Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh: Thời điểm “vàng”

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, chọn nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Vì thế, lựa chọn sai ngành nghề có thể dẫn đến những hệ lụy cho người học.

Chọn cho mình nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Ảnh: TG
Chọn cho mình nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Ảnh: TG

Do đó, các trường THPT và cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là các em lớp 12.

Chú trọng thời gian “vàng”

Nhận định, đang là thời gian “vàng” để đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, thầy Nguyễn Văn Tập - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) - cho biết, nhà trường khảo sát sơ bộ về nhu cầu học đại học, học nghề của học sinh lớp 12. Từ đó, thầy, cô giáo có cơ sở để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em được tốt hơn.

Nhà trường tổ chức tư vấn cho học sinh bằng nhiều hình thức: Thông qua giáo viên chủ nhiệm trong các tiết sinh hoạt lớp, chương trình phát thanh của Đoàn Thanh niên. Ngoài ra, Ban giám hiệu trực tiếp tư vấn cho học sinh thông qua các buổi chào cờ. “Nhiều năm nay, chúng tôi thành lập tổ tư vấn hỗ trợ học sinh định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Tổ tư vấn đã phát huy hiệu quả, được phụ huynh, học sinh tin tưởng. Thời điểm này, các thành viên trong tổ có kế hoạch đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12”, thầy Tập chia sẻ.

Khẳng định, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng với học sinh, nhất là với những em đang học lớp 12, thầy Đặng Trần Phong – Hiệu trưởng Trường THPT Hóa Châu (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) - cho hay, công tác này được nhà trường triển khai ngay từ đầu năm học. Tuy nhiên, thời điểm này là giai đoạn “vàng” để tư vấn, hướng dẫn các em làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học trước. Do đó, bất kỳ có thông tin gì liên quan đến tuyển sinh, nhà trường cập nhật và phổ biến ngay cho học sinh, để các em có cơ sở lựa chọn ngành nghề đúng và trúng.

Các chuyên gia cho rằng, lựa chọn nghề nghiệp rất quan trọng vì công việc là một phần của cuộc sống. Công việc giúp chúng ta cảm thấy mình có giá trị, sống ý nghĩa, đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Sai lầm trong lựa chọn nghề nghiệp gây nên những hệ lụy như: Thất nghiệp, không phát triển nghề nghiệp, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc…

Nhiều năm làm trong lĩnh vực giáo dục, ThS Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) - nhận thấy, một số sinh viên rất hứng thú, say mê với ngành học. Các em chọn đúng ngành học nên phát huy được năng lực, sở trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều sinh viên băn khoăn, hoang mang, không cảm thấy vui, hứng thú với ngành nghề mình đang học.

“Tại Trường ĐH Gia Định, chúng tôi luôn có khảo sát hằng năm. Nhiều sinh viên học một vài năm hoặc khi ra trường phải đi học ngành khác. Các em mắc phải sai lầm khi chọn nghề như: Coi nhẹ sự lựa chọn nghề nghiệp, chọn nghề không đúng năng lực, tính cách bản thân, đánh giá thấp ngành học, chọn ngành học theo số đông, chọn nghề theo sự áp đặt của gia đình, rủ rê của bạn bè…” - ThS Trịnh Hữu Chung trao đổi.

Đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trong thời gian “vàng”. Ảnh: TG
Đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trong thời gian “vàng”. Ảnh: TG

Chữ ký quyết định cuộc đời

Lãnh đạo Trường ĐH Gia Định cho rằng, chọn sai ngành nghề không chỉ lãng phí chất xám, mà còn khiến bản thân không phát huy hết năng lực, tố chất, gây ra tâm lý chán nản, thiếu quyết tâm và động lực để học tập, làm việc sau này. “Các em cũng đừng nghĩ rằng, chỉ cần bằng đại học là xong. Nghề nghiệp theo chúng ta suốt cuộc đời. Vì thế, chẳng ai mong muốn mỗi ngày phải sống và làm việc trong sự gượng ép, khó chịu”, ThS Trịnh Hữu Chung nhắn nhủ.

Theo TS Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM, còn ít tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học. Các em sẽ phải đặt bút ký lựa chọn ngành nghề. “Thông thường mỗi chữ ký có giá 30.000 đồng/nguyện vọng xét tuyển. Nhưng đằng sau chữ ký, các em đã và đang quyết định cả tương lai của mình” – TS Bình nhấn mạnh, đồng thời cho hay: Chỉ có nghề nghiệp mới gắn bó với các bạn cả cuộc đời. Nếu chọn đúng nghề sẽ tạo ra nhiều giá trị trong công việc và cuộc sống của mình.

Gợi ý việc lựa chọn đăng ký xét tuyển ngành nghề, TS Bình trao đổi: Điều đầu tiên là phải xác định rõ đam mê của mình. Sai lầm của nhiều học sinh là khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học lại đi hỏi người khác về đam mê. Đam mê phải nằm trong tim mình. “Nhưng đam mê mà thiếu năng lực có thể trở thành u mê. Vậy để thành công phải có: Đam mê + năng lực + nỗ lực”, TS Bình nói.

Nhấn mạnh, trong bối cảnh Covid-19 một số ngành nghề liên quan đến kinh tế vẫn có xu hướng phát triển, ThS Trịnh Hữu Chung viện dẫn: Ngành thương mại, tài chính, nhất là lĩnh vực ngân hàng và thương mại điện tử vẫn có độ “hot”. Ngoài ra, còn có ngành dịch vụ, một số ngành liên quan đến truyền thông… cũng được nhiều thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, một trong những yếu tố cần quan tâm để quyết định đăng ký ngành nghề mà mình theo học là, nhu cầu nhân lực ở địa phương.

“Khi định hướng nghề nghiệp được tổ chức tốt, các em sẽ nhận thức được tầm quan trọng của lựa chọn nghề nghiệp. Từ đó, có lựa chọn đúng ngành nghề ngay từ đầu, giúp các em phát huy năng lực, sở trường của mình. Chỉ có “lành nghề”, dù là nghề gì, sự xuất sắc trong nghề là yếu tố quyết định đưa tới thành công. Vì thế, chọn nghề có thể nói là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Chọn cho mình nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai”, ThS Trịnh Hữu Chung khuyến nghị.

Theo ThS Trịnh Hữu Chung, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phải chú trọng cách tư vấn sao cho phù hợp, hướng dẫn cho các em có kế hoạch, sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ví dụ, tháng mấy các em nghiên cứu, tìm hiểu về ngành nghề; tháng nào nghe ngóng thông tin truyền thông… “Tôi nghĩ thời điểm này phù hợp để tư vấn cho học sinh, giúp các em tìm hiểu về ngành nghề, sở thích, sở trường để chọn đúng ngành, đúng nghề. Sau đó, đến tháng 3, các em đặt bút làm hồ sơ là phù hợp, vì đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng”, ThS Chung nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.