Trực tuyến từ đăng kí xét tuyển đến nhập học
Chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đẩy mạnh công nghệ thông tin trong quản lý và tuyển sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng và tích cực triển khai trong nhiều năm qua; mang lại nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Trong Quy chế tuyển sinh năm 2021, một số nội dung mới nhằm tận dụng triệt để lợi thế của công nghệ đã được quy định cụ thể.
Đáng chú ý là quy định thí sinh chỉ cần 1 bộ hồ sơ, nộp ngay tại trường trung học phổ thông, có thể đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường.
Hệ thống cơ sở dữ liệu cùng với phần mềm tuyển sinh hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển, hạn chế tối đa các sai sót trong đăng ký xét tuyển. Thí sinh có tài khoản và mật khẩu riêng để có thể theo dõi được các thông tin đăng ký dự thi và xét tuyển trên hệ thống. Cùng với đó, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến tại các vùng có đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin.
Trong tuyển sinh, thí sinh ảo là bài toán khó, làm đau đầu các cơ sở giáo dục đại học. Công nghệ thông tin chính là công cụ hữu dụng phục vụ công tác lọc ảo, tránh được hiện tượng ảo khi thí sinh trúng tuyển tại các trường trong nhiều năm qua.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tuyển sinh đã bảo đảm tính nhất quán, liên thông từ đăng ký dự thi, tổ chức thi, xét tuyển và lọc ảo, xác nhận nhập học và báo cáo thống kê; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở giáo dục đào tạo, giữa các cơ sở đào tạo và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Không chỉ đăng kí xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, năm 2021, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến cáo các cơ sở đào tạo có phương án nhập học qua hình thức trực tuyến. Đây là hình thức mang lại kết quả khả quan trong bối cảnh dịch bệnh, khi các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Kết quả kép: Phòng chống dịch, bảo đảm quyền lợi thí sinh
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, đã được thể hiện bằng kết quả cụ thể, đặc biệt trong 2 mùa tuyển sinh trong dịch Covid-19. Đây là giải pháp vừa có thể bảo đảm an toàn phòng chống dịch; vừa bảo đảm được tối đa quyền lợi của thí sinh.
Đơn cử, trong năm 2021 đã có 379.276 thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, so với tổng số 798.820 thí sinh đăng ký xét tuyển, chiếm 47,48%. Đặc biệt, 100% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thay thế hoàn toàn việc điều chỉnh nguyện vọng bằng giấy; trừ các trường hợp phải sửa sai sót về đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên, mỗi thí sinh có thể điều chỉnh tối đa 3 lần.
Nhiều trường tổ chức thi các môn năng khiếu cho các ngành đặc thù cũng nhanh chóng chuyển sang thi bằng hình thức trực tuyến với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, bảo đảm kết quả thi nghiêm túc, khách quan, công bằng. Sự nhanh nhạy này giúp thí sinh không bỏ lỡ cơ hội được vào trường mình yêu thích, đồng thời các trường cũng tuyển được người học phù hợp.
Được khuyến khích có phương án nhập học trực tuyến, đa số cơ sở giáo dục đại học đều đã xây dựng phần mềm nhập học online. Với hướng dẫn từng bước chi tiết, đây là công cụ hết sức thuận lợi, giúp các tân sinh viên vẫn có thể nhập học trong điều kiện không thể di chuyển, hoặc phải hạn chế di chuyển trong điều kiện dịch bệnh. Cách làm kịp thời này đã giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể đi vào tổ chức giảng dạy trực tuyến ổn định từ tháng 8/2021 đến nay.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh sẽ tiếp tục được phát huy trong những năm tới. Cùng với đó, với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm kiểm soát chất lượng, tạo sự công bằng, công khai minh bạch giữa các cơ sở đào tạo, và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Ngoài hỗ trợ công tác tuyển sinh và nhập học, các nền tảng công nghệ với nhiều ứng dụng đã được các trường triển khai trong công tác tổ chức đào tạo trực tuyến. Để phù hợp với điều kiện diễn biến của dịch bệnh, các quy chế đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành trong năm 2021 và các văn bản Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở đào tạo đều làm rõ về công tác tổ chức đào tạo và kiểm tra, đánh giá, bảo vệ luận văn, luận án theo hình thức trực tuyến với các nơi đủ điều kiện về công nghệ, đảm bảo công khai minh bạch và sự công bằng giữa các thí sinh, giữa các người học.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy