Trong số đó, 18 trường khối Quân đội tiếp tục tuyển bổ sung hệ Quân sự với tổng chỉ tiêu lên đến hơn 1.000. Đơn vị còn thiếu nhiều chỉ tiêu nhất là Trường Sỹ quan Chính trị (260 chỉ tiêu), Học viện Hậu cần (162 chỉ tiêu), Học viện Kỹ thuật Quân sự (135 chỉ tiêu)…
Đáng chú ý, Học viện Quân y tuyển bổ sung 65 chỉ tiêu ngành Bác sỹ Đa khoa.
Hơn 100 trường xét tuyển bổ sung
Trường Đại học Xây dựng thông báo tuyển 700 chỉ tiêu nguyện vọng xét tuyển bổ sung vào 16 ngành đào tạo. Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Giao thông Vận tải thông báo 325 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung đợt I.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển hơn 800 chỉ tiêu bổ sung trên tổng số 6.000 chỉ tiêu.Trong đó, có những ngành “hot” như Kỹ thuật Cơ điện tử hay ngành Công nghệ thông tin. Trường Đại học Ngoại thương thông báo tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu trên tổng số 200 chỉ tiêu ở Cơ sở Quảng Ninh.
Trong khối Y – Dược Trrường Đại học Y Thái Bình thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung với hơn 200 chỉ tiêu vào 5 ngành đào tạo. Cá biệt Trường Đại học Y Hà Nội năm nay cũng thông báo tuyển bổ sung 206 chỉ tiêu.
Có thể thấy, thông tin từ các trường đưa ra, sau đợt xét tuyển đầu tiên, nhiều trường đại học từ tốp đầu cho đến tốp giữa, tốp dưới đều chưa tuyển hết chỉ tiêu. Với các trường đại học tốp dưới việc không tuyển hết chỉ tiêu phải tuyển nguyện vọng sau là chủ yếu thì năm nay có những trường tốp đầu như Đại học Y Hà Nội cũng thiếu 206 chỉ tiêu, Đại học Bách khoa Hà Nội còn 800 chỉ tiêu, Đại học Ngoại thương còn 150 chỉ tiêu cho Cơ sở Quảng Ninh.
Còn các trường tốp giữa và dưới thì thiếu nhiều hơn như Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) chỉ có 233 thí sinh trúng tuyển trong tổng chỉ tiêu 1.370, cũng như vậy Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải tuyển bổ sung 1.554 thí sinh trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 5.300, còn Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cũng chỉ tuyển được khoảng 50%.
Thí sinh có lựa chọn riêng
Cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thừa hàng nghìn chỉ tiêu, lãnh đạo nhiều trường cho rằng tỷ lệ thí sinh ảo quá lớn vì đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh được nộp tối đa 4 nguyện vọng vào 2 trường, nên các trường phải chấp nhận tỷ lệ ảo lên đến 50%. Thực ra ảo là điều phải chấp nhận và các trường đều đã tính đến, tuy nhiên có một điều mà nhiều trường không biết hay là không muốn biết là những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký thi, xét tuyển vào đại học tương đối ổn định, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi.
Đặc biệt, năm 2016 này ở nhiều địa phương ghi nhận việc học sinh tốt nghiệp THPT có nguyện vọng học lên ĐH, CĐ cũng giảm. Đã có tín hiệu cho thấy người học thay bằng bất cứ giá nào cũng vào đại học thì đã chuyển sang học cao đẳng, hoặc các trường chuyên nghiệp.
Bà Ngọc Anh cho biết, con bà là thí sinh, học sinh Trường THPT Vũ Thư, Thái Bình. Năm nay, cháu thi THPT quốc gia nếu đăng ký xét tuyển khối A với mức điểm 19 thì em cũng có thể vào được nhiều trường đại học tốp giữa. Tuy nhiên, cho dù gia đình muốn em vào học một trường đại học nào đó nhưng em lại kiên quyết không đăng ký xét tuyển mà quyết tâm theo học cao đẳng nghề.
Lý giải về việc này em cho rằng không nhất thiết phải học đại học, chưa nói ra trường xin việc lại khó hơn. Đi học nghề vừa phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình (nhà em nghèo), lại dễ kiếm việc – đây là lời khuyên chân thành của nhiều thầy cô giáo với em.
Việc nhiều trường từ tốp trên đến tốp giữa đều thông báo xét tuyển bổ sung theo nhiều chuyên gia, thực ra không quá khó để tìm câu trả lời. Cho dù công tác phân luồng sau THPT chưa hiệu quả như được mong muốn, nhưng năm 2016 này cũng ghi nhận có những đổi thay tích cực.
Đã có nhiều thí sinh và phụ huynh sáng suốt lựa chọn con đường vào đời cho con em mình, có thể học nghề, đi làm chứ không nhất thiết phải vào đại học. Trong khi thí sinh có thêm nhiều ngã rẽ, đồng nghĩa với việc các trường sẽ giảm nguồn cung người học thì nhiều trường khi xây dựng chỉ tiêu lại vẫn cố gắng xác định chỉ tiêu tối đa. Khi nguồn cung giảm, cầu lại tăng, giải quyết được mâu thuẫn này chỉ có các nhà trường.
Giảm ảo từ chính các nhà trường
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, năm 2016 này ghi nhận một điều là các trường Quân đội lấy điểm chuẩn rất cao, có trường lấy tiêu chí phụ môn Toán > 9 điểm. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ít thí sinh trúng tuyển đợt 1, các trường trong khối này phải tuyển bổ sung tới cả nghìn nguyện vọng.
Còn với các trường dân sự, ngoài việc tuyển tối đa năng lực đào tạo thì việc tư vấn tuyển sinh cũng chủ yếu là giới thiệu sức hấp dẫn về ngành nghề đào tạo, chứ chưa chú trọng tư vấn nghề nghiệp, tư vấn để lựa chọn trường. Rồi khi xét tuyển, chính vì không tính được các thông tin như nhu cầu, nguyện vọng cũng như năng lực theo học của người học nên đã đưa ra mức điểm ngưỡng xét tuyển quá cao, khiến thí sinh né tránh.
Tuy nhiên, lại có những trường làm tốt công tác tuyển sinh ngay từ đợt 1, như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương (Cơ sở Hà Nội), Đại học Y tế Công cộng, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân… đều đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học.
Nói như GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Chúng tôi xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực đào tạo và tính đến đầu ra chất lượng. Trường chủ trương ưu tiên chất lượng chứ không lấy số lượng, kể cả chấp nhận thiếu hụt chút ít chỉ tiêu trong năm nay.
Học viện Quân y cũng tuyển bổ sung 65 chỉ tiêu ngành Bác sỹ Đa khoa. Ban Tuyển sinh Quân đội yêu cầu các học viện, trường thông báo công khai chỉ tiêu và mức điểm cùng với thời gian nhận hồ sơ xét tuyển trên website của trường; cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội để thí sinh biết thông tin. Các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ ngày 23/8 đến hết ngày 29/8. Thí sinh cũng cần lưu ý là đăng ký xét tuyển vào khối trường này đã phải qua các vòng sơ tuyển về sức khỏe.