(GD&TĐ) - Không ít phụ huynh thường hay nhận được yêu cầu viết kiểm điểm của con mình để đưa bố mẹ ký hoặc hay nhận được những cú điện thoại báo con mắc một khuyết điểm nhỏ. Thậm chí có khi sự kiểm điểm như một sự oan đối với trẻ. Anh T. có con học ở bậc THCS nói: Cô giáo chủ nhiệm bắt cháu kiểm điểm vì chưa có đủ sách giáo khoa. Tôi nghĩ đó là khuyết điểm của bố mẹ chưa mua kịp cho cháu chứ đâu phải của học sinh.
Ảnh có tính chất minh họa/internet |
Không ít giáo viên chủ nhiệm lớp coi việc bắt học sinh viết kiểm điểm hoặc điện thoại báo gia đình (trước là ghi sổ liên lạc gia đình) là phương pháp giáo dục gần như độc nhất của mình nên hơi một tý là sử dụng mà quên mất trách nhiệm giáo dục của mình với những phương pháp sư phạm cần phải có, coi đó là con ngáo ộp để học sinh sợ mà sửa chữa còn mình thì nhẹ tay.
Phương pháp giáo dục đơn điệu ấy vô hình trung làm nghèo nàn đi cái nghề kỹ sư tâm hồn và khoa học sư phạm; trong một chừng mực nào đó có thể nói là sự lạm dụng nguyên lý giáo dục: Nhà trường kết hợp với gia đình và xã hội vì có thể có những khuyết điểm nhỏ, giáo viên có thể nhắc nhở, giáo dục học sinh mà chưa cần phiền đến gia đình. Đúng là có những học sinh khó bảo thật, khó sửa chữa khuyết điểm, cần có sự phối hợp nhưng không phải tất cả.
Khi được đào tạo ở nhà trường sư phạm, giáo viên nào cũng được học tâm lý học, khoa học sư phạm và việc tôn trọng nhân cách học sinh nhưng khi ra giảng dạy, trước thực tế sinh động của đối tượng, họ đã gần như quên mất, thường lấy sự đe nẹt, dọa dẫm là chủ yếu, phương pháp giáo dục rất đơn điệu (tất nhiên không phải là tất cả). Cá biệt còn có trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tưởng mình như có quyền tuyệt đối, muốn làm gì cũng được như vừa rồi báo chí đã nêu: Thầy giáo cắt dép học sinh.
Việc giáo dục nhà trường kết hợp với gia đình và xã hội là rất cần thiết và không thể thiếu nhất là đối với những học sinh khó bảo nhưng cần áp dụng khi sự kiên trì giáo dục bằng những phương pháp sư phạm của người thầy chưa đủ sức làm biến chuyển, cần có sự phối hợp, chứ không thể tùy tiện, nóng vội, bực mình là rút “di động” báo gia đình.
Việc triệu tập yêu cầu phụ huynh đến trường càng phải thận trọng, chỉ thực hiện khi thật cần thiết, tránh làm mất thời giờ của phụ huynh. Có ông bố, bà mẹ đã quát mắng con ầm ĩ hoặc trừng phạt bằng roi vọt khi nhận được những cú điện thoại hoặc yêu cầu kiểm điểm của giáo viên.
Thiết nghĩ người thầy giáo thường được mệnh danh là kỹ sư tâm hồn, một công việc cao quý nhưng không đơn giản thì công tác giáo dục không thể đơn điệu.
Trần Hành