Hoạt động giáo dục, hướng nghiệp: Trải nghiệm ảo, lợi ích thật

GD&TĐ - Năm học này, lần đầu tiên các trường THCS trên cả nước triển khai Hoạt động giáo dục, hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tham gia trải nghiệm nghề thực tế tại Trường Cao đẳng Dầu khí. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tham gia trải nghiệm nghề thực tế tại Trường Cao đẳng Dầu khí. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh (HS) nhiều tỉnh thành phải học online từ đầu năm học nên triển khai Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gặp không ít khó khăn.

Nỗ lực vượt khó

Tại huyện Châu Thành, An Giang, các trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó có tổ chức dạy các môn học và hoạt động trải nghiệm với khối 6. Số tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm là 105; thực hiện qua 4 loại hình gồm: Sinh hoạt dưới cờ do đại diện ban giám hiệu, tổng phụ trách thực hiện (35 tiết), sinh hoạt lớp do giáo viên (GV) chủ nhiệm thực hiện (35 tiết), hoạt động giáo dục theo chủ đề và sinh hoạt theo câu lạc bộ (35 tiết), tùy tình hình thực tế của đơn vị có thể phân công GV chủ nhiệm hoặc một số GV phụ trách.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Chí Thành, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, do dịch bệnh, nhằm giảm áp lực cho HS trong quá trình học trực tuyến, số tiết/ngày/tuần có giảm, nên nội dung sinh hoạt dưới cờ đến nay chỉ được các trường thực hiện 2 lần cho toàn khối lớp 6. Riêng tiết sinh hoạt lớp và hoạt động giáo dục theo chủ đề, hầu hết các trường xếp 2 tiết liền với thời gian khoảng 50 phút.

Trong quá trình tổ chức sinh hoạt, hoạt động giáo dục, hầu hết các trường đều tổ chức bằng hình thức trực tuyến và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, do tổ chức dạy trực tuyến nên dẫn tới một số khó khăn, như: Hầu hết các trường chưa dạy đủ số tiết, chủ yếu ở hoạt động sinh hoạt dưới cờ; hoạt động trải nghiệm khá mới nên GV giảng dạy còn lúng túng. GV không truyền tải hết các nội dung kiến thức của từng chủ đề do số tiết chỉ thực hiện khoảng 25 - 30 phút. HS không tương tác nhiều với GV, GV không nắm được cảm xúc, phản xạ của HS; GV không tìm hiểu, đánh giá được mức độ tiếp thu của HS.

Để triển khai Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Sở GD&ĐT Cà Mau hướng dẫn các trường tổ chức dạy học những nội dung kiến thức căn bản, cốt lõi theo yêu cầu, mức độ cần đạt của chương trình; chỉ đạo xây dựng kế hoạch và phân công GV dạy, phối hợp với phụ huynh để giao một số nội dung có thể tham gia hỗ trợ. Tăng cường kiểm tra thuyết trình đối với kiểm tra, đánh giá thường xuyên; khuyến khích cơ sở giáo dục chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thu hoạch, dự án học tập bảo đảm yêu cầu cần đạt và điều kiện thực tế.

Chia sẻ kết quả thực hiện qua theo dõi và báo cáo đến thời điểm hiện tại, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc hướng dẫn, quy định của ngành, cơ bản hoàn thành nội dung chương trình học kỳ I năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn như: Hình thức tổ chức hoạt động chủ yếu theo hướng dẫn trực tuyến của GV, HS làm việc cá nhân và sự hỗ trợ của phụ huynh; chưa tổ chức theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường và được tổ chức trong và ngoài lớp học, trường học.

Ông Nguyễn Minh Nhiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh, thì cho biết: Sở GD&ĐT đã tổ chức cho đội ngũ GV cốt cán về Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp xây dựng khung kế hoạch giáo dục để có thể tham khảo, dựa vào đó thiết kế các hoạt động của lớp học phù hợp với từng HS, điều kiện thực tiễn. Trong điều kiện dịch bệnh, các trường linh hoạt tổ chức dạy học theo hình thức “hai trong một” - kết hợp hiệu quả giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến.

Dù chưa thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại địa phương, nhưng sự linh hoạt trong thiết kế bài giảng, sáng tạo trong xây dựng nội dung đã tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong các tiết học. Việc gắn nội dung về gia đình, nhà trường, truyền thống địa phương được thầy cô đưa vào tình huống học tập, tạo sự gần gũi, thân thiện. Những khó khăn được khắc phục bởi sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của thầy cô giáo, để mỗi tiết học đều trở nên hấp dẫn với trò. 

Hoạt động trải nghiệm tại Trường THCS Ninh Xá, Bắc Ninh.
Hoạt động trải nghiệm tại Trường THCS Ninh Xá, Bắc Ninh.

Phải bảo đảm hoàn thành chương trình

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, ông Lê Hoàng Dự khẳng định ngành GD-ĐT Cà Mau sẽ chỉ đạo thực hiện tốt các phương án theo từng cấp độ dịch đã được hướng dẫn để tổ chức dạy học bảo đảm nội dung, chương trình, kế hoạch thời gian năm học. Ngành GD-ĐT tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn, địa phương rà soát, đánh giá cụ thể tình hình để từng bước đưa HS trở lại trường học trực tiếp. Với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, để triển khai tốt cần sự quan tâm chỉ đạo thực hiện qua các hình thức khác nhau, như: Sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt lớp chủ nhiệm, ngoài trường; học tập trải nghiệm, sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm sở thích; các hội thi, hội thảo; hoạt động tham quan thực tế…

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đổi mới phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện mục tiêu, nội dung chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp do GV tổ chức trong khuôn viên nhà trường, hoặc ngoài nhà trường từ khâu soạn giáo án đến tổ chức hoạt động đánh giá.

“Ngành Giáo dục cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh, các thành viên trong nhà trường và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động” - ông Lê Hoàng Dự cho hay.

Để thực hiện tốt Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại Châu Thành, ông Lâm Chí Thành cho biết: Thời gian tới, phòng GD&ĐT tiếp tục thông qua sinh hoạt hội đồng bộ môn tổ chức dự giờ các tiết hoạt động giáo dục theo chủ đề, các trường chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau qua tiết dự giờ. Thường xuyên nắm bắt thông tin thắc mắc liên quan đến tổ chức dạy Hoạt động trải nghiệm để kịp thời giải đáp, tháo gỡ.

Phòng GD&ĐT Châu Thành đồng thời hướng dẫn các trường tổ chức, bố trí dạy bù nội dung này (dạy theo chủ điểm), để bảo đảm đủ chương trình theo kế hoạch giáo dục của môn học. Tổ chức thực hiện dạy ngoài giờ lên lớp theo các chủ điểm; kết hợp tổ chức hoạt động ngoại khóa với hình thức trực tiếp cho HS theo kế hoạch hoạt động ngoại khóa năm học 2021 - 2022 của nhà trường. Cùng với đó, lồng ghép dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vào tiết sinh hoạt chào cờ như quy định; tổ chức ôn tập, nhận đánh giá nhận xét cuối kỳ theo nội dung các chủ điểm đã thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.