Mọi phương án tuyển sinh đều hướng đến nhu cầu và lợi ích người học |
(GD&TĐ) - Vui mừng, phấn khởi khi biết được thông tin về Dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh, nhưng ngay sau đó, Hiệu trưởng các trường ĐH lại có những phân tích khác nhau về Dự thảo trên cơ sở những điều kiện thực tiễn của trường mình. Dù là trường ĐH công lập hay ngoài công lập, cảm nghĩ chung là thận trọng!
PGS.TS Hoàng Văn Cẩn |
“Chuyện tuyển sinh là vấn đề mang tính quốc gia nên phải rất thận trọng và sự thận trọng của Bộ GD&ĐT nằm trong quy định tại dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ đang được lấy ý kiến rộng rãi” – khẳng định của PGS.TS Hoàng Văn Cẩn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh.
Cho rằng, không nên quá lo lắng về chất lượng đầu vào khi các trường tự chủ tuyển sinh, PGS.TS Hoàng Văn Cẩn lý giải: Trong Dự thảo đã quy định rất rõ trường muốn tuyển sinh riêng phải trình được đề án phù hợp. Nội dung đề án yêu cầu làm rõ rất nhiều yếu tố, khẳng định trường có thể tự tuyển sinh.
Trong đó có môn thi, hình thức thi, lực lượng giáo viên ra đề và chấm thi, coi thi; điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển; công tác thanh tra, giám sát; nguồn lực thực hiện đề án; phân tích các yếu tố đảm bảo chất lượng và sự công bằng của phương án thi, tuyển sinh đề xuất trong đề án...
Trường chỉ có thể tự tuyển sinh nếu đề án được thông qua, không phải trường nào thích là có thể được tuyển sinh riêng. Điều đó chính là để đảm bảo công bằng, cũng là đảm bảo chất lượng.
Cũng không băn khoăn trước quy định các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi “3 chung”, PGS.TS Hoàng Văn Cẩn bày tỏ quan điểm: Quy định này không có ý ngăn cản, làm khó các trường mà là để đảm bảo tính khoa học, công bằng, bình đẳng.
Bên cạnh đó, Bộ còn gợi ý trường tuyển sinh riêng có thể trên cơ sở môn thi, điều kiện thi, điểm thi để dùng chung kết quả. Với tư cách cá nhân, cũng như lãnh đạo một trường ĐH sư phạm – một người làm công tác đào tạo, lo tuyển sinh lâu năm, tôi cho quy định này hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo của một trường sư phạm đầu ngành cũng lưu ý, với việc hình thành các “nhóm 3 chung”, sẽ là hợp lý với các nhóm ngành gần nhau và chất lượng tuyển sinh tương đồng. Nếu không, hoàn toàn không nên cho phép, bởi điều đó là thiếu khoa học, thiếu bình đẳng.
Riêng với những ngành đặc thù, trong đó có các trường sư phạm, phải có phương án tuyển sinh riêng và không được phép liên thông.
Đề cập đến nỗi lo lớn nhất của các trường khi tuyển sinh riêng là đề thi, PGS.TS Hoàng Văn Cẩn khuyến cáo: Nếu các trường không thể tự ra đề thì cũng phải có những quy định giống như việc mở mã ngành.
Nghĩa là, phải báo cáo với Bộ GD&ĐT và Bộ sẽ chỉ định trường nào ra đề để đảm bảo tính bí mật, khách quan, không nên để tình trạng trường tùy ý “thuê” trường khác ra đề một cách tràn lan.
Riêng đối với Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Hoàng Văn Cẩn cho biết sẽ chung thủy với “3 chung” theo lộ trình 3 năm của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, trường cũng bắt đầu xây dựng lộ trình tuyển sinh riêng và việc xây dựng sẽ thật cẩn thận, chắc chắn.
“Như Luật Giao thông, người tham gia giao thông phải biết đường đi, tín hiệu và khi đã chấp hành nghiêm luật lệ, anh được tự do trong quy định chứ không phải là thích làm gì thì làm. Việc tuyển sinh cũng vậy, nhưng còn quan trọng hơn vì vấn đề này liên quan đến tương lai, con đường lập nghiệp...” PGS.TS Hoàng Văn Cẩn |
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)