE trong nhiều năm qua đã tạo động lực lớn để cô giáo trẻ không ngừng học hỏi và phát triển. Nhờ sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, cô đã tiếp cận được những phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả, giúp học sinh thêm hứng thú với bài học, trong đó có môn Toán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ