Tuyển dụng giảng viên, cách nào thu hút người tài?

GD&TĐ - Hàng loạt trường đại học (ĐH) tuyển dụng giảng viên để bổ sung nhân sự, chuẩn bị cho năm học mới.

Giảng viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: Mạnh Tùng
Giảng viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: Mạnh Tùng

Thu nhập cao, môi trường làm việc tốt được các trường chú trọng để thu hút, giữ chân người giỏi.

Rầm rộ tuyển dụng

Cuối tháng 6, Trường ĐH Tôn Đức Thắng ra thông báo tuyển dụng nhân sự đợt 2 năm 2023 ở cả 3 khối giảng dạy, nghiên cứu và hành chính. Trong đó, riêng khối giảng dạy cần tuyển hơn 160 giảng viên, giảng viên cơ hữu 2 hoặc cố vấn. Những nhân sự này được bố trí cho 16 khoa, phân hiệu và các trung tâm.

Trong đó, riêng khoa Quản trị kinh doanh cần tuyển 44 giảng viên, giảng viên cơ hữu 2. Tiêu chuẩn chung của giảng viên là trình độ từ thạc sĩ trở lên, phù hợp với ngành, chuyên ngành dự tuyển. Trường ưu tiên cho ứng viên có khả năng nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm giảng dạy tại các trường đại học, từng công bố bài báo quốc tế ISI/Scopus, tốt nghiệp ở nước ngoài.

Mới đây, Trường ĐH Mở TPHCM ra công bố kết quả tuyển dụng giảng viên và chuyên viên năm 2023. Theo đó, trong số 57 ứng viên, nhà trường gọi trúng tuyển 12 người. Trước đó, nhà trường đăng thông tin tuyển dụng với nhu cầu 30 nhân sự, trình độ thạc sĩ làm giảng viên cho các khoa Tài chính – Ngân hàng, Kinh tế và Quản lý công, Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ, Luật…

Ngoài yêu cầu trình độ thạc sĩ, nhà trường ưu tiên cho ứng viên tốt nghiệp nước ngoài hoặc tiến sĩ. Trường ĐH Mở TPHCM cũng đề cao ứng viên dày dạn kinh nghiệm giảng dạy, làm việc ở các trường đại học, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước; có công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước được công nhận.

Tương tự, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cũng tuyển nhiều giảng viên thuộc các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Tài chính, Quan hệ quốc tế, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông. Trong đó, một số vị trí việc làm, trường ưu tiên các ứng viên có ít nhất 1 năm kinh nghiệm đứng lớp và có thể giảng dạy được bằng tiếng Anh.

Cũng tại TPHCM, Trường Đại học Văn Lang tuyển dụng hàng loạt giảng viên các khoa Răng Hàm Mặt, Y, Dược, Du lịch, Mỹ thuật và Thiết kế, Kỹ thuật ô tô, Môi trường, Kiến trúc, Kỹ thuật Y học, Điều dưỡng, Kỹ thuật cơ - điện và máy tính, Kỹ thuật hàng không. Thời gian nhận hồ sơ của trường đến 30/8.

Theo đại diện các trường đại học, việc tuyển dụng giảng viên trong giai đoạn này nhằm chuẩn bị cho năm học mới. Nhân sự được tuyển sẽ “trám chỗ” những giảng viên đến tuổi nghỉ hưu hoặc mới thôi việc. Một số trường tuyển thêm giảng viên do tăng quy mô tuyển sinh, đào tạo. Chẳng hạn, cùng với việc đổi tên, Trường ĐH Công Thương TPHCM (HUIT) tuyển sinh hơn 6.300 sinh viên cho khóa mới, mở thêm 3 ngành học mới (Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu).

TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng HUIT cho biết, trường sẽ tuyển thêm giảng viên ở một số ngành thuộc lĩnh vực Kinh doanh và quản lý, Ngôn ngữ, Du lịch. Như các trường đại học khác, HUIT yêu cầu trình độ giảng viên từ thạc sĩ trở lên, trong đó sẽ ưu tiên người có bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài hoặc trình độ tiến sĩ.

Ngoài các trường kể trên, hàng loạt trường đại học khác thông báo tuyển dụng giảng viên ở nhiều khoa, ngành như: ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng…

Giảng viên Trường ĐH Văn Lang trong tiết học thực hành. Ảnh: VLU

Giảng viên Trường ĐH Văn Lang trong tiết học thực hành. Ảnh: VLU

Đãi ngộ tốt

TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng HUIT cho biết, bên cạnh nhu cầu tuyển dụng nhân lực đạt chuẩn, trường luôn muốn là điểm đến của các nhà khoa học, giảng viên có năng lực, trình độ để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. HUIT luôn có chính sách thu hút, ưu đãi người tài trong việc tuyển dụng.

Cụ thể, nhà trường hỗ trợ chế độ đãi ngộ ban đầu khi giảng viên nhận công tác với 75 triệu đồng dành cho người có trình độ tiến sĩ, 100 triệu đồng với giảng viên có học hàm phó giáo sư, 150 triệu đồng với giáo sư. Các khoản thu nhập hằng tháng của giảng viên cũng có hệ số, thu nhập tăng thêm dựa theo trình độ. Trình độ càng cao, thu nhập càng tăng. Theo ông Thanh, thu nhập giảng viên với trình độ tiến sĩ và thâm niên trên 5 năm khoảng 35 - 40 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Theo đó, người có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus ở phân hạng Q1 sẽ được thưởng ngay 75 triệu đồng; bài trên tạp chí Q2 được được thưởng 50 triệu đồng. Những giảng viên có thế mạnh về nghiên cứu, viết bài báo khoa học có thể được bố trí giảm định mức giờ dạy tiêu chuẩn.

Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt cũng là cách nhiều trường sử dụng để thu hút, giữ chân giảng viên giỏi. Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH), tính bình quân theo tháng, giảng viên có trình độ thạc sĩ, thâm niên từ 3 năm trở lên có thu nhập ở mức 30 - 35 triệu đồng. Với giảng viên có bằng tiến sĩ, mức này là 35 - 40 triệu đồng; phó giáo sư 55 - 65 triệu đồng; giáo sư 60 - 70 triệu đồng. Về khoản khen thưởng, phúc lợi, giảng viên UEH được hưởng 14 suất phúc lợi các dịp lễ, Tết tương đương 21 triệu đồng/năm.

Tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TPHCM), thu nhập bình quân mỗi tháng của giảng viên trình độ thạc sĩ khoảng 25 triệu đồng/tháng, tiến sĩ 35 triệu đồng/tháng, phó giáo sư khoảng 45 triệu đồng/tháng. Giảng viên được trường hỗ trợ sắp xếp chỗ ở tại nhà công vụ, bố trí xe đưa đón từ nội thành đến trường.

Không nêu con số cụ thể, song thu nhập của giảng viên Trường ĐH Hoa Sen (HSU) được Hiệu trưởng - PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy khẳng định là “cạnh tranh” với các trường khác. Chính sách thu hút giảng viên của HSU khá linh hoạt. Trường chia làm 2 nhóm khi tuyển dụng giảng viên: Chuyên về giảng dạy hoặc chuyên về nghiên cứu.

Trong quá trình làm việc, giảng viên có thể đăng ký hướng chuyên sâu của mình trong năm học. Nếu giảng viên có nhu cầu làm nghiên cứu khoa học để được phong hàm phó giáo sư, nhà trường sẽ giảm hạn mức giờ dạy học, hoạt động khác để thầy cô có thêm thời gian. Với các chính sách thu hút nhân tài, HSU đặt mục tiêu trong 2 năm tới, 35% tổng số giảng viên sẽ có trình độ từ tiến sĩ, 20% giảng viên có học hàm phó giáo sư hoặc giáo sư.

PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cho biết, Trường ĐH Hoa Sen sẽ chú trọng tuyển dụng giảng viên có khả năng giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh để nâng cao chất lượng nhiều chương trình đào tạo. Ba tiêu chí ưu tiên khi trường tuyển dụng gồm: Tốt nghiệp ở nước ngoài, kinh nghiệm ứng dụng chuyên môn trong thực tiễn, học vị (thạc sĩ, tiến sĩ). Ngoài ra, Hiệu trưởng cũng có chính sách thu hút nhân sự riêng nếu thấy các ứng viên xuất sắc, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.