Nhanh chóng thích ứng
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Vinh - Học viện quản lý giáo dục, thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội và giáo dục, đào tạo không là ngoại lệ.
Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý giáo dục nhanh chóng chuyển đổi các phương pháp quản lý trực tuyến để điều hành hoạt động giáo dục. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục, đào tạo đã tạm dừng các hoạt động dạy học truyền thống, chuyển sang dạy học online.
Theo đó, hoạt động giáo dục, dạy học đạt được các mục tiêu nhất định, song phương pháp trực tuyến vẫn gặp thách thức về công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ, năng lực sử dụng, cách thức tổ chức, cách đánh giá năng lực người học qua trực tuyến.
PGS.TS Nguyễn Thành Vinh trao đổi, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo tập trung vào 2 nội dung chủ đạo là: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu.
Trong quản lý giáo dục, chuyển đổi số giúp cho có được hệ thống công cụ quản lý và ứng dụng vận hành, bao gồm: số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các Công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong quản lý một cách nhanh chóng, chính xác, không bị đứt gẫy trong điều kiện thay đổi như dịch bệnh, thiên tai.
Trong quản lý nhà trường và tổ chức dạy học, nhiều mô hình giáo dục thông minh đang được phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ đắc lực việc cá nhân hóa học tập.
Trong dạy - học, kiểm tra, đánh giá online, thực hiện số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các lớp học ảo.
Điều kiện để chuyển đổi số giáo dục thành công
PGS.TS Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh, để bảo đảm thành công chuyển đổi số, trước tiên cần tuyên truyền, thống nhất, thông suốt về nhận thức trong toàn ngành, đến từng nhà trường và mỗi cá nhân.
Xem chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành, diễn ra với tốc độ rất nhanh. Do đó, cần có sự chuẩn bị, đầu tư xứng tầm, tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Nhấn mạnh những việc chúng ta đã làm được, PGS.TS Nguyễn Thành Vinh viện dẫn: ngành Giáo dục đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin là một trong các nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai Nghị quyết số 29-NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý giáo dục, hỗ trợ đổi mới dạy - học, nghiên cứu khoa học triển khai trong toàn ngành.
Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện, hoàn thiện hành lang pháp lý như: Quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng; Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học; Quy định quản lý, vận hành sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trường phổ thông, chuẩn dữ liệu kết nối; hướng dẫn nhiệm vụ CNNT cho khối đại học, phổ thông hàng năm.
Đặc biệt, ngành Giáo dục đã triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ Trung ương đến tất cả các Sở, Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục. Trên 80% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng phần mềm quản lý trường học, phổ điểm điện tử, học bạ điện tử và hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều sử dụng phần mềm quản trị nhà trường. Hệ thống quản lý hành chính điện tử kết nối từ Bộ GD&ĐT đến các Sở GD&ĐT và các cơ sở đào tạo trên cả nước đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định môn Tin học sẽ được đưa vào giảng dạy bắt buộc ngay từ lớp 3; Trong giáo dục đại học, triển khai cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin. Qua đó giúp các cơ sở đào tạo gia tăng cơ hội hợp tác với doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn lực của xã hội và tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.
“Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra toàn quốc, các hoạt động quản lý ngành, các hoạt động dạy học của nhà trường bị ảnh hưởng nặng nề. Nhằm hoàn thành mục tiêu năm học, các trường đã chủ động, sáng tạo tổ chức dạy học online và hoàn thành cơ bản mục tiêu năm học 2020-2021, sẵn sàng vững bước vào năm học 2021-2022” - PGS.TS Nguyễn Thành Vinh phát biểu.
PGS.TS Nguyễn Thành Vinh phân tích, điều kiện cơ bản để bảo đảm thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục là: Cán bộ quản lý các cấp, học sinh, sinh viên, học viên, các bậc phụ huynh và cộng đồng xã hội cần được nâng cao nhận thức về xu thế tất yếu của xã hội công nghệ của thời đại công nghiệp 4.0 để quán triệt quan điểm truyền đổi số là xu thế tất yếu của ngành.
“Như vậy, đòi hỏi tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo ngành Giáo dục cũng như lãnh đạo nhà trường cần phải thay đổi. Họ cần trang bị hiểu biết và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ” - PGS.TS Nguyễn Thành Vinh nêu ý kiến, đồng thời nhấn mạnh:
Phải có đầy đủ cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý liên quan đến quản lý số, học liệu; chất lượng việc dạy học trên môi trường mạng; bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng; pháp lý về công nhận kết quả khi dạy - học trực tuyến.
Mặt khác, cần đồng bộ hóa điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Các cơ sở giáo dục xem đây là điều kiện tiên quyết.
Cùng với đó, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực của ngành trong thực hiện chuyển đổi số. Trước kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc quản lý và dạy - học của cán bộ quản lý các cấp và giáo viên, thậm chí là cả phụ huynh học sinh để hỗ trợ con em khi cần thiết.