Hướng nghiệp trong trường học: Tạo niềm tin từ công việc, thu nhập của người học

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, lãnh đạo tỉnh Kon Tum yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá kết quả, mức thu nhập của học sinh sau khi ra trường.

Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tổ chức hướng nghiệp cho học sinh Trường THPT Duy Tân khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.
Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tổ chức hướng nghiệp cho học sinh Trường THPT Duy Tân khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.

Đồng thời, tổ chức chương trình giao lưu để những em thành công chia sẻ kinh nghiệm.

Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề còn ít

Ông Lê Hải Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei (Kon Tum), cho biết: Năm học 2019 - 2020 trên địa bàn huyện có 701 học sinh tốt nghiệp lớp 9 thì có 538/701 học sinh vào THPT, có 17/701 em học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 146/701 học sinh tham gia lao động sản xuất. Còn năm học 2020 - 2021 có 460/716 học sinh vào THPT, 84/716 em học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp và 172/716 học sinh tham gia lao động sản xuất.

Theo ông Lâm, công tác phân luồng học sinh sau THCS đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lên học THPT còn cao. Nguyên nhân do các em còn tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, một phần yêu cầu lao động xã hội còn mang nặng tâm lý phải tốt nghiệp THPT mới được coi là đủ trình độ văn hóa và thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh.

Ngoài ra, học sinh, phụ huynh cũng chưa tha thiết với phân luồng sau THCS khiến cơ cấu nhân lực trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Qua đó, dẫn đến người có trình độ cử nhân thì thất nghiệp hoặc không làm đúng chuyên môn, trong khi nhu cầu công nhân kỹ thuật lại thiếu nên không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khóa học 2018 - 2021, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đã tuyển sinh và đào tạo 1.674 học sinh, sinh viên. Trong đó có 959 học sinh trình độ trung cấp, 715 sinh viên học các ngành nghề trình độ cao đẳng.

Ông Lê Trí Khải – Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng: Hằng năm, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS không học chương trình THPT của địa phương tương đối lớn. Tuy nhiên, số em học nghề còn ít do nghỉ học hoặc tham gia lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo một số ngành, nghề chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Bởi, trang thiết bị thực hành, thực tập cho người học còn thiếu, lạc hậu và chưa tiệm cận với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Học sinh TP Kon Tum tham gia trao đổi trong chương trình hướng nghiệp.
Học sinh TP Kon Tum tham gia trao đổi trong chương trình hướng nghiệp.

Cần đánh giá hiệu quả sau hướng nghiệp

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, cho biết: Giai đoạn 2018 - 2021, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tư vấn định hướng nghề nghiệp bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho 113 trường THCS và 26 trường THPT với khoảng 30.000 lượt học sinh tham gia.

Cũng trong thời gian này, khoảng 80% trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh xây dựng các nội dung giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương có chất lượng. Bên cạnh đó, 100% trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã bố trí giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp, được tập huấn, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Không chỉ thế, từ năm 2018 - 2021 số học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT (hệ giáo dục phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên) chiếm khoảng 70%. Tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và trung cấp năm học 2018 - 2019 là 5%, năm học 2019 - 2020 là 4,94% và năm học 2020 - 2021 là 8,1%. So với mục tiêu Đề án 25% là chưa đạt, chuyển biến chậm. Đồng thời, cũng trong giai đoạn này, số học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm khoảng từ 3.700 đến 4.300 học sinh. Trong đó số học sinh vào đại học chiếm khoảng trên 50%, học sinh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng từ 15% - 16%. Tỷ lệ này so với mục tiêu Đề án 30%  cũng chưa đạt.

Về vấn đề này, bà Y Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các đơn vị liên quan cần linh động, phong phú trong công tác tuyển sinh để phù hợp với từng địa phương. Bên cạnh đó, phải tìm hiểu, nghiên cứu những ngành nghề đào tạo để phù hợp đặc thù và tình hình thực tế từng khu vực.

Bà Y Ngọc cũng yêu cầu, Sở GD&ĐT phối hợp với cơ quan ban ngành, UBND các huyện… đánh giá kết quả, mức thu nhập của học sinh sau khi ra trường trong 3 năm qua. Đồng thời, tổ chức chương trình giao lưu học sinh – sinh viên để những em thành công nhờ định hướng nghề nghiệp chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều học sinh khác. Từ đó, phụ huynh, học sinh tin tưởng vào công tác hướng nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.