TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức): Giáo dục Việt Nam đã nỗ lực đặc biệt

GD&TĐ - Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, Công hòa Liên bang Đức) cho rằng, giáo dục Việt Nam đã có những nỗ lực đặc biệt để duy trì hoạt động giáo dục trên toàn quốc trong bối cảnh khủng hoảng vì dịch bệnh Covid-19.

Dạy học trực tuyến. Ảnh minh họa/INT
Dạy học trực tuyến. Ảnh minh họa/INT

Dạy học trực tuyến trở thành quen thuộc

Khó khăn lớn nhất ngành Giáo dục đã và đang phải đối mặt trong bối cảnh dịch bệnh, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, là việc học sinh không được đến trường mà phải tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian dài. Đặc biệt, năm học 2021-2022, đã quá nửa học kỳ 1 nhưng học sinh ở rất nhiều địa phương vẫn chưa được đến trường.

Khó khăn tiếp theo ngành Giáo dục đang phải đối mặt là phải đối phó với dịch bệnh xảy ra trong trường học ở những địa phương đã cho học sinh đến trường. Điều này không chỉ liên quan đến các giáo viên, học sinh phải cách ly và điều trị, mà còn gây ra những gián đoạn, không ổn định trong tổ chức học tập của toàn trường, cùng những ảnh hưởng tâm lý kèm theo.

Trong bối cảnh này, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, ngành Giáo dục đã có nỗ lực đặc biệt để duy trì hoạt động giáo dục trong toàn quốc trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện chính sách đẩy mạnh công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo; chỉ đạo việc dạy học trong điều kiện dịch bệnh, bảo đảm việc học tập của học sinh không bị gián đoạn trong phạm vi toàn quốc.

Ngành Giáo dục cũng có nhiều biện pháp để khắc phục những khó khăn trong dạy học trực tuyến như các chương trình hỗ trợ máy tính cho học sinh. Cùng với đó, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn hoạt động dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học.

Nhiều phần mềm dạy học trực tuyến được phát triển và khai thác. Các chương trình bồi dưỡng giáo viên trực tuyến để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được thực hiện rộng khắp trong toàn quốc.

Hiện nay dạy học trực tuyến đã trở thành hình thức dạy học quen thuộc đối với giáo viên, phụ huynh và học sinh trong phạm vi toàn quốc. Đây là mặt tích cực, là thành quả của những nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. Dạy học trực tuyến sẽ có vai trò quan trọng trong tương lai, ngay cả trong điều kiện bình thường không có dịch. Đó là xu hướng phát triển giáo dục trong điều kiện số hóa.

Một kết quả cũng được tiến sĩ Nguyễn Văn Cường ghi nhận: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và năm 2021 được thực hiện thành công, an toàn. Năm học 2021-2022, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, ngành Giáo dục vẫn bảo đảm mục tiêu an toàn, dù học sinh không đến trường nhưng hoạt động học tập vẫn tiếp tục.

TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức)
TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức)

Nên sớm cho học sinh trở lại trường nơi dịch được kiểm soát

Tuy nhiên định hướng của Bộ GD&ĐT trong chỉ thị năm học mới về tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát dường như chưa được như mong muốn. Nêu điều này, tiến sĩ Nguyễn Văn Cường dẫn tỉ lệ các địa phương học sinh chưa được trở lại trường vẫn còn khá lớn, ngay cả khi dịch bệnh không còn bùng phát mạnh.

Bên cạnh đó, dạy học trực tuyến kéo dài cũng là thách thức rất lớn cho việc bảo đảm chất lượng dạy học trong điều kiện thực tiễn hiện nay; đồng thời tạo ra những áp lực, ảnh hưởng tâm lý và những tác động tiêu cực tới cả đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Tiến sĩ Đại học Potsdam cho rằng, khi dịch bệnh không còn bùng phát quá mạnh, nhưng cũng không thể hoàn toàn kiểm soát trong thời gian ngắn, cần có sự điều chỉnh chiến lược cho phù hợp hơn. Nên sớm cho học sinh trở lại trường ở các địa phương dịch bệnh được kiểm soát. Khái niệm địa phương kiểm soát được bệnh cần tính theo địa bàn hẹp và linh hoạt, ví dụ xã, phường chứ không phải quận, huyện hay thành phố.

"Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược phù hợp là chấp nhận thế “cài răng lược" một cách linh hoạt để tiếp tục đối phó với dịch bệnh. Cần có chính sách chung của quốc gia và có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Y tế và các địa phương để có những giải pháp phù hợp.

Ngoài ra cần những chương trình bồi dưỡng giáo viên chuyên sâu hơn về dạy học trực tuyến cũng như có những biện pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho giáo dục" – tiến sĩ Nguyễn Văn Cường trao đổi.

Nước Đức cũng đã và đang trải qua dịch bệnh ở mức nặng nề hơn ở Việt Nam. Ở các bang của Đức cũng có những thời gian đóng cửa trường học toàn bang. Tuy nhiên khi dịch bệnh có xu hướng suy giảm thì học sinh được trở lại trường. Khi trong trường xảy ra dịch bệnh thì được xử lý nhanh chóng để học sinh sớm trở lại.

Hiện nay hầu hết học sinh trên toàn quốc đến trường, dù dịch bệnh vẫn còn. Bên cạnh đó có các chương trình bồi dưỡng trực tuyến cho giáo viên, ví dụ chương trình "Chất lượng đầy đủ trong giờ học trực tuyến" nhằm giúp giáo viên bảo đảm chất lượng dạy học trong điều kiện dạy học trực tuyến ở các bang Berlin, Brandenburg.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ