Ngoài chương trình cho toàn bộ học sinh khối lớp 9, các trường THCS còn tiến hành tư vấn theo nhóm đối tượng dựa trên năng lực học tập, điều kiện kinh tế… của phụ huynh.
Bảo đảm “hệ số an toàn”
Dù chưa đến thời điểm làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10 cho con nhưng chị Phan Thị Thắng (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã tìm hiểu các thông tin liên quan đến kỳ thi. Em Võ Hồng Hải Đăng – con trai chị Thắng có học lực ở mức khá. Theo tư vấn của cô giáo chủ nhiệm, nguyện vọng 1, Hải Đăng có thể ưu tiên chọn trường THPT mà em yêu thích. Nhưng với nguyện vọng 2, cần chọn trường có mức điểm trúng tuyển ở những năm trước thuộc tốp giữa. Tuy nhiên, chị Thắng rất phân vân. Nếu như chọn nguyện vọng 1 thuộc trường tốp giữa và nguyện vọng 2 dành cho trường tốp dưới thì hệ số an toàn sẽ cao hơn.
Chị Lưu Thị Hải Đường (trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) kể: “Năm 2021, thời điểm Sở GD&ĐT Đà Nẵng công bố số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các trường THPT, gia đình tôi phải cân nhắc rất nhiều việc có nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển hay không.
Cả nguyện vọng 1 và 2, con tôi đều chọn vào trường có điểm trúng tuyển cao nhất nhì của thành phố trong nhiều năm qua là Trường THPT Phan Châu Trinh và Hoàng Hoa Thám. Nếu giữ nguyên thì sẽ rất mạo hiểm. Cuối cùng, cháu giữ nguyên nguyện vọng 1 và chọn nguyện vọng 2 vào một trường THPT công lập tốp giữa. Kết quả xét tuyển, cháu đỗ vào trường nguyện vọng 2”.
Tại Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gần như năm nào cũng có 10 – 15 học sinh có đơn xin điều chỉnh nguyện vọng sau khi có thống kê số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập. “Thường có hai hướng điều chỉnh. Một số em thay đổi nguyện vọng 1 theo hướng “rút” khỏi trường có điểm trúng tuyển hàng năm thuộc loại cao nhất nhì như Trường THPT Phan Chu Trinh để xin chuyển qua một số trường như Trần Phú, Thái Phiên…
Xu hướng thứ 2 là các em vẫn giữ nguyên nguyện vọng 1 là Trường THPT Phan Châu Trinh và thay đổi nguyện vọng 2. Số học sinh này chọn nguyện vọng 2 là các trường được cho là tốp giữa, có điểm trúng tuyển hàng năm thấp hơn các Trường THPT Trần Phú, THPT Hoàng Hoa Thám, THPT Hòa Vang. Đây được xem là giải pháp an toàn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào lớp 10”, thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Tư vấn chuyên sâu
Trường THCS Huỳnh Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã xây dựng kế hoạch tư vấn hướng nghiệp cho học sinh – phụ huynh khối lớp 9 trong tháng 4. Chương trình tư vấn sẽ do các trường đào tạo nghề trên địa bàn phối hợp tổ chức. Theo thầy Trương Công Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, đây là “vòng 1” của đợt hướng nghề cho học sinh lớp 9.
Trước khi học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10, nhà trường sẽ tổ chức tư vấn kỹ cho phụ huynh và học sinh theo từng nhóm nhỏ chọn trường dựa trên phân tích kết quả học tập của học sinh. Vì vậy, gần như hồ sơ đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập của nhà trường không có sự điều chỉnh lớn. Bình quân mỗi năm, Trường THCS Trần Đại Nghĩa có khoảng 40 – 50 em không đăng ký dự thi vào lớp 10 mà chọn theo học nghề.
Sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, UBND các phường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đều tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại với phụ huynh những học sinh không đủ điểm vào các trường công lập. Tham gia buổi đối thoại còn có cả trường THCS nơi học sinh vừa tốt nghiệp. Thầy Sơn cho biết: Nội dung của buổi gặp, ngoài tìm hiểu hoàn cảnh, kinh tế gia đình, nguyện vọng muốn được tiếp tục đi học hay học nghề, còn mời các trường trung cấp, trường nghề tham gia tư vấn cho phụ huynh. Nếu điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn, học sinh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía trường nghề và cả địa phương trong quá trình theo học.
Anh Võ Văn Phụ (trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) kể: “Cách đây 4 năm, con trai tôi không đủ điểm vào lớp 10, gia đình định cho cháu theo học tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhưng chưa làm hồ sơ thì bên trường dạy nghề về tận xã để vận động cháu theo học. Cha con tìm hiểu thì thấy học sửa chữa ô tô dễ kiếm việc làm hơn cả. Cháu cũng thích học nên tôi đồng ý luôn. Con vừa học xong lớp 9, cho đi học nghề cũng thấy thương. Nhưng trường có dạy hoàn thiện bổ túc văn hóa, học cũng nhẹ nhàng nên phù hợp với cháu”.
Ra trường, con trai của anh Phụ có ngay việc làm, thu nhập ban đầu cũng gần 10 triệu/tháng. “Tôi mừng lắm, con mình tiếp thu hạn chế, không theo học văn hóa được mà có công việc ổn định, chưa chắc một số cháu học đại học xong đã có được” – anh Phụ nói.