Uganda: Giáo viên bỏ nghề vì bị bủa vây trong nghèo đói

GD&TĐ - Trường học tại Uganda đã đóng cửa từ tháng 3/2020 nên nhiều giáo viên trường tư trên đất nước bị giảm, thậm chí cắt lương. Họ phải tìm những nguồn thu nhập khác và không muốn trở lại với công việc này.

Cô giáo Racheal bán hoa quả ngoài chợ.
Cô giáo Racheal bán hoa quả ngoài chợ.

Sau khi trường học đóng cửa vào năm ngoái, cô giáo Mary Namitala cùng chồng quyết định chuyển từ thủ đô Kampala về thị trấn Bombo sinh sống do không đủ khả năng thuê nhà. Tại nơi ở mới, cô Mary trồng cà chua, nuôi gà, thuê đất trồng rau để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

“Từ dạy học tôi chuyển sang kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Tôi sẽ không rời bỏ công việc này để trở lại giảng dạy. Nhiều đồng nghiệp cũ của tôi cũng đã tìm công việc khác”, cô Mary cho biết.

Khoảng 40% trường tiểu học và 60% trường trung học tại Uganda là cơ sở giáo dục tư nhân, do các cá nhân, tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện hoặc doanh nghiệp điều hành, không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Mọi nguồn chi từ chi phí hoạt động, lương giáo viên, dao động 100 - 200 USD/tháng, đều đến từ tiền học phí.

Khi trường học đóng cửa, phụ huynh không trả tiền, nguồn tài chính cạn kiệt nên các cơ sở này buộc phải giảm hoặc ngừng trả lương cho giáo viên. Trong khi chính phủ vẫn tiếp tục trả lương cho giáo viên công lập, họ chưa thực hiện cam kết hỗ trợ giáo viên trường tư. Do đó, nhiều giáo viên xin nghỉ việc và không có ý định trở lại sau khi hết dịch.

Thầy giáo George Wakirwaine, 30 tuổi, chia sẻ khi tiền lương bị cắt giảm, tài chính gia đình dần rơi vào trạng thái cạn kiệt nên anh cùng vợ con không thể trụ lại thành phố. Hai vợ chồng anh đã gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.

18 tháng qua, thầy giáo George đi xách nước cho các hộ gia đình trong khu phố để đổi lại khoản phí nhỏ. Một số phụ huynh thương cảm nên đã hỗ trợ anh một ít tiền. Tuy nhiên, tương lai của George rất bấp bênh.

“Tôi phải tìm những công việc khác để tồn tại. Tôi rất buồn khi phải rời bỏ nghề giáo nhưng tôi phải nuôi gia đình mình”, thầy George bày tỏ.

Trong khi đó, cô giáo Racheal Namugaya, 30 tuổi, cho biết khi trường học giảm lương, cô chuyển sang mở quầy hàng thực phẩm tươi sống ngoài chợ. Công việc này đã giúp cô chống đỡ trong những ngày nghỉ dịch.

Khi trường học tái mở cửa, cô Racheal cho biết, sẽ tiếp tục kinh doanh song song với đi dạy để đề phòng bất trắc trong tương lai. “Tôi cảm thấy may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác. Dù lương giảm, trường học thỉnh thoảng vẫn hỗ trợ tôi thực phẩm và chỗ ở. Nhưng tôi sẽ không đóng quầy hàng vì nó đang hoạt động tốt”, cô Racheal nói thêm.

Điều này tiếp tục đe dọa tương lai của các trường tư thục, vốn đã khó khăn do thiếu nguồn ngân sách. Hiện nay, hàng trăm ngôi trường được rao bán do áp lực siết nợ từ ngân hàng.

Các doanh nghiệp không còn quan tâm đến việc tái mở cửa trường học. Ngoài ra, các chuyên gia dự đoán khi học sinh trở lại trường, ngành Giáo dục Uganda sẽ thiếu lượng lớn giáo viên, kể cả trong trường công.

Tuy nhiên, thời gian tựu trường vẫn là dấu hỏi lớn dù công đoàn giáo viên, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã tích cực kêu gọi Uganda mở cửa trường học. Chính phủ yêu cầu giáo viên phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi trở lại làm việc. Nhưng hơn 80% giáo viên chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Cuối tháng 9, chính phủ Uganda thông báo trường học sẽ đóng cửa đến tháng 1/2022, tiếp tục gây gián đoạn học tập cho 15 triệu trẻ em trên đất nước.

Bà Janet Museveni, Bộ trưởng Giáo dục Uganda kêu gọi người dân giữ bình tĩnh. “Chính phủ quyết định kéo dài thời gian đóng cửa trường học để bảo đảm trẻ em được an toàn trước mối nguy hiểm mà Covid-19 mang lại”, bà Janet giải thích.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ