Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, quản lý: 'Lớp học Google'

GD&TĐ - Nhiều trường học tại TPHCM đưa vào giảng dạy tiết học kỹ năng số, “lớp học Google” để vừa giảm áp lực cho GV, vừa nâng cao hiệu quả tiếp thu với HS.

Giờ Tin học của học sinh Trường THPT Phú Nhuận tại “lớp học Google”. Ảnh: M.A
Giờ Tin học của học sinh Trường THPT Phú Nhuận tại “lớp học Google”. Ảnh: M.A

Ôn bài mọi lúc mọi nơi

Giờ học môn Địa lý tại lớp 12A16, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) với bài “Thực hành sự phân hóa tự nhiên của Việt Nam” diễn ra tại “lớp học Google” vừa mới hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Ở lớp học đặc biệt này, thay vì chỉ học tập với sách vở như lớp học truyền thống, mỗi học sinh có thêm laptop (máy tính xách tay) để thực hiện các nhiệm vụ học tập. Từ yêu cầu của giáo viên “học sinh báo cáo về sự phân hóa tự nhiên của Việt Nam theo Bắc - Nam và độ cao”, lớp học được chia thành nhiều nhóm, cùng nhau sử dụng công cụ Google tạo ra các sản phẩm đa dạng như các bộ ảnh, đoạn video…

Nhờ những ứng dụng này, giáo viên có thể quan sát phần thảo luận của mỗi nhóm, từng thành viên trong lớp mà không cần đi lại nhiều lần.

Đào Vàng Anh - học sinh lớp 12A16 cho biết, tiết học tại “lớp học Google” rất thực tế và trực quan, việc học trở nên dễ dàng và thú vị khi được trải nghiệm hoạt động liên tục. “Em có thể dùng những công cụ của Google để làm ra các sản phẩm số liên quan đến nội dung môn học, từ đó khắc sâu kiến thức hơn.

Việc học bằng ứng dụng Google cũng giúp chúng em dễ dàng tương tác với nhau, thay vì chờ đợi lần lượt từng bạn trình bày quan điểm thì nó hiển thị ngay trên màn hình máy tính”, Vàng Anh chia sẻ.

Theo cô Lê Thị Hương - giáo viên bộ môn Địa lý, Trường THPT Phú Nhuận, khác với lớp học truyền thống, trong “lớp học Google”, học sinh được thao tác hoàn toàn trên máy tính. Trong quá trình thực hiện sản phẩm, các thành viên trong nhóm đều có thể trực tiếp tham gia góp ý, chỉnh sửa trên chính các công cụ.

Khi một nhóm hoàn thành sản phẩm, các nhóm học sinh khác có thể theo dõi, đánh giá. “Với tiết học truyền thống, việc thuyết trình sẽ dừng ở từng nhóm học sinh lên nói và các nhóm khác góp ý.

Tuy nhiên, tại lớp học số Google, sản phẩm của các nhóm được lưu trên lớp học online của giáo viên. Vì thế, không phải khi kết thúc tiết học là dừng bài học mà học sinh có thể học, ôn lại bài mọi lúc, mọi nơi bằng tài khoản Google”, cô Hương chia sẻ.

Tương tự, cô Trần Thị Tâm, Trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) cho rằng: “Lớp học này thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Thay vì trước đây, học sinh phải tương tác với giáo viên mới hỏi được vấn đề, bây giờ các em có sẵn nguồn học liệu do thầy cô đưa lên. Học sinh có thể lấy về để tìm hiểu, bổ sung kiến thức.

Đặc biệt, việc được tham gia vào lớp học Google đã mang đến sự hào hứng, hồ hởi cho mỗi học sinh. Các em thỏa sức tạo ra đa dạng sản phẩm, vượt ra cả sự mong đợi của giáo viên”.

Năm đầu tiên triển khai mô hình “lớp học Google”, toàn bộ giáo viên và hơn 2.500 học sinh Trường THPT Phú Nhuận được cấp tài khoản Google và tập huấn sử dụng ngay trong hè. Trong năm học, việc tổ chức các tiết học tại lớp học Google sẽ ưu tiên học sinh khối 10, thời lượng 2 tiết/tuần. Với lớp 11 và 12, các tiết học cân đối theo đăng ký của giáo viên.

lop-hoc-google-2.jpg
Tại “lớp học Google”, học sinh Trường THPT Phú Nhuận thuận lợi hơn khi tìm kiếm tài liệu học tập cũng như thiết kế sản phẩm học tập. Ảnh: M.A

Trang bị kỹ năng số

Sau giai đoạn thí điểm, mô hình “lớp học Google” được TPHCM nhân rộng tại nhiều trường học, cấp học với mục tiêu đến năm 2025. Địa phương này đặt mục tiêu có ít nhất 50 “trường học số” nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Hiện, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đưa vào giảng dạy tiết học kỹ năng số, triển khai mô hình “lớp học Google” nhằm trang bị cho học sinh năng lực sử dụng công cụ số như: Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), Trường Tiểu học Bình Chiểu (TP Thủ Đức), Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình), Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú)…

Đặc biệt, với giáo viên đứng “lớp học Google” đều được tập huấn, có chứng chỉ giảng dạy. Thầy cô có thể thiết kế các tiết học trên nền tảng công nghệ, giảm tải công việc, dễ dàng quản lý tiết học, hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học đồng bộ.

Thầy Phan Lâm Hiển - Tổ trưởng Tổ Tin học, Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) chia sẻ, việc tham gia lớp học, học sinh được học kỹ năng số Google, thông qua các dự án, ứng dụng bộ công cụ để hình thành năng lực sử dụng, thói quen tư duy số, cộng tác số.

Học sinh được khám phá tổng quan về chương trình kỹ năng số ứng dụng và điện toán đám mây, làm quen với các khái niệm trong tìm kiếm và kỹ thuật để phát triển câu hỏi phù hợp. Cùng đó, các em sẽ nắm được cách thiết lập mục tiêu, liên lạc và quản lý thời gian biểu cá nhân; một số rủi ro khi tham gia Internet và biện pháp an toàn…

Chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ bắt buộc trong trường học, thầy Trần Công Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận thông tin và cho hay: Với “lớp học Google”, nhà trường hướng tới thay đổi thói quen của cả thầy và trò trên môi trường số để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Từ đó, hình thành thói quen tự học và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho học sinh, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho giáo viên khi đổi mới giáo dục.

“Việc đưa thiết bị, công nghệ vào trường học hiện không phải là điều xa lạ hay mới với các nhà trường. Tuy nhiên, khi thiết bị được đưa vào và sử dụng một cách bài bản, hệ thống, sẽ không chỉ giúp nhà trường chuyển đổi số hiệu quả mà giáo viên sẽ quản lý được học sinh trong tương tác trên môi trường số”, thầy Tuấn cho hay.

“Trước đây khi đưa công nghệ vào lớp học, tôi cũng như không ít giáo viên cảm thấy lo lắng vì khả năng tin học còn yếu. Thế nhưng, khi đã vượt khỏi sự e dè, mạnh dạn học và làm, thấy được việc ứng dụng công nghệ vào giờ học một cách bài bản sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chính giáo viên, việc đổi mới trở nên nhẹ nhàng.

Với lớp học số, giúp giảm áp lực cho giáo viên, tiết kiệm về thời gian của cả cô và trò. Học sinh được thể hiện tối đa năng lực và sự sáng tạo trong quá trình học tập”, cô Lê Thị Hương - giáo viên bộ môn Địa lý, Trường THPT Phú Nhuận cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ