(GD&TĐ)-Những ngành “hot” vốn được coi là tâm điểm lựa chọn của các thí sinh trong nhiều kỳ tuyển sinh có thể nhu cầu việc làm sẽ không còn cao trong những năm tới. Chính vì vậy, thí sinh cần tỉnh táo để lựa chọn ngành nghề phù hợp và đúng như cầu xã hội cần trong kỳ tuyển sinh tới đây.
Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh trước kỳ thi. Ảnh: gdtd.vn |
Nhiều ngành giảm nhiệt
Theo số liệu thống kê của tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai - Phó trưởng ban ĐH và Sau ĐH ĐHQG TP.HCM, năm 2010, trong số 488 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong cả nước, có đến 360 nơi đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 mở ngành Kế toán, 297 có ngành Công nghệ thông tin (CNTT), 269 đào tạo ngành Ngoại ngữ, 193 có ngành Tài chính - Ngân hàng… Trong đó, nhiều trường có ngành CNTT và Ngoại ngữ đang phải cố gắng duy trì đào tạo, thậm chí nhiều chuyên ngành Ngoại ngữ buộc phải đóng cửa vì không đủ thí sinh.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết trường có thể sẽ phải “đóng cửa” ngành Tiếng Pháp vì nhiều năm nay tuyển không đủ chỉ tiêu. Khẳng định ngoại ngữ là ngành khó tuyển, theo đại diện trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, với khối ngành ngoại ngữ nhà trường sẽ bổ sung thêm môn học Phương pháp giảng dạy 2 tín chỉ để thu hút người học. Cũng giải pháp tương tự, ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ mở rộng khối thi để thu hút thí sinh. Như ngành Ngôn ngữ Nga - Anh tuyển khối A, C, D (thay vì chỉ tuyển khối D1, D2); Ngôn ngữ Trung Quốc tuyển cả khối A, C (thay vì chỉ tuyển khối D1 và D4)...”.
Ngân hàng vốn được cho là ngành hấp dẫn cũng có vẻ đã bão hòa.Theo công bố thông số nhân lực trực tuyến quý 3/2010 của Vietnamworks - nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến thì nhu cầu của ngành Ngân hàng giảm 14%. Vietnamworks dự báo các nhóm ngành khối kinh tế, ngân hàng sẽ bão hòa và rất khó khăn khi tìm việc trong vòng 4-5 năm nữa. Lúc ấy, ngành này sẽ cần nhân lực chất lượng cao là chính.
Ngành nào sẽ đắt giá?
Theo báo cáo về xu hướng việc làm mới được Bộ LĐ-TB&XH công bố, nhu cầu tuyển lao động trong 10 năm (2011-2020) là hơn 10 triệu người. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng lớn nhất với 3.4 triệu người. Tiếp đến là những ngành: xây dựng (1,68 triệu người); công nghiệp chế biến, chế tạo (1.46 triệu người); ngành Khách sạn, nhà hàng (hơn 1 triệu người). Riêng ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, nhu cầu tuyển lao động trong 10 năm tới sẽ giảm 2 triệu người.
Thời kỳ 2011-2015, ngành kinh tế vẫn tiếp tục “hot” với tốc độ tăng việc làm bình quân dự báo khoảng 2,1%/năm, trong đó tăng cao nhất là ngành khai khoáng (9,6%), ngành nông nghiệp giảm (-0,5%).
Tuy nhiên, cho đến thời kỳ 2015-2020, tốc độ tăng việc làm của ngành kinh tế sẽ chậm hơn (1.6% ) và nhường ngôi vị cho ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (6,1%). Riêng ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục giảm và giảm mạnh hơn giai đoạn trước 1.3% .
Cụ thể, sẽ có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm đến năm 2015, đó là: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác. Trong số các ngành này, ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ…
Các thí sinh cũng cần lưu ý, nhiều ngành nghề có nhu cầu việc làm cao vào năm 2010 thì sẽ bị bão hòa vào năm 2015 và năm 2020.
Chọn ngành, nghề phù hợp sẽ quyết định không nhỏ đến thành công của thí sinh trong kỳ tuyển sinh tới
Hiếu Nguyễn