Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, quản lý: Rào cản kinh phí và trình độ

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý trường học nhằm tăng cường tính hiệu quả, khoa học.

Học sinh Trường THCS Thụy Liên đọc sách trên thư viện điện tử của nhà trường. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Thụy Liên đọc sách trên thư viện điện tử của nhà trường. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, khó khăn chung của nhiều trường hiện nay là vấn đề kinh phí và trình độ công nghệ của đội ngũ cán bộ.

Hiệu quả tích cực

Trường THCS Hà Lộc (thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) đã sử dụng hệ thống các phần mềm quản lý nhân sự, học tập, tài chính, tài sản…, giúp tối ưu hóa quy trình và giảm bớt thủ tục giấy tờ. Nhà trường cũng ứng dụng học liệu số để cung cấp, khai thác bài giảng, tài liệu học tập trực tuyến, giúp học sinh có thể tự học và nâng cao kiến thức.

Theo cô Hiệu trưởng Phạm Thị Kiều Oanh, ứng dụng CNTT trong quản lý trường học mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp nâng cao chất lượng quản lý và giảng dạy. Nhờ vào các phần mềm quản lý, nhân viên và giáo viên có thể giảm thiểu thời gian làm các công việc thủ công, từ đó tăng hiệu suất làm việc, tập trung hơn vào công tác giảng dạy.

Các dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực, giảm sai sót khi nhập liệu, giúp quản lý, tra cứu thông tin nhanh chóng và minh bạch. Nhờ vào các nền tảng học liệu số và tương tác trực tuyến, giáo viên có thể sáng tạo hơn trong giảng dạy, học sinh dễ dàng truy cập tài liệu, nâng cao kiến thức. Sổ liên lạc điện tử và hệ thống quản lý điểm giúp phụ huynh dễ dàng theo dõi tiến trình học tập của con cái, từ đó tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa nhà trường, phụ huynh.

Những năm qua, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị CNTT phục vụ công tác quản lý, dạy và học. Đến nay, 100% lớp học được đầu tư máy tính, tivi màn hình rộng và kết nối Internet.

Phòng họp có tivi thông minh màn hình rộng, phục vụ các hội nghị trực tuyến. Phần mềm quản trị nhà trường tiếp tục được triển khai, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT; thực hiện in ấn sổ điểm, học bạ và khai thác hiệu quả, đồng bộ dữ liệu trên hệ thống.

Trường cũng triển khai hệ thống kiểm định chất lượng, quản lý đồ dùng, thiết bị dạy học, quản lý công sản; thư viện điện tử và hướng dẫn cán bộ, giáo viên sử dụng hiệu quả. Hệ thống quản lý giáo án do nhà trường tự xây dựng trên nền tảng kết hợp giữa website và Google Drive đảm bảo khoa học, thuận lợi cho người dùng.

“Từ năm học 2022 - 2023, 100% giáo viên trong trường sử dụng giáo án điện tử, không phải in ấn. Việc ứng dụng CNTT được giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng thuận cao. Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch Covid, các ứng dụng dạy học trực tuyến đã phát huy hiệu quả tốt”, thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên chia sẻ.

Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học, hiện 100% cán bộ quản lý, nhân viên văn phòng của Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ) sử dụng thành thạo tin học văn phòng; truy cập xử lý thành thạo các công văn, văn bản đến và đi trên thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành iOffice 4.1. Phần mềm cổng thông tin điện tử của nhà trường hoạt động hiệu quả. Các thông tin hoạt động của trường, văn bản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều được công khai, minh bạch…

Thông tin điều này, cô Hiệu trưởng Trần Thị Bích Hạnh cũng cho biết, nhà trường quản lý, vận hành hồ sơ, đánh giá học sinh trên phần mềm SMAS; cập nhật báo cáo số liệu cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh trên cơ sở dữ liệu; quản lý hồ sơ nhân sự cũng qua phần mềm…

Riêng về tài chính kế toán, hiện trường sử dụng khá nhiều phần mềm hỗ trợ cho công tác chi trả lương, chế độ cho đội ngũ... Các phần mềm nói trên hỗ trợ nhiều cho công tác quản lý, quản trị trong nhà trường.

rao-can-kinh-phi-va-trinh-do-1.jpg
Giờ học có ứng dụng CNTT tại Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: NTCC

Khó hạ tầng công nghệ, kinh phí

Dù đã quan tâm, tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học, nhưng cô Trần Thị Bích Hạnh cho rằng, khó khăn của nhà trường là chi phí một số phần mềm khá cao. Bên cạnh đó, một số phần mềm chưa có sự liên thông, đồng bộ.

“Các phần mềm cần có sự đồng bộ, liên thông, tránh để cán bộ, giáo viên, nhân viên phải thực hiện nhiều lần trên các phần mềm cho cùng một nội dung. Các phần mềm cũng cần có sự ổn định, hoạt động thường xuyên liên tục, tránh ngắt quãng dẫn đến có những năm các nhà trường phải phập số liệu bù cho hai năm liên tục. Các nhà cung cấp phần mềm thường xuyên nâng cấp để dịch vụ đạt được sự hiện đại tối ưu”, cô Trần Thị Bích Hạnh đề xuất.

Trường THCS Hà Lộc có khó khăn tương tự. Chia sẻ của cô Phạm Thị Kiều Oanh, chi phí mua các phần mềm ban đầu, bảo trì và nâng cấp hàng năm cao là một gánh nặng tài chính đối với nhà trường. Hạ tầng mạng nhiều lúc không ổn định, đường truyền kém dẫn đến tình trạng gián đoạn. Bảo mật dữ liệu thông tin phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của nhà trường.

Ngoài ra, một số giáo viên, nhân viên của trường chưa quen hoặc chưa thành thạo sử dụng các phần mềm mới, dẫn đến việc đào tạo mất nhiều thời gian, công sức. Số giáo viên Tin học ít (từ 1 - 2 người) nên khó khăn trong việc hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên khác về CNTT.

Để khắc phục, cô Phạm Thị Kiều Oanh cho biết, Trường THCS Hà Lộc chọn phần mềm có chi phí hợp lý, hoặc các giải pháp mã nguồn mở, miễn phí. Đồng thời, có thể triển khai từng phần, dần mở rộng ứng dụng CNTT để giảm áp lực về tài chính.

Trường thành lập tổ chuyển đổi số, tổ CNTT, gồm lãnh đạo trường, lãnh đạo tổ chuyên môn, giáo viên Tin học và các giáo viên có kinh nghiệm, kỹ năng ứng dụng CNTT tốt để bồi dưỡng cho giáo viên, nhân viên toàn trường, áp dụng hình thức “cầm tay chỉ việc” để nâng cao khả năng thực hành.

Nhà trường đồng thời tăng cường trang bị các thiết bị hỗ trợ, nâng cấp hạ tầng mạng với băng thông cao hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng để nhận được ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật. Để đảm bảo an toàn dữ liệu, nhà trường thực hiện quy trình sao lưu, phục hồi dữ liệu thường xuyên.

“Rất mong các cơ sở giáo dục được cấp kinh phí hằng năm để đầu tư mua mới, bảo trì và nâng cấp các phần mềm phục vụ việc quản lý các hoạt động giáo dục trong trường học. Các đơn vị cung cấp phần mềm có chương trình tài trợ thiết bị hoặc tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho giáo viên, nhân viên”, cô Phạm Thị Kiều Oanh nêu kiến nghị.

Với Trường THCS Thụy Liên, khó khăn được thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ là sau thời gian sử dụng, một số thiết bị CNTT xuống cấp, cũ hỏng; các phần mềm cần được nâng cấp thường xuyên. Đối với học sinh, việc ứng dụng CNTT khi tự học ở nhà cần có sự quản lý của cha mẹ để tránh sa vào lạm dụng mạng xã hội, chơi game, xem phim ảnh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ