Tuyên chiến với game online

GD&TĐ - Theo số liệu của Công ty Gamma Data Corp, tổng doanh thu ngành game Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đạt 116,31 tỷ nhân dân tệ (16,9 tỷ USD), với tốc độ tăng trưởng đều hàng năm là 10,8%.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hôm 30/8 vừa rồi, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin, Cục Xuất bản và báo chí quốc gia của Trung Quốc đã ra quy định nhằm siết chặt thời gian chơi game của trẻ vị thành niên, khắc phục vấn nạn nghiện game đang ngày càng nghiêm trọng ở lứa tuổi này.

Theo quy định mới, các nhà cung cấp game trực tuyến chỉ có thể cung cấp dịch vụ cho trẻ em trong một tiếng từ 20 - 21 giờ vào ba ngày cuối tuần (từ thứ Sáu đến Chủ nhật) và các ngày nghỉ chính thức. Điều này có nghĩa là trẻ em không thể chơi game online nhiều hơn 3 giờ/tuần.

Quy định cũng nêu rõ tất cả trò chơi trực tuyến phải được liên kết với hệ thống “chống nghiện game” của nhà nước và các công ty không được cung cấp dịch vụ cho người dùng nếu không đăng ký tên thật.

Để giám sát việc thực thi quy định này, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra cách các công ty áp hạn chế với thời gian chơi của người dùng và các giao dịch mua đồ ảo trong game. Các cơ quan này cũng làm việc với phụ huynh, nhà trường và một số nhóm trong xã hội để chống lại chứng nghiện game.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước của Trung Quốc đưa ra quy định liên quan đến việc kiểm soát thời gian chơi game. Năm 2019, nước này đã có quy định thời gian trẻ vị thành niên có thể chơi game trực tuyến là 3 tiếng đồng hồ trong các ngày nghỉ và 1,5 tiếng đồng hồ trong các ngày khác.

Có rất nhiều lí do, khiến cơ quan quản lý của Trung Quốc phải ban hành quy định được coi là nghiêm khắc nhất từ trước tới nay trong việc kiểm soát thời gian chơi game. Báo cáo năm 2018 của Bộ Giáo dục Trung Quốc cảnh báo 18% người trẻ độ tuổi 13 - 17 ở nước này có nguy cơ nghiện game.

Theo số liệu của Công ty Gamma Data Corp, tổng doanh thu ngành game Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đạt 116,31 tỷ nhân dân tệ (16,9 tỷ USD), với tốc độ tăng trưởng đều hàng năm là 10,8%.

Một yếu tố khác khiến giới trẻ nghiện game là ngày càng có nhiều chương trình phát trực tiếp những giải thi đấu Esport (thể thao điện tử), giúp nhiều game thủ có cơ hội tỏa sáng, trở thành ngôi sao đẳng cấp thế giới.

Nổi tiếng nhất là giải thi đấu quốc tế League of Legends (Liên minh huyền thoại), thu hút 100 triệu lượt xem. Đặc biệt, hai năm qua, chỉ có các đội của Trung Quốc giành chiến thắng.

Tình trạng nghiện game đã đến mức, tờ Thông tin Kinh tế, ấn phẩm của Tân Hoa Xã coi game là “một thứ thuốc phiện tinh thần đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỉ”. Tờ báo này nêu ví dụ, có những học sinh, sinh viên dành đến 8 tiếng mỗi ngày để chơi “Vinh giả vương điệu” - game thịnh hành nhất trong giới học sinh, sinh viên.

Hay một ví dụ khác được tờ này nêu là một người cha đã đập 5, 6 chiếc điện thoại vì con trai học lớp 8 nghiện game online. Hoặc câu chuyện một người phụ nữ đã kết hôn nhưng gia đình tan vỡ vì người người chồng thích game hơn vợ.

Tờ báo này kết luận rằng: “Không một ngành công nghiệp nào, không một môn thể thao nào được phép phát triển theo hướng phá hủy cả một thế hệ”.

Được nhiều người ủng hộ nhưng quy định mới cũng nhận không ít băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng, người nghiện game vẫn có thể dùng nhiều chiêu lách luận để “theo đuổi đam mê”, khai báo thông tin giả.

“Một số học sinh dùng cả thẻ căn cước công dân của bố mẹ để đăng ký chơi game. Đối với trò chơi yêu cầu đăng nhập bằng hình thức nhận diện, chúng tranh thủ lúc bố mẹ ngủ để quét khuôn mặt”, theo Yang Fan, Giám đốc bộ phận phòng chống nghiện của công ty đào tạo game thủ chuyên nghiệp Wangjing Education.

Theo ông Yang, các bậc phụ huynh cũng phải có trách nhiệm trong việc dạy dỗ, quản lý con cái chơi game. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người phớt lờ hoặc chấp nhận con cái nghiện game. “Chính các bậc phụ huynh cũng dùng smartphone quá nhiều. Họ muốn con cái phụ giúp việc nhà nhưng bản thân không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại”, ông nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ