Luồng gió mới trong công tác truyền thông tuyển sinh đại học

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH đã phân tích kết quả tuyển sinh của những năm trước và dữ liệu của các trường THPT...

Các hoạt động nghiên cứu khoa học, trình diễn sản phẩm sáng tạo của sinh viên được tổ chức ở trường phổ thông là hình thức mới trong tạo nguồn và quảng bá tuyển sinh.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, trình diễn sản phẩm sáng tạo của sinh viên được tổ chức ở trường phổ thông là hình thức mới trong tạo nguồn và quảng bá tuyển sinh.

Từ đó khoanh vùng đối tượng cần truyền thông phục vụ tuyển sinh. Ngoài ra, công tác tư vấn được trường đại học tiến hành rải đều trong năm và từ lớp 10 chứ không chỉ dừng lại ở học sinh lớp 12.

Al vào tuyển sinh

Hầu hết, cơ sở giáo dục đại học đều có trang web, cổng thông tin riêng dành cho tuyển sinh. Theo kết quả dữ liệu phân tích 24 cuộc phỏng vấn chuyên viên truyền thông các trường đại học tại Việt Nam của nhóm giảng viên Đặng Thị Việt Hòa, Nguyễn Yến Nhi, Nguyễn Phương Thảo, Lý Lê Tường Minh thuộc Trường ĐH Hà Nội và ĐH Văn Lang thì công cụ truyền thông tuyển sinh hiện nay, ngoài trang web còn có mạng xã hội và các ấn phẩm.

24 trường đại học được khảo sát đều có fanpage Facebook và đa phần đã làm thủ tục để có tích xanh, đảm bảo tài khoản chính thống. Youtube, Instagram và Zalo được sử dụng ít hơn, chủ yếu ở trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, như nhận xét của PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội), dù kế hoạch truyền thông của trường có số lượng tương tác lớn, nhưng chủ yếu dựa trên tương tác tự nhiên. Nghĩa là, những học sinh thực sự quan tâm sẽ chủ động tìm kiếm thông tin về ĐH Bách khoa Hà Nội và tương tác. Chưa có sự chủ động tìm kiếm, đưa thông tin đến tệp khách hàng mục tiêu từ phía trường.

Ngoài ra, theo PGS.TS Lê Hiếu Học, việc chỉ tiếp cận học sinh, phụ huynh tại các sự kiện truyền thông tuyển sinh không đạt được độ phủ thông tin do sự kiện này đông người, diễn ra trong thời gian ngắn. Hơn nữa, việc truyền thông và tham gia sự kiện không gắn với việc thu thập thông tin học sinh, phụ huynh tham dự, tiếp cận.

Vì vậy, vừa không giúp có dữ liệu về học sinh quan tâm để tiếp tục tư vấn, thuyết phục cũng như đẩy thông tin tuyển sinh, vừa không có căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông và tham gia các sự kiện. Hoạt động tư vấn tuyển sinh mới chỉ dừng lại ở việc trả lời các tin nhắn, bình luận trên fanpage. Không có hoạt động bám đuổi, hướng dẫn và trao đổi.

Trước thực trạng trên, Viện Sư phạm Kỹ thuật đã thay đổi chiến thuật truyền thông tuyển sinh, bắt đầu từ phân tích dữ liệu của sinh viên trúng tuyển các năm trước để xác định đối tượng mục tiêu của ngành công nghệ giáo dục.

“Từ kết quả phân tích, chúng tôi xác định đối tượng cho hoạt động quảng cáo của mình bao gồm: Học sinh tuổi từ 17 - 20 tuổi, có sở thích công nghệ, game, quan tâm đến giáo dục, ở các thành phố lớn, huyện thị trung tâm; phụ huynh ở độ tuổi 40 - 55 tuổi. Ngoài ra còn có giáo viên THPT ở các trường mà nhóm học sinh mục tiêu đang học”, ông Lê Duy Thành, phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết.

Ngoài tiếp thị truyền thông tuyển sinh qua mạng xã hội, Viện Sư phạm Kỹ thuật đã sử dụng các chiến dịch tiếp thị qua email, quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, khai thác và tận dụng nội dung do người dùng tạo nên… Nhờ vậy, số lượt tiếp cận trang fanpage của Viện tăng rất nhiều trong giai đoạn triển khai, chỉ từ 779 lượt tiếp cận (ngày 9/5/2023) lên đến 34.240 lượt tiếp cận (ngày 19/5). Tổng lượt tiếp cận trong tháng 5 tăng 914 lần so với 1 tháng trước đó.

Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) cùng tham gia trải nghiệm các hoạt động STEM tại Triển lãm do Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và Sở GD&ĐT Quảng Nam phối hợp tổ chức.

Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) cùng tham gia trải nghiệm các hoạt động STEM tại Triển lãm do Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và Sở GD&ĐT Quảng Nam phối hợp tổ chức.

Tư vấn sớm để đón đầu tuyển sinh

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Khoảng 5 năm trở lại đây, phụ huynh đã có thay đổi nhiều trong hướng nghiệp cho con em mình. Việc lựa chọn ngành nghề chủ yếu dựa trên sở thích, năng lực của con cũng như xu thế tuyển dụng nhân lực của xã hội.

Vì vậy, gần như công tác hướng nghiệp, những thông tin đào tạo của các trường phải “rải đều” quanh năm chứ không chỉ chờ đến đợt học sinh lớp 12 THPT làm hồ sơ mới bắt đầu tiếp cận. Bởi vậy, tư vấn tuyển sinh trực tuyến sẽ là hình thức tư vấn hiệu quả và được các trường đại học duy trì lâu dài”.

Các cơ sở giáo dục đại học khối kỹ thuật đã có sự kết nối chặt chẽ với trường phổ thông để tạo điều kiện cho học sinh có trải nghiệm sâu trong tư vấn hướng nghiệp. Từ năm 2022, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã kết hợp với các Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... để triển khai các dự án STEM với học sinh các trường THPT.

Em Lê Quốc, cựu học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) kể: “Đầu năm lớp 11, em dự định sẽ theo học ngành Công nghệ thông tin. Nhưng sau khi tham gia sự kiện trình diễn robot, xem mô hình và sản phẩm của các anh chị sinh viên trưng bày trong hoạt động tại trường và một số trường phổ thông lân cận, em bắt đầu tìm hiểu thêm thông tin các ngành kỹ thuật. Thú vị nhất là em được các anh chị sinh viên hướng dẫn làm một số trình diễn đơn giản. Từ đó, em quyết định xét tuyển vào ngành Tự động hóa và cơ khí”.

Tương tự, Khoa Sinh – Môi trường, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã kết nối với các trường phổ thông tại TP Đà Nẵng để học sinh khối lớp 10 được trải nghiệm một số tiết thực hành tại phòng thí nghiệm của nhà trường.

Bài học về Công nghệ nuôi cấy mô thực vật; Công nghệ nuôi cấy tảo; Công nghệ nuôi cấy vi sinh cũng như ứng dụng thực tiễn của mỗi công nghệ với học sinh lớp 10 không chỉ gói gọn ở lý thuyết hay xem qua thí nghiệm ảo mà các em còn được tự thực hiện từng bước nuôi cấy tế bào mô thực vật, tế bào tảo và nuôi cấy vi sinh vật trong phòng thí nghiệm hiện đại.

Tạo điều kiện cho học sinh phổ thông trải nghiệm sớm với môi trường đại học thông qua việc tiếp cận hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm... là hướng mới mà nhiều cơ sở giáo dục đại học hướng đến để đạt mục tiêu kép, vừa tạo nguồn tuyển sinh vừa quảng bá hình ảnh.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Kết quả khảo sát thông tin khi sinh viên làm thủ tục nhập học cho thấy, phần lớn trước khi làm hồ sơ xét tuyển đại học đều tìm hiểu thông tin từ website, fanpage của trường. Cùng với việc tham gia tư vấn tuyển sinh trực tiếp, những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh tư vấn trực tuyến với sự tham gia của giảng viên cốt cán các khoa. Nhờ vậy, học sinh được tư vấn chuyên sâu về ngành nghề dự định theo học. Có những ngành đầu ra rất rộng nhưng không phải thí sinh nào cũng có đầy đủ thông tin. Vì vậy, việc duy trì kênh tư vấn trực tuyến sẽ hỗ trợ rất tốt cho thí sinh trong tư vấn chuyên sâu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ