Những tài liệu này thu hút nhiều lượt xem, chia sẻ và phản hồi tích cực từ đồng nghiệp cũng như học sinh trên toàn quốc.
Chia sẻ kinh nghiệm
Hơn 14 năm công tác, cô Nguyễn Thu Trang - giáo viên Trường THCS Thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội), không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi phương pháp, kỹ thuật dạy học để tạo nguồn cảm hứng và phát hiện, bồi dưỡng tài năng học sinh.
Trong bối cảnh xã hội thay đổi liên tục, cô nhận thấy chìa khóa cho tất cả là khả năng tự học của cô và trò. Do đó, cô tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy và truyền đạt kỹ năng này cho học sinh, đồng nghiệp.
Cô soạn bài giảng E-learning để mọi người tham khảo, đóng góp vào Kho học liệu số quốc gia và các nền tảng như: iGiaoduc.vn, YouTube, Facebook… Những tài liệu này đã thu hút nhiều lượt xem và chia sẻ, phản hồi tích cực từ đồng nghiệp cũng như học sinh trên toàn quốc.
Cùng với đổi mới về phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT, cô còn chú ý đổi mới kiểm tra đánh giá. Thay vì 100% các bài kiểm tra trên giấy được thực hiện vào cuối một chủ đề, chương, cô tạo các kênh kiểm tra, đánh giá phong phú: Nộp sản phẩm dự án cá nhân, nhóm, tạo bài tập trên các phần mềm để học sinh làm bài vào mọi khung thời gian.
Đặc biệt, cô khuyến khích học sinh gửi bài toán có tính thực tiễn hay và khó do các em sưu tầm, nghĩ ra hoặc vướng mắc trong đời sống hằng ngày lên kho học liệu chung của trường, lớp... Mỗi việc làm nhỏ đều hướng đến phát triển khả năng tự học, sáng tạo và niềm đam mê học tập của các em.
Tại Trường Mầm non Liên Cơ (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), cô Lê Thị Thu Lan được biết đến là giáo viên trẻ tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, cô tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để thực hiện tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cô Lan chia sẻ, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc mỗi người phải tự trang bị và bồi dưỡng năng lực bản thân là điều nên làm. Càng đam mê nghiên cứu, tìm hiểu, cô càng nhận thấy ứng dụng CNTT trong giảng dạy đã và đang đem lại hiệu quả tích cực.
Trước đây, khi CNTT chưa được ứng dụng rộng rãi vào dạy học, để giúp học sinh hiểu bài, mỗi giáo viên phải tự trang bị những phương tiện hỗ trợ đắc lực như tranh ảnh minh họa vẽ tay hoặc photo... nhưng hình ảnh khá mờ nhạt, hiệu quả chưa cao.
Còn hiện nay, ứng dụng CNTT trong giảng dạy, chỉ cần vài cú “nhấp chuột”, những hình ảnh ngộ nghĩnh, clip ngắn mô tả rõ ràng với hiệu ứng âm thanh sống động sẽ ngay lập tức thu hút được sự chú ý, hứng thú của trẻ. Đây có thể coi là phương pháp phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ lứa tuổi mầm mon.
Với vai trò Tổ trưởng Tổ Công nghệ thông tin và Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của trường, cô Lan luôn tích cực hỗ trợ đồng nghiệp ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy, lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm thiết kế bài giảng, trò chơi cho giáo viên nhà trường qua những buổi họp chuyên môn vào cuối tháng.
Lan tỏa kinh nghiệm
Cô Phan Thị Tâm - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (Đồng Nai) luôn tìm cách tiếp cận, tìm hiểu, ứng dụng CNTT trong dạy học. Qua mỗi năm học, việc ứng dụng CNTT của cô càng trở nên hiệu quả. Không chỉ một vài ứng dụng đơn thuần, cô Tâm đã nắm vững và sử dụng thường xuyên hàng chục ứng dụng.
Cô tự chia những ứng dụng này theo 4 nhóm tùy theo nội dung từng bài học. Đối với nhóm Lớp học kết nối, cô sử dụng các ứng dụng như: Skype, Gridpall, Flipgrid... kết nối trực tiếp với các lớp học ở nhiều quốc gia trên thế giới để học sinh có thể phát triển kỹ năng giao tiếp, giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế.
Đối với nhóm Thực tế ảo, cô sử dụng ứng dụng lập trình Minecraft. Nội dung này phù hợp cho các bài học cần quan sát trực quan nhưng lại gặp khó khăn về địa lý. Nhóm ứng dụng CNTT được cô Tâm thường xuyên sử dụng nhất là các ứng dụng thiết kế game, video, truyện tranh. Nhóm ứng dụng STEM giúp học sinh tăng vốn từ vựng về khoa học kỹ thuật.
“Những năm trước đây, giáo viên môn Tiếng Anh thường ra nhiều bài tập, thúc ép học sinh học nhiều dẫn đến áp lực mà kết quả học tập không cao. Sau nhiều năm tăng cường ứng dụng CNTT, theo khảo sát của nhà trường, Tiếng Anh trở thành môn học được yêu thích nhất của học sinh toàn trường. Đáng mừng là kết quả học tập của các em cũng nâng lên”, cô Tâm chia sẻ.
Cũng theo cô Tâm, giáo viên tổ Tiếng Anh có lợi thế về ngoại ngữ nên thuận lợi trong việc tiếp cận, tìm hiểu và ứng dụng CNTT. Mặt khác, nhà trường thường xuyên tổ chức tập huấn nội bộ để giáo viên nhà trường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho nhau, từ đó năng lực CNTT của mỗi thầy cô không ngừng nâng cao.
Bên cạnh đó, để có những bước phát triển lớn trong ứng dụng CNTT, cô đã không ngừng học hỏi, trong đó có nhiều kiến thức, kinh nghiệm đến từ Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam. Cùng với cô, hiện có 40% giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai tham gia cộng đồng này và được công nhận danh hiệu Giáo viên sáng tạo của Microsoft.
Cô Vũ Thị Ni Na - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai cho biết, để có được kết quả này, ban giám hiệu cũng đồng thời là thành viên tích cực của Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam. Nhà trường mong muốn lan tỏa để có thêm nhiều giáo viên tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp ở các trường khác.
Tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, giáo viên có cơ hội được học tập, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT. Theo đó, cộng đồng có trung tâm học tập dành cho giáo viên. Bằng cách tạo tài khoản, giáo viên có cơ hội tham gia các khóa học online, tiếp cận kho học liệu, giáo án... hoàn toàn miễn phí. Đây là những “kho báu” được giáo viên trên toàn quốc chia sẻ.