Theo UBND phường Hàng Gai, đình Tú Thị đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là nơi thờ ông tổ nghề thêu – Tiến sĩ Lê Công Hành.
Ông tên thật là Trần Quốc Khái, sinh năm Bính Ngọ (1606) tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội) và mất ngày 12/6 năm Tân Sửu (1661), thọ 56 tuổi.
Lê Công Hành đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông, được triều đình bổ dụng làm đến chức Thượng thư bộ Công và có nhiều công lao trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu ở nước ta, được dân phường thêu tôn làm ông tổ nghề.
Đại diện UBND phường Hàng Gai cũng cho biết, năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 419 năm ngày sinh ông tổ nghê thêu Lê Công Hành, tiếp nối dự án “Chuyện đình trong phố”, địa phương đã phối hợp với nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm tổ chức dự án “Nghệ sĩ lưu trú với chủ đề Tơ óng - Màu cây”.
Đây là dự án sáng tạo, mới mẻ tại Việt Nam. Trong 1 tháng qua, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm đã trực tiếp thực hành kỹ thuật thêu tại đình tạo ra một không gian giao lưu, tương tác với các nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật, nhân dân, học sinh, khách du lịch.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm cho biết, chương trình cho phép các nghệ sĩ tới sáng tác, chia sẻ và mở xưởng trong thời gian 8 tuần tại đình Tú Thị, nhằm mang lại những trải nghiệm, tìm tòi và cảm hứng sáng tác mới nhờ tiếp xúc và nghiên cứu sâu sắc các yếu tố văn hóa, con người, không gian… giàu tính di sản của ngôi đình.
Cũng trong ngày 12/2, tại đình Tú Thị đã diễn ra buổi thảo luận chuyên đề về “Nghề thêu Việt Nam, di sản phi vật thể và vốn cổ quý giá cho những sáng tạo trong tương lai”.