Những ông tổ nghề nổi danh của người Việt

GD&TĐ - Phạm Đôn Lễ, Lương Như Hộc, Lê Công Hành, Đặng Huy Trứ không chỉ là những danh nhân, nhà ngoại giao có nhiều cống hiến cho đất nước

Trạng chiếu Phạm Đôn Lễ. Ảnh minh họa: IT.
Trạng chiếu Phạm Đôn Lễ. Ảnh minh họa: IT.

Họ còn có công mang những kỹ thuật mới về với người Việt, được nhân dân suy tôn làm ông tổ nghề.

Trạng chiếu Phạm Đôn Lễ

Phạm Đôn Lễ (1457 - 1531), quê gốc Tứ Kỳ, Hải Dương, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thông minh, học giỏi từ nhỏ, ông đỗ đầu cả 3 kỳ thi (Hương, Hội, Đình) dưới thời vua Lê Thánh Tông.

Làm quan dưới triều vị vua anh minh bậc nhất sử Việt, giỏi cả văn thơ, kinh tế, chính trị nên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ rất được triều đình trọng dụng, uy tín cao, thăng dần đến Tả thị lang, Thượng thư, được cử đi sứ nhà Minh.

Khi qua vùng Quế Lâm (Trung Quốc), tình cờ thấy kỹ thuật dệt chiếu bằng ngựa đỡ của người dân nơi đây tạo ra được những tấm chiếu đẹp, bền hơn so với cách dệt của người Nam, Phạm Đôn Lễ đã dừng bước tìm hiểu, học nghề, mua bàn dệt mang về.

Về nước, ông đưa kỹ thuật dệt chiếu này truyền lại cho nhân dân trong vùng. Kỹ thuật mới này giúp sợi đay được căng trên ngựa đỡ, thuận lợi cho người trao chiếu (tức trao cói), đẩy nhanh được tốc độ dệt chiếu.

Chính nhờ cải cách này, nghề dệt chiếu thủ công ở vùng ven biển miền Bắc phát triển. Hải Triều quê ông thành làng dệt chiếu nổi tiếng. Cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Nhớ ơn ông, người dân yêu mến gọi ông là Trạng chiếu, hậu thế suy tôn ông làm ông tổ của nghề dệt chiếu nước ta.

Ông tổ nghề in khắc bản gỗ

Lương Như Hộc (có sách ghi Lương Nhữ Hộc), quê ở Hải Dương ngày nay. Năm Đại Bảo thứ 3 đời vua Lê Thái Tông (1442), ông thi đỗ thám hoa, làm quan đến chức Đô ngự sử. Do có tài kinh bang tế thế và năng lực ngoại giao, ông được vua Lê tin cậy, 2 lần cử ông đi sứ nhà Minh vào các năm 1443 và 1459.

Từ những chuyến đi sứ này, ông đã học được kỹ thuật in của người phương Bắc. Trở về nước, ông truyền lại cho những người học trò của mình, rồi lan rộng trong vùng. Nhờ công của Lương Như Hộc, nghề in khắc bản gỗ tại Liễu Tràng, Hồng Lục ngày càng phát triển mạnh, nơi đây trở thành địa phương in ấn lớn nhất Đại Việt lúc bấy giờ.

Sau khi qua đời, để ghi nhớ công ơn, nhân dân các làng Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu tôn ông làm thành hoàng, coi là tổ nghề của họ và cho tạc tượng thờ tại đình làng. Trong số những cuốn sách nổi tiếng của nước ta, bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử gia Ngô Sĩ Liên từng được các nghệ nhân làng Liễu Tràng khắc in thành công năm 1697.

Chân dung Đặng Huy Trứ. Ảnh minh họa: IT.

Chân dung Đặng Huy Trứ. Ảnh minh họa: IT.

Lê Công Hành - Ông tổ nghề thêu

Danh nhân Lê Công Hành (1606 - 1662) quê ở Thường Tín, Hà Nội ngày nay. Ông nổi tiếng ham học từ nhỏ, từng thi đỗ tiến sĩ dưới thời Hậu Lê. Sau khi ra làm quan, ông được triều đình bổ dụng nhiều chức vụ. Do lập được nhiều công trạng, ông được triều đình ban cho Kim tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính, từng được cử đi sứ nhà Minh.

Không chỉ giỏi kinh bang tế thế, Lê Công Hành còn được người Việt nhớ tới với tư cách là ông tổ của nghề thêu khi có công mang nghề này về với nước Việt.

Theo sử sách ghi chép lại, trong chuyến đi sứ sang nhà Minh năm 1646, Lê Công Hành đã học được kỹ thuật thêu ở đây. Trở về nước, ông đem bí quyết ra dạy cho dân làng Quất Động quê ông. Về sau, nghề thêu phát triển ra nhiều làng bên cạnh, nhớ ơn ông, nhân dân trong làng đã suy tôn Lê Công Hành làm ông tổ nghề này.

Không chỉ dạy dân kỹ thuật thêu, Lê Công Hành còn có công chỉ dẫn nhân dân ta cách làm nghề đan lọng. Về sau, nhân dân phố Hàng Lọng tại kinh thành Thăng Long cũng lập đền thờ ông.

Người đưa nhiếp ảnh về Việt Nam

Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) sinh ra ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh thời, ông là đại thần nổi danh triều Nguyễn, nổi tiếng với những tư tưởng canh tân, đổi mới đất nước. Đồng thời, cũng là người đầu tiên mang kỹ thuật nhiếp ảnh, kỹ thuật đóng tàu theo kiểu phương Tây du nhập vào Việt Nam. Trong đó, với nghề nhiếp ảnh, người Việt đã suy tôn ông làm tổ nghề.

Sinh ra trong dòng họ khoa bảng, nhiều đời làm đại thần triều Nguyễn, Đặng Huy Trứ sớm trở thành nhà Nho uyên bác, được triều đình nể trọng. Dưới thời vua Tự Đức, ông từng được cử đi sứ ở nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm (Thái Lan ngày nay).

Đặc biệt, trong chuyến đi sứ năm 1865, tới Hương Cảng (Hồng Kông), Đặng Huy Trứ được tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh của người Anh tại đây. Bị hấp dẫn bởi kỹ thuật mới này, ông đã chụp 2 tấm ảnh chân dung, đồng thời vẽ lại 2 tấm ảnh này theo kỹ thuật vẽ thời bấy giờ để so sánh.

Hai năm sau, trong một lần đi Quảng Châu (Trung Quốc), ông đã nhờ một người nhà Thanh tên Dương Khải Trí chọn mua hộ một bộ đồ nghề chụp ảnh.

Trở về nước sau khi đã học hỏi được kỹ thuật chụp ảnh chân dung, lại sắm được “đồ nghề”, ông đã mạnh dạn mở hiệu ảnh đầu tiên ở nước ta tại kinh thành Thăng Long, lấy tên là Cảm Hiếu đường (hiệu ảnh đặt tại khu phục phố Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng ngày nay) vào ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1869).

Nghề nhiếp ảnh của người Việt chính thức ra đời từ đây, còn cụ Đặng Huy Trứ với những đóng góp to lớn của mình đã được suy tôn làm ông tổ của nghề nhiếp ảnh ở nước ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.