Độc đáo nghề thêu tay Minh Lãng

GD&TĐ - Đến chơi làng Minh Lãng, người ta dễ dàng bắt gặp những bức tranh thêu phong cảnh, những làng quê thanh bình, sống động hay những chân dung sắc nét.

Làng thêu xã Minh Lãng có tuổi đời gần 200 năm nổi tiếng ở Thái Bình.
Làng thêu xã Minh Lãng có tuổi đời gần 200 năm nổi tiếng ở Thái Bình.

Làng thêu xã Minh Lãng (Vũ Thư, Thái Bình) bao đời nay vẫn lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Việt thông qua những sản phẩm thêu tay độc đáo, tinh xảo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa

Đến chơi làng Minh Lãng, người ta dễ dàng bắt gặp những bức tranh thêu phong cảnh, những làng quê thanh bình, sống động hay những chân dung sắc nét. Đó là những tác phẩm được các nghệ nhân khắc họa trong không gian ba chiều.

Không chỉ là những đường kim mũi chỉ ghi lại cuộc sống thường nhật, người làng thêu Minh Lãng còn thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Cao Bính (69 tuổi) cho biết, nghề thêu tay ở Minh Lãng có tuổi đời gần 200 năm. Vào thời Minh Mạng (1825), ba cụ Nguyễn Khang, Nguyễn Ca, Nguyễn Nghĩa trên đường đi làm ăn ở xa đã học được nghề thêu rồi đem về truyền lại cho dân làng Gòi, làng Bùi (thôn Phù Lôi, Bùi Xá ngày nay).

Thời kỳ phong kiến, sản phẩm thêu tay của Minh Lãng chủ yếu là mũ, áo, xiêm y... của quan lại trong triều đình và phục vụ lễ hội. Những họa tiết, hoa văn truyền thống của văn hóa dân tộc như rồng, chim phượng… cho các phường hát tuồng, chèo, rất sống động nhờ những đường kim tinh xảo.

Từ giai đoạn 1946 -1954, thêm nhiều tác phẩm hoa đào, hoa mai, hoa sen… trên khăn trải bàn, đồ lót bát đĩa xuất hiện. Những mẫu thêu đơn giản về kiểu dáng nhưng mang nét sang trọng, độc đáo trong không gian sống và văn hóa của người dân Thái Bình được người làng Minh Lãng thêu tay một cách tỉ mỉ, sống động.

Theo ông Bính, từ những năm hòa bình cho đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20 là giai đoạn phát triển của nghề thêu Minh Lãng. Ngoài một HTX thêu chuyên nghiệp với 800 lao động, còn có một HTX nông nghiệp kiêm cả làm thêu với trên 1.500 lao động.

“Ở làng nghề này, hầu như ai cũng biết thêu. Từ các em nhỏ, nam thanh nữ tú, người trung niên và người già đều không xa lạ với khung thêu, kim chỉ... Hàng thêu của Minh Lãng nổi tiếng khắp vùng và được nhiều khách từ nhiều nơi xa về tham quan học hỏi. Từ đó, hàng thêu Minh Lãng được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước XHCN”, ông Bính cho biết.

Tuy nhiên, đến thập niên 90 của thế kỷ 20, nhiều gia đình đã 2 - 3 đời gắn bó với nghề thêu đành gác khung do thị trường tiêu thụ sản phẩm bị co hẹp lại, sản phẩm không xuất khẩu được.

Không chịu bó tay để làng nghề mai một, vào năm 1995, các nghệ nhân đã từng gắn bó với nghề thêu 3/4 thế kỷ như cụ Bùi Văn Họa, Nguyễn Như Đậu, Bùi Văn Thể, Nguyễn Hữu Chung, Nguyễn Như Hào đã cất công lặn lội vào Nam để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ đó, làng thêu tay Minh Lãng được hồi sinh và bước sang một giai đoạn mới, liên tục được người dân phát triển với sự cải tiến để đa dạng về sản phẩm, mẫu mã, chủng loại, kiểu dáng.

Từ chỗ chỉ thêu những họa tiết, hoa văn truyền thống trên vải trắng, các nghệ nhân Minh Lãng đã đổi mới, sáng tạo thêm các loại hình sản phẩm mới trang trí nội thất, phục vụ đời sống sinh hoạt như rèm, vỏ chăn, ga, gối, tranh và đặc biệt thêu trên áo Kimono cho khách Nhật Bản, áo Hanbok cho khách Hàn Quốc.

Các sản phẩm thêu từ tranh thêu trắng, thêu màu nghệ thuật cho đến đòi hỏi cao về kỹ thuật và mỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ý, Đài Loan, Mỹ…

Bà Phạm Thị Nhẫn (42 tuổi, thôn Súy Hãng), đã theo nghề 32 năm, cho biết: “Chỉ bằng cây kim, sợi chỉ, những người thợ thêu tay Minh Lãng đã lưu giữ được tinh hoa làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi. Họ biến hóa những chất liệu đơn giản thành những sản phẩm độc đáo với những mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ, đẹp mắt và đầy màu sắc lôi cuốn”.

Doc dao nghe theu tay minh lang (3).jpeg
Khách tới tham quan và mua sản phẩm tại Minh Lãng.

Kết nối bền chặt cho mai sau

Năm 2000, Tỉnh ủy Thái Bình ra Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nghề và làng nghề. Chủ trương của tỉnh đã tạo một luồng sinh khí mới để những người có chung tình yêu với nghề thêu ở Minh Lãng có cơ hội khôi phục và phát triển mạnh mẽ làng nghề, thỏa mong muốn giữ gìn nghề truyền thống cho mai sau.

Ở tuổi 72, bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Súy Hãng vẫn cần mẫn thêu mỗi ngày từ 9 - 12 tiếng. Bà bắt đầu biết thêu khi là một cô bé 9 tuổi và từ đó đến nay, cuộc đời bà Nguyên gắn liền với cây kim, sợi chỉ.

Với bà Nguyên, nghề thêu là tinh hoa, trí tuệ mà cha ông đã truyền dạy cho con cháu, bà luôn tự hào và mong muốn góp sức cùng dân làng gìn giữ, bảo tồn nghề cho đời sau.

“Tranh thủ dịp nghỉ hè, ngày nghỉ, tôi thường động viên, dạy các cháu nội, ngoại các kỹ thuật thêu. Các cháu phải biết thêu và thêu đẹp thì mới yêu được nghề, giữ được nghề”, bà Nguyên nói.

Trân trọng đối với tiền nhân đã có công truyền nghề cho con cháu, những người thợ nơi đây luôn tìm tòi, học hỏi, thay đổi, sáng tạo ra những mẫu mã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo ra những sản phẩm độc đáo, được bạn hàng ưa chuộng.

Ông Hoàng Đình Chiêm là người có 20 năm giữ lửa cho nghề thêu Minh Lãng. Ông luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho sản phẩm thêu truyền thống. Theo thời gian, ông Chiêm mở rộng sang các mặt hàng mới có kỹ thuật thêu tinh xảo đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ở nhiều nước.

Nếu trước đây, các mặt hàng thêu và kỹ thuật thêu còn đơn giản, ông Chiêm chỉ sử dụng một số gam màu chỉ cơ bản như xanh, đỏ, tím, vàng, lục thì ngày nay ông sử dụng các loại chỉ tơ nhiều màu được lựa chọn kỹ lưỡng hoặc nhập khẩu từ những hãng nổi tiếng trên thế giới như DMC, Anchor… để thêu trên nền vải mỏng, trong suốt như lụa, tanh.

Hàng năm, công ty do ông Chiêm làm giám đốc sản xuất hàng nghìn sản phẩm tranh thêu, áo Hanbok và Kimono truyền thống theo yêu cầu của khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản. Những hợp đồng ấy đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Doc dao nghe theu tay minh lang (1).jpeg
Nghệ nhân Nguyễn Cao Bính luôn tìm tòi, học hỏi, thay đổi, sáng tạo ra những mẫu mã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Doc dao nghe theu tay minh lang (2).jpeg
Ở tuổi 72, bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Súy Hãng vẫn cần mẫn truyền dạy nghề thêu cho con cháu.

Nghề thêu đã đi sâu vào đời sống vật chất, tinh thần người dân làng Minh Lãng, lan tỏa sang các huyện lân cận và hứa hẹn sẽ còn tiến xa trong tương lai. Bởi người dân nơi đây luôn đồng lòng, tạo điều kiện đào tạo nghề để kiến tạo một Minh Lãng trù phú, giàu đẹp.

Em Bùi Ngọc Hảo, 14 tuổi, thôn Súy Hãng bắt đầu biết thêu từ năm lên 6 tuổi. Vào dịp hè hoặc những ngày nghỉ cuối tuần em thường giúp bố mẹ thêu thùa để kiếm thêm thu nhập đóng học.

“Em thấy nghề thêu rất thú vị. Nghề thêu giúp mỗi người rèn luyện tính kiên trì, sáng tạo, tinh ý và tính cẩn thận”, Hảo nói.

Nhờ mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nên Minh Lãng đã tạo dựng được uy tín, thu hút được nhiều đối tác nước ngoài đến đặt hàng. Từ sự phát triển này, tại làng nghề nhiều doanh nghiệp được hình thành.

Hiện xã có 3 doanh nghiệp, 5 cơ sở sản xuất, trên 20 tổ hợp và hơn 1.000 lao động ở 7/7 thôn vẫn duy trì nghề thêu. Thu nhập của thợ thêu bình quân từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Doanh thu của các doanh nghiệp, cơ sở thêu đạt từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Hoàng Đình Vương, Chủ tịch UBND xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư cho biết: “Để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, xã khuyến khích nhân dân, nhất là lao động trẻ gắn bó với nghề qua việc tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề cho thợ thêu và tăng cường quảng bá thương hiệu, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm”.

Sợi chỉ đỏ của quá khứ có được nối dài đến tương lai hay không phụ thuộc vào những nỗ lực và lòng biết ơn của những người giữ lửa nghề thời hiện tại. Những người con của làng thêu Minh Lãng vẫn yêu, tâm huyết và mong mỏi gìn giữ nghề thêu truyền thống gần 200 năm tuổi mà ông cha để lại cho con cháu mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khám phá mbti là gìTìm hiểu cv là gì