Với mục tiêu tuyển đủ cùng hiện thực hóa ước mơ sớm có việc làm ổn định cho người học, song hành với thông tin tuyển sinh, nhà trường lấy ý kiến thí sinh về nguyện vọng việc làm để có hình thức đào tạo phù hợp.
Tuyển sinh kèm tuyển dụng
Em Nguyễn Thế Quân (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tâm sự: “Trong kỳ thi vừa qua, với tổ hợp khối D00, em được 20 điểm nên gần như không có cơ hội đỗ nguyện vọng 1 vào Học viện Tài chính như đăng ký trước đó. Tuy nhiên, gia đình và thầy cô đã động viên và hướng em đi theo con đường học cao đẳng, nghề. Hướng đi này có thể rút ngắn thời gian đào tạo và sớm có việc làm, tạo thu nhập nuôi sống bản thân. Do đó, em tìm hiểu và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để theo học một trường cao đẳng tại Hà Nội”.
Nhiều năm nay, công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề gặp không ít thách thức. Có nơi chỉ cốt tuyển đủ để đào tạo nên sức hút với người học chưa lớn. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã mạnh dạn thay đổi chính mình, từ khâu tuyển sinh đến đảm bảo đầu ra cho sinh viên, học viên.
Theo tìm hiểu, năm 2023, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 1.600 chỉ tiêu, trong đó 1.200 học viên hệ cao đẳng, 400 trung cấp. Điểm mới của công tác tuyển sinh năm nay, song hành với tuyển dụng là việc ghi nhận mong muốn nơi làm việc của thí sinh. Ngoài hỗ trợ thí sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến qua ứng dụng, từ ngày 3/8, khi tới trường làm thủ tục nhập học, các em được phát phiếu đăng ký nguyện vọng nơi làm việc trong nước hoặc nước ngoài sau khi tốt nghiệp.
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, nhà trường có mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Phần Lan... Vì vậy, sinh viên muốn làm việc ở quốc gia nào sẽ đăng ký học tiếng của nước đó ngay từ năm đầu tiên. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tăng cơ hội cho các em đạt được năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu.
Với mô hình đào tạo trên, từ năm thứ 2 hoặc thứ 3, nhiều doanh nghiệp đối tác đã về trường tổ chức tuyển dụng nên cơ hội việc làm không thiếu. Việc kết nối sinh viên với doanh nghiệp giúp tạo dựng niềm tin cho người học.
Ngoài ra, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp cũng là một trong những đổi mới được Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội áp dụng. Doanh nghiệp sẽ đưa chuẩn đầu ra, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần thiết và cùng với nhà trường kiểm tra, đánh giá để tuyển chọn được nhân lực chất lượng cao.
Nhà trường đào tạo, doanh nghiệp sẽ đánh giá, góp ý nên không mất thời gian đào tạo lại. Năm học 2022 - 2023, trường đào tạo được 2 lớp gần 50 sinh viên hệ này. Năm nay, Công ty Toyota của Nhật Bản vào trường đặt hàng đào tạo chuyên về kỹ thuật ô tô. Cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tới trường để ký kết biên bản ghi nhớ.
Công ty Honda Việt Nam trao tặng xe máy và động cơ ô tô cho Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội. |
Đào tạo nghề theo mô hình 9+
Năm 2023, dư luận xã hội dành sự quan tâm tới gần 33 nghìn thí sinh tốt nghiệp THCS tại Hà Nội không đủ điều kiện để vào học tại trường THPT công lập trên địa bàn. Để “đón” lứa học sinh này, nhiều trường cao đẳng nghề đã mạnh dạn áp dụng đào tạo theo hệ 2 văn bằng (mô hình 9+). Điều này đồng nghĩa các em sẽ học song song chương trình Giáo dục THPT và chương trình Giáo dục nghề nghiệp.
Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội, đơn vị áp dụng mô hình 9+ từ năm 2016. Mô hình phù hợp chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS của Nhà nước. Với loại hình này, nhà trường đào tạo kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT và kiến thức nghề trình độ trung cấp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sau 4 năm học, học viên sẽ nhận đồng thời Bằng tốt nghiệp THPT do Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cấp và Bằng tốt nghiệp Cao đẳng chính quy do Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội cấp.
Thực hiện mô hình trên, Trường THPT Hoàng Mai chịu trách nhiệm về chuyên môn, chất lượng giáo dục toàn diện và phối hợp với Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; kết hợp quản lý, theo dõi và giám sát việc dạy và học trong suốt quá trình giáo dục.
Vì vậy, việc quản lý toàn diện học sinh được quan tâm đặc biệt, đảm bảo rèn luyện ý thức, tu dưỡng đạo đức, kỷ luật học đường, lối sống, nền nếp, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp để học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực.
“Với những em có hoàn cảnh khó khăn được miễn giảm học phí theo quy định. Học sinh học bán trú 2 buổi/ngày và có hệ thống xe đưa đón. Các em được mượn sách giáo khoa lớp 10, 11, 12 miễn phí trong quá trình học tập. Nhà trường đã liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp để hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Đồng thời tư vấn, giới thiệu cho các em việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, có cơ hội thăng tiến hoặc học tiếp trình độ cao hơn”, PGS. TS Ngô Kim Khôi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội nói.
Tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, công tác tuyển sinh được triển khai trên các nền tảng số và truyền thông từ năm học 2022 - 2023. Học sinh lớp 12 có nhu cầu học nghề sau khi tốt nghiệp THPT có thể đăng ký xét tuyển sớm vào trường.
Sau khi hoàn thành chương trình THPT, các em nộp thêm học bạ và được xét tuyển. Để thu hút thí sinh, nhà trường hỗ trợ kinh phí nhập học và một phần học phí dành cho học sinh đăng ký và nộp hồ sơ trước tháng 7. Thí sinh có kết quả học tập THPT đạt loại Khá trở lên, điểm thi tốt nghiệp THPT trên 18 đều được học bổng, mức hỗ trợ ít nhất là 500 nghìn đồng/đợt.