Đại biểu Hà Ánh Phượng: Ngành Giáo dục đã biến thách thức thành cơ hội

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa học tập vừa chống dịch an toàn.

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) đánh giá cao nỗ lực của ngành Giáo dục thời gian qua.
Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) đánh giá cao nỗ lực của ngành Giáo dục thời gian qua.

Từ thích nghi đến sáng tạo, đổi mới

Đại biểu Hà Ánh Phượng đặc biệt quan tâm tới chính sách ưu tiên cho vùng khó. Bởi đời sống của một bộ phận bà con còn  nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. "Tôi sẽ tích cực tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để trở thành cầu nối, đem tiếng nói của họ đến nghị trường", đại biểu nói.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế- xã hội, trong đó có ngành Giáo dục, đại biểu Hà Ánh Phượng đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép vừa học vừa phòng chống dịch.

Đại biểu Hà Ánh Phượng sinh năm 1991, dân tộc Mường, hiện là giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần  (Thanh Sơn, Phú Thọ). Năm 2020, cô Phượng được bầu chọn vào Top 10 giáo viên toàn cầu và là một trong 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Điều này được thể hiện rất rõ qua sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, Sở và các Phòng giáo dục đào tạo trên cả nước. Bên cạnh đó, ban giám hiệu các trường đã nhanh chóng thích ứng với tình hình để có những triển khai kịp thời, sâu sát đối với giáo viên và học sinh.

“Phú Thọ đã ứng dụng CNTT trong việc dạy và học rất tốt. Tuy chưa đạt 100% học sinh tiếp cận với học trực tuyến khi dịch bùng phát nhưng đến nay địa phương đã khắc phục được những khó khăn. Đối với những học sinh chưa có điều kiện để học, giáo viên đã tìm cách gửi bài cho các em để đảm bảo học tập thông suốt, không có học sinh nào phải dừng học”, đại biểu nhấn mạnh.

Ở nhiều địa phương, ban giám hiệu, nhà trường đã chỉ đạo sát sao trong việc quản lý học sinh khi học trực tuyến. Bởi nhiều em  có tư tưởng không cần học nghiêm túc như học trực tiếp.

Nhiều trường đã đưa ra bộ quy tắc học trực tuyến cho học sinh. Nhiều giáo viên đã cải thiện được việc ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy. Một số địa phương chú trọng đến chất lượng việc học trực tuyến, quan tâm kiểm tra, đánh giá bài học của các em rất sát sao.

Cô giáo Hà Ánh Phượng là Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Cô giáo Hà Ánh Phượng là Đại biểu Quốc hội khóa XV.

“Nhiều cử tri là giáo viên tâm sự rằng, ban đầu họ còn e ngại việc số hóa bài giảng, chưa thành thạo dạy học qua mạng,… Tuy nhiên, cho đến nay, họ đều vui mừng cho thấy, khó khăn chính là chất xúc tác để nỗ lực hơn trong giảng dạy và đem lại kết quả rất tích cực.

Qua những buổi tập huấn, những lời động viên của lãnh đạo, sự đồng hành của phụ huynh, họ nhận được những tiện ích mà số hóa mang lại trong mỗi bài giảng, chủ động để biến thách thức thành cơ hội”, đại biểu đoàn Phú Thọ nêu.

Theo cô Phượng, điều này thể hiện rõ nhất qua cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning.

Cuộc thi nhằm mục đích xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục có chất lượng phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng môi trường học tập suốt đời và mang lại sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Đồng thời nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học cho nhà giáo và học sinh…

Cuộc thi này diễn ra sôi nổi trong toàn ngành, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo thầy cô giáo trên cả nước, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Điều đó chứng tỏ được sự thành thạo của giáo viên trong việc từ thích nghi đến sáng tạo và đổi mới.

Nhiều chính sách quyết liệt, nhanh chóng

Đại biểu Hà Ánh Phượng cũng đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT đã tinh giản chương trình học. Trước đây, nhiều phụ huynh quan tâm tới việc học trực tuyến với khối lượng chương trình dài, nặng. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành văn bản trong việc giảm khối lượng chương trình học cho các em.

Tiếp đó là sự tích cực trong việc quan tâm tới học sinh như kết hợp với các cơ quan để thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đây là một chương trình thực sự có ý nghĩa đối với học sinh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, các em có được cơ hội học tập, không bị gián đoạn việc học so với bạn bè. “Bản thân tôi nhận thấy, ở nhiều nước trên thế giới còn chưa làm được điều này. Chính vì vậy, tôi đánh giá rất cao những nỗ lực mà toàn ngành đã làm thông qua chương trình”, đại biểu Phú Thọ nhấn mạnh.

Đồng thời, chương trình “Điều ước cho em” cũng là một chương trình rất ý nghĩa mà đại biểu Hà Ánh Phượng đánh giá cao. Theo cô Phượng, đây là chương trình nhân văn, thể hiện sự quan tâm của các cấp đối với học sinh còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức lớn đặt ra với ngành giáo dục. Đó là cơ chế, chính sách cho giáo viên miền núi, giáo viên mầm non, chương trình giáo dục phổ thông mới, tính hiệu quả của việc sử dụng sách giáo khoa, vấn đề an toàn an ninh mạng đối với học sinh,… Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần có biện pháp tích cực hơn nữa đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là việc dạy học tích hợp. 

Dù vậy, cô Phượng cho rằng, những vấn đề còn tồn tại này không chỉ có ở Việt Nam mà còn là thách thức đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Đại diện cho tiếng nói của giáo viên, cô Phượng cho biết sẽ ủng hộ các chính sách liên quan đến vấn đề quyền lợi của giáo viên, giúp thầy cô chuyên tâm với nghề. 

Theo cô Phượng, Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn tới chất lượng đời sống của giáo viên, nhất là ở vùng sâu vùng xa, giáo viên mầm non về vật chất cũng như tinh thần. Cùng với đó là sự phối hợp với các cơ quan ban ngành để giải quyết vấn đề việc làm cho giáo viên, đặc biệt là ở trường tư và sinh viên sư phạm ra trường trong bối cảnh Covid-19.

“Hiện nay, tôi cũng lo lắng về vấn đề rủi ro trên mạng xã hội, an toàn trên Internet. Bộ GD&ĐT cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để nâng cao nhận thức, tránh những hậu quả đau lòng…”, đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ