'Bốc thuốc' trong tuyển sinh trường nghề

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả tuyển sinh cần đảm bảo đầu ra cho người học. Bên cạnh đó là các giải pháp truyền thông, tăng cường tư vấn, định hướng nghề cho học sinh, sinh viên.

'Bốc thuốc' trong tuyển sinh trường nghề

Chủ động các hình thức tuyển sinh

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động hết sức nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội. Qua đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động GDNN. Đây là lần đầu tiên công tác tuyển sinh, đào tạo trong GDNN không hoàn thành được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Những biến động về xã hội đã tạo ra sự bất ổn về lực lượng lao động. Nhất là khi dịch bệnh đã dần được khống chế, hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở cửa trở lại, đặt ra bài toán cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho doanh nghiệp và thị trường lao động để đảm bảo phục hồi kinh tế theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Theo báo cáo của các cơ sở GDNN, trong năm 2021 hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh của các trường vẫn chủ yếu được thực hiện theo các hình thức trực tuyến và kết hợp cả trực tiếp. Mục đích để đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19. Hầu hết các trường đã chủ động triệt để khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin, các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh.

Cụ thể như thiết lập các chuyên trang về tuyển sinh của trường trên các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Viber, Zalo...) hoặc trên các website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online.

Nhiều trường đã thiết lập công cụ live chat trên website của trường hoặc hệ thống hotline để hỗ trợ người học trong công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh. Một số trường đã xây dựng các ấn phẩm truyền thông số như sách, cẩm nang, thông tin, tranh ảnh, tài liệu... về tư vấn, hướng nghiệp.

Trong những tháng đầu năm 2021, hoạt động tuyển sinh tại các cơ sở GDNN chủ yếu tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền. Hoạt động tuyển sinh chỉ thực sự bắt đầu từ sau tháng 7, khi kết thúc năm học phổ thông và Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Khi đó, người học đã xác định hướng đi tiếp theo là tiếp tục học THPT (với đối tượng học xong THCS) hay nộp đơn vào các trường đại học (với đối tượng học xong THPT). Do vậy, thời điểm này các trường chủ yếu tập trung làm công tác tư vấn và hướng nghiệp cho người học và thực hiện thu hồ sơ đăng ký trực tiếp tại trường, thông qua các sở và thu hồ sơ đăng ký bằng các hình thức trực tuyến.

Kinh nghiệm từ cơ sở

Người học có được sự đảm bảo việc làm và mức thu nhập ổn định sau khi ra trường là yếu tố then chốt giúp cho một số cơ sở GDNN đang vươn lên trong việc thu hút hồ sơ đăng ký tuyển sinh.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, địa phương này luôn làm tốt vấn đề tuyển sinh GDNN. Mặc dù cũng gặp phải khó khăn chung về việc phân luồng học sinh từ các trường phổ thông nhưng sở đã có những biện pháp cụ thể. Đó là truyền thông thu hút học sinh, có cổng thông tin hỗ trợ tuyển sinh, ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút người học... Tới nay, TPHCM đã tuyển sinh được 22% chỉ tiêu năm 2022, tình hình tương đối khả quan.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hải Dương cho biết, để thu hút tuyển sinh GDNN, sở đã tổ chức các ngày hội tuyển sinh gắn với cơ hội việc làm. Đồng thời phối hợp với Đài truyền hình tỉnh để tuyên truyền thông tin. Hải Dương cũng có những biện pháp khác như tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp, cam kết việc làm sau khi ra trường...

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc dẫn chứng, tuyển sinh đào tạo nghề 6 tháng đầu năm nay, tỉnh mới tuyển được 1.977 học sinh, chiếm 43% kế hoạch năm và chủ yếu tuyển sinh ở hệ sơ cấp. Chính vì vậy, 6 tháng cuối năm, tỉnh cố gắng tuyển sinh 17.308 người học để đạt kế hoạch 2022 đề ra.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho hay: “Thực tế hiện nay công tác truyền thông để phục vụ tuyển sinh đã rất khác so với trước. Trước đây, chúng ta vẫn thường sử dụng các kênh báo, đài để tuyên truyền, phổ biến thông tin tuyển sinh, tuy vậy hiện nay báo đài chỉ có lãnh đạo xem mà thôi. Chúng tôi đã thay đổi phương thức truyền thông, sử dụng mạng xã hội,

TikTok để thu hút người dân quan tâm, đặc biệt là đối tượng học sinh. Có như vậy mới đạt hiệu quả truyền thông. Và để làm truyền thông theo cách mới cần phải có thêm kinh phí và tư duy đổi mới trong cách làm”.

Đại diện Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội chia sẻ, nhờ có những biện pháp đổi mới trong phương thức đào tạo, đặc biệt là liên kết đào tạo với doanh nghiệp, cam kết việc làm cho người học, nhà trường tự tin cạnh tranh tuyển sinh trong thời gian tới.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt, Chính phủ có chủ trương đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường, để duy trì ổn định hoạt động đào tạo trong các nhà trường. Đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cho phục hồi kinh tế.

Tổng cục GDNN đã có văn bản đề nghị các trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên năm cuối đến doanh nghiệp thực hành, thực tập và tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó hướng dẫn các trường lựa chọn doanh nghiệp đối tác có các điều kiện phù hợp về nhu cầu sử dụng lao động, ngành nghề, địa điểm sản xuất, kinh doanh. Mục đích để phối hợp liên kết đào tạo, đưa học sinh, sinh viên năm cuối đến thực hành theo hình thức vừa học, vừa làm.

Việc tổ chức thực tập tại doanh nghiệp được thực hiện một cách linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định và phải bám sát vào mục tiêu, nội dung của chương trình đào tạo. Cho phép các trường thực hiện giảng dạy các nội dung lý thuyết tại trường, thực hiện trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp hoặc có thể thực hiện trực tiếp tại doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện cho giảng dạy.

Thời gian thực hành sản xuất tại doanh nghiệp do nhà trường thống nhất với doanh nghiệp thông qua hợp đồng liên kết đào tạo. Việc tổ chức thi kết thúc môn học, mô-đun và thi tốt nghiệp có thể được thực hiện tại doanh nghiệp nếu đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, và tuân thủ quy trình tổ chức thi theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?