Uganda: 1/2 bác sĩ không đỗ kỳ thi cấp giấy phép hành nghề

GD&TĐ - Sau khi được đào tạo Y khoa tại các trường ở nước ngoài, nhiều sinh viên Uganda quay về nước với mong muốn có được công việc tốt. Tuy nhiên, không ít sinh viên đã trượt và không đủ tiêu chuẩn trong kỳ thi cấp giấy phép hành nghề.

Sinh viên Uganda theo học y khoa ở nước ngoài chưa có cơ hội thực hành nhiều
Sinh viên Uganda theo học y khoa ở nước ngoài chưa có cơ hội thực hành nhiều

Không được cấp giấy phép hành nghề

Năm ngoái, hơn 1/2 số bác sĩ người Uganda được đào tạo ở nước ngoài đã thất bại khi tham dự kỳ thi của Hội đồng bác sĩ y khoa và nha khoa Uganda (UMDPC) - tổ chức chịu trách nhiệm cấp phép hành nghề cho các bác sĩ ở Uganda và khu vực Đông Phi. Vấn đề này đã làm dấy lên những lo ngại về chất lượng giáo dục trong việc đào tạo các bác sĩ.

Kỳ thi có sự tham gia của 24 bác sĩ theo học tại các trường y ở những quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ukraine, Sudan, Algeria và Mỹ. Nếu thi đạt, họ sẽ được Hội đồng cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, theo Báo cáo thường niên năm 2017 - 2018 của UMDPC, trong số 24 thí sinh thì có tới 12 người đã không vượt qua kỳ thi. Những người này sẽ không được phép hành nghề, trừ khi họ thi lại và đỗ bài kiểm tra.

Tiến sĩ Katumba Ssentongo Gubala, người phụ trách đăng ký của UMDPC cho biết, một số bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài không có những kỹ năng cũng như năng lực cần thiết để làm việc tại các bệnh viện. Theo ông Gubala, những thí sinh chưa đỗ đang chuẩn bị cho kỳ thi lại lần thử thứ tư và cũng là lần cuối cùng.

Chính phủ Uganda quy định, dù là người nước này hay không, tất cả sinh viên tốt nghiệp Y khoa ở nước ngoài đều phải trải qua quá trình đánh giá kỹ lưỡng trước khi được cấp giấy phép hành nghề, bao gồm xác minh bảng điểm từ các trường y, kiểm tra thực hành và được đánh giá từ các chuyên gia.

Theo Tiến sĩ Gubala, có 2 loại thí sinh tham dự bài kiểm tra tại địa phương: Những người học ở nước ngoài và những người được nhận học bổng từ chính phủ để đi du học.

Trước tỉ lệ trượt cao trong kỳ thi cấp phép hành nghề y, Tiến sĩ Katumba Ssentongo Gubala đã bày tỏ nỗi lo ngại: “Cuộc sống của chúng tôi đang bị đe dọa và phải được bảo đảm rằng, các bác sĩ có đủ khả năng để điều trị cho bệnh nhân”. Cũng theo ông Gubala, mặc dù đề bài chỉ đưa ra những câu hỏi cơ bản mà những người tốt nghiệp trường y cần biết, nhiều thí sinh vẫn không trả lời được.

Chia sẻ với trang tin UniversityWorld News, vị Tiến sĩ này cho biết Hội đồng đang cân nhắc quyết định đối với những trường hợp thi trượt tới lần thứ tư rằng, liệu có nên cho họ cơ hội được đào tạo lại hay không.

Uganda không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới gặp khó khăn đối với những sinh viên tốt nghiệp y khoa tại các trường ở nước ngoài.

157 trong số 225 bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài đã thất bại trong kỳ thi của Hội đồng Y khoa và Nha khoa Ghana năm nay và không đủ điều kiện nhận giấy phép hành nghề ở quốc gia Tây Phi này. Trong số 225 thí sinh có 208 bác sĩ đa khoa, 8 nha sĩ, 8 chuyên gia và một ứng cử viên lớn tuổi hơn so với những người khác. Thời báo Ghana cho biết, họ đều từng theo học y tại các trường đại học y ở Trung Quốc, Ukraine, Nga, Philippines và Belarus.

Ngoài ra, Hội đồng Y khoa ở Namibia cũng cho biết, một số bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài đã trượt trong kỳ thi cấp giấy phép hành nghề.

Trước thực trạng đáng báo động này, Tiến sĩ Gubala cho rằng, hầu hết những thí sinh thi trượt đều cho thấy khả năng thực hành kém, chứng tỏ họ đã không có sự thực hành nhiều trong quá trình học. “Chúng tôi biết rằng, một số trường đại học đã không công bằng với sinh viên nước ngoài khi không cho phép những sinh viên này điều trị cho bệnh nhân ở nước họ”. Tiến sĩ khẳng định, đây chính là nguyên nhân khiến các sinh viên trở nên yếu kém và không có cơ hội phát huy khả năng, bởi lẽ y học là một môn cần đến sự thực hành.

Hạn chế khả năng của sinh viên

Ông Katumba Ssentongo Gubala cho biết, Hội đồng (UMPDC) sẽ lập ra một báo cáo về các trường đại học ở nước ngoài đã có những hình thức hạn chế khả năng của sinh viên Uganda. Ngoài ra, theo Tiến sĩ, báo cáo nhằm giúp các bậc phụ huynh có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt khi quyết định cho con đi du học.

Ông Aggrey Kibenge, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Uganda, cho rằng: “Chúng ta cần xem xét nội dung được đề cập một cách kỹ lưỡng trước khi bắt đầu đưa ra so sánh giữa chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài”.

Giáo sư John Opuda-Asibo, cựu Giám đốc điều hành của Hội đồng Giáo dục Đại học Quốc gia Uganda, nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đánh giá liệu học bổng mà các sinh viên y khoa được trao để du học nước ngoài có thực sự xứng đáng hay không. Ông cũng đưa ra lời kêu gọi các sinh viên và phụ huynh nên tìm hiểu kỹ càng trước khi nộp đơn vào trường đại học nào đó ở nước ngoài.

Nhận thấy nhiều bất cập, cộng đồng Đông Phi đang cân nhắc đưa ra một cuộc thi chung dành cho tất cả các học viên y khoa và nha khoa tại Đông Phi. Theo Tiến sĩ Gubala, kỳ thi như vậy sẽ cải thiện chất lượng và khiến các trường đại học trong khu vực phải có trách nhiệm đào tạo sinh viên của mình.

Theo thống kê, từ năm 2005 - 2011 có ít nhất 210 bác sĩ rời Uganda. Nguyên nhân chính của việc này được cho là đất nước không tạo cơ hội cho các bác sĩ mới ra trường, điều kiện làm việc kém, cũng như tình trạng bất ổn an ninh. Trong khi đó, môi trường quốc tế luôn tạo điều kiện cho các sinh viên có cơ hội lớn để phát triển khả năng với mức lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn. Vấn nạn này khiến chính phủ Uganda gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi đây là đất nước có dân số đông và ngày càng tăng, gánh nặng bệnh tật lớn và nguồn lực bác sĩ hạn chế. Uganda sau đó đã thành lập các tổ chức với mục đích tìm ra những giải pháp níu chân các bác sĩ ở lại phục vụ cho đất nước.

Theo UniversityWorld News; NCBI

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.