Nhà khoa bảng được tôn làm ông tổ nghề nhiếp ảnh

GD&TĐ - Là một nhà khoa bảng lớn, một đại thần triều Nguyễn, Đặng Huy Trứ nổi tiếng trong vai trò là nhà canh tân với những cải cách tiến bộ.

Nhà thờ Đặng Huy Trứ tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân (Hương Trà, Thừa Thiên Huế).
Nhà thờ Đặng Huy Trứ tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân (Hương Trà, Thừa Thiên Huế).

Đỗ đại khoa rồi bị đánh trượt vì bài thi phạm húy, rồi lại thi và lại đỗ Tiến sĩ, tài năng của Đặng Huy Trứ được đề cao không chỉ ở văn chương, mà còn ở tầm nhìn canh tân đất nước.

Đỗ rồi trượt, bị cấm thi vẫn đỗ Tiến sĩ

Đặng Huy Trứ sinh năm 1825, quê tổ thuộc làng Hiền Sĩ, đến đời thứ tư về nhập tịch làng Bát Vọng, sang cư ngụ tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân (Hương Trà, Thừa Thiên Huế).

Là một nhà khoa bảng lớn, một đại thần triều Nguyễn, ông nổi tiếng trong vai trò là nhà canh tân với những cải cách tiến bộ. Sau này, ông được giới nhiếp ảnh Việt Nam tôn là ông tổ nghề bởi có công lập ra hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam.

Ông nội của Đặng Huy Trứ là Đặng Quang Tuấn, một nhà nho nổi tiếng trong vùng, suốt đời làm nghề dạy học và là một trong những vị thầy của Phạm Văn Trị - con trưởng Thái úy Tây Sơn Phạm Văn Hưng. Cha của ông là Đặng Văn Trọng mở trường dạy học ở quê, từng 5 lần đi thi nhưng chỉ đậu Tú tài, không được bổ làm quan.

nha khoa bang duoc ton lam ong to nghe nhiep anh (1).jpg
Chân dung Tiến sĩ Đặng Huy Trứ.

Vốn bản tính thông minh, lại được sự giáo dục chu đáo từ gia đình, nhất là trong việc học tập, từ năm 15 tuổi, Đặng Huy Trứ đã biết làm thơ. Năm Quý Mão (1843) Đặng Huy Trứ theo cha đến trường thi Phú Xuân tham gia ứng thí và đỗ Cử nhân ngay trong kỳ thi này.

Khoa thi Hội mùa Xuân năm Đinh mùi (1847), Đặng Huy Trứ đi thi đã được trúng cách đỗ Tiến sĩ, xếp thứ 7. Vào thi Đình, bài văn của Đặng Huy Trứ bị phạm húy khi nhắc tới quý hương của vua, liền bị truất cả Tiến sĩ lẫn Cử nhân khóa trước đây, lại còn bị đánh 100 trượng, đuổi về, và cấm trọn đời không được đi thi nữa.

Ngay trong mùa Thu năm ấy, triều đình mở ân khoa thi Hương nhân dịp mừng thọ vua Thiệu Trị 40 tuổi, một vị quan lớn đã tâu vua xin cho ông thi lại. Đặng Huy Trứ đi thi và đỗ đầu kỳ thi Hương gọi là Giải nguyên.

Lúc này, Đặng Huy Trứ làm nghề dạy học, mở trường nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Đó cũng là khoảng thời gian ông viết 4 cuốn sách: Sách học vấn tân, Vũ kinh, Nhị thập tứ hiếu, Sĩ nông công thương tứ gia lạc.

8 năm sau sự cố bài thi phạm húy, Đặng Huy Trứ tiếp tục tham gia ứng thí và đỗ Tiến sĩ vào năm 1855, được bổ làm quan vào năm 1856, khi đã 31 tuổi. Năm 1857, ông được bổ làm Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, năm 1858 làm Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), năm 1861 làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Năm 1862 trở về kinh giữ chức Hàn lâm viện trước tác, năm sau làm Ngự sử lĩnh chưởng ấn khoa binh.

Năm 1864 tỉnh Quảng Nam bị hạn hán nặng, dân tình bị đói khổ, nhân sĩ dâng sớ xin triều đình cử Đặng Huy Trứ vào giữ chức Bố chính Quảng Nam để chống hạn và cứu đói cho dân. Năm 1865, Đặng Huy Trứ theo lệnh triều đình, cải trang thành người nhà Thanh sang Quảng Đông thăm dò tình hình Tây dương, tìm phương sách cứu nước.

Năm 1862, sau khi thành Gia Định thất thủ, nhà Nguyễn đã phải ký hòa ước Nhâm Tuất cắt 3 tỉnh miền Đông Nam bộ cho Pháp. Nhưng nghĩa sĩ và nhân dân Nam bộ vẫn anh dũng chiến đấu chống Pháp dưới ngọn cờ khởi nghĩa của hàng loạt sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trung Trực, Trương Định…

Tại Trung Hoa, chiến tranh nha phiến lần thứ 2 đã kết thúc từ 1860. Triều đình nhà Thanh thua cuộc, cũng đang phải đương đầu trước sự tham lam vô độ của các quốc gia phương Tây, không thể giúp gì cho nhà Nguyễn được.

Trong lần xuất dương đầu tiên này, ông và các đồng sự đã cố gắng tìm mua hàng hóa, vật dụng cho triều đình, đồng thời kiểm tra tình hình đóng tàu hơi nước và tiếp nhận chiếc tàu này sau khi đã đóng xong.

Ở Hương Cảng, Đặng Huy Trứ đã tìm hiểu ghi chép tỉ mỉ phương pháp đóng tàu của người phương Tây. Ông cũng có một quyết định rất táo bạo là liên lạc với một kỹ sư người Anh tên là Withseller nhờ tìm mua vũ khí và đóng thêm tàu cho triều đình chống Pháp, nhưng không thành.

nha khoa bang duoc ton lam ong to nghe nhiep anh (3).jpg
Lăng mộ Tiến sĩ Đặng Huy Trứ tại làng Hiền Sĩ, xã Phong Sơn (Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Làm ra của cải là một đạo lý

Đặng Huy Trứ ghi chép tỉ mỉ kỹ thuật máy hơi nước được mô tả trong cuốn sách “Bác vật tân biên” của người Anh và đem về nước. Cũng trong dịp này ông mua 239 khẩu “quá sơn pháo” (bắn qua núi) gửi về Việt Nam. Trở về nước năm 1866 Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ.

Vào dịp này, ông đã tâu xin và được giao cho thành lập Ty Bình chuẩn ở Hà Nội để lo việc kinh doanh gây dựng tài chính cho quốc gia. Ông tâu lên nhà vua: “Việc kinh doanh buôn bán mặc dù được cho là nghề mạt, gia đình tôi đã 4 - 5 đời là nhà nho, 4 - 5 đời chịu ơn nước, tôi xin ra sức khuyển mã để báo đáp, đảm bảo việc tài chính quốc gia quyết không từ nan”.

Lời tâu của ông được triều đình chấp thuận, Đặng Huy Trứ giữ chức Bình chuẩn. Triều đình cấp vỏn vẹn chỉ có 50.000 quan tiền, Đặng Huy Trứ đã huy động thêm các nguồn vốn tư nhân để kinh doanh theo phương thức “công tư lưỡng lợi”. Vượt lên quan niệm cổ hủ của nhà nho thời đó, coi rẻ nghề đi buôn.

Với quan điểm kinh tế “sinh tài đại đạo sự phi khinh” (làm giàu là một đạo lớn chớ xem khinh), Đặng Huy Trứ thành lập nhiều hiệu buôn ở Hà Nội như: Lạc Sinh điếm, Lạc Thanh điếm, Lạc Đức điếm... tổ chức lưu thông hàng hóa giữa các miền trong nước.

Dù Ty Bình chuẩn đặt ở Hà Nội, nhưng hoạt động của nó mở rộng đến các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Long, Gia Định. Ông cũng thúc đẩy việc khai mỏ, cho xuất cảng thiếc, tơ lụa, đường, dầu thảo mộc, quế... sang Hương Cảng.

Để phát triển thủ công nghiệp, ông tổ chức các hộ sản xuất riêng lẻ theo ngành nghề, cho các hộ này vay vốn trước để mua nguyên liệu rồi bán hàng lại cho triều đình. Ty vận chuyển chuyên đường thủy là một dự án khác mà ông đệ trình với vua Tự Đức cũng được thành lập để thúc đẩy giao thương.

Năm 1867, ông lại được cử sang Quảng Đông lần thứ 2. Trong thời gian ở Quảng Đông, ông bị ốm nặng phải lưu lại xứ người hơn 1 năm trời. Nằm trên giường bệnh ông vẫn đọc sách, viết sách, làm thơ, biên soạn một số tác phẩm như: Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Từ thụ yếu quy, Tứ giới, Tứ thập bát hiếu…

Trong thời gian này, ông đã suy nghĩ về vận mạng của Tổ quốc, về con đường “tự cường tự trị” đuổi theo các nước tiên tiến. Ông đã viết một bài văn nhan đề là “Dã Trì chủ nhân chỉ giáo”, trình bày tư tưởng canh tân và cứu nước.

“Dã Trì chủ nhân” là một nhân vật hư cấu – trong vai một người Trung Hoa am hiểu Việt Nam, đã đến gặp ông để đàm đạo thế sự và bày cho những kế sách tự cường tự trị theo kinh nghiệm của Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Ly, Ba Tư…

Bài văn này sau đó đã được gửi về nước cho nhiều người cùng đọc. Thông qua nhân vật “Dã Trì chủ nhân”, Đặng Huy Trứ đã đưa ra các chủ trương canh tân cơ bản như lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, đúc súng ống, lập đội chiến thuyền, huấn luyện quân sự cho nghĩa dũng, lập cục dạy nghề, mời người phương Tây sang dạy ngôn ngữ, văn tự, toán pháp, đồ hoạ, kỹ thuật, cử thanh niên ưu tú ra nước ngoài học tập...

Ông cũng tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, nhờ người tìm mua dụng cụ nghề nhiếp ảnh. Sau khi về nước, ông nhậm chức Thương biện tỉnh vụ Hà Nội, ông cho mở hiệu ảnh Cảm Hiếu đường tại phố Thanh Hà ở Hà Nội (1869). Đây là hiệu nhiếp ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Vì vậy mà sau này Đặng Huy Trứ được tôn vinh là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

nha khoa bang duoc ton lam ong to nghe nhiep anh (5).jpg
Sinh thời, Tiến sĩ Đặng Huy Trứ có quan điểm giáo dục: 'Học không phải để sau này cốt 'áo chùng, đai lớn, bước rộng ngồi cao…''.

Học không phải để “bước rộng ngồi cao”

Tiến sĩ Đặng Huy Trứ cũng cho ra đời nhà in Trí Trung đường với mục đích phổ cập giáo dục, truyền bá tri thức, nâng cao dân trí. Quan niệm giáo dục của ông được đánh giá là tiến bộ so với các nhà nho đương thời, và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.

Trong đó, có quan niệm “sư đệ tương trưởng”: Thầy và trò cùng học, cùng nhau trưởng thành, tiến bộ. Không chỉ học trò học mà thầy cũng phải học thêm vì bể học thì mênh mông, mà kiến thức con người thì có hạn.

Không những thế, Đặng Huy Trứ còn lên án cái học hư danh: Học không phải để sau này cốt “áo chùng, đai lớn, bước rộng ngồi cao... Da báo thân dê trong bụng hoàn toàn trống rỗng”.

Trong “Lời cáo thị trường tư thục Thanh Lương ở Quảng Nam”, Đặng Huy Trứ đã viết: “Ta tài cao học kém, lạm dự khoa danh, lần đẩy mở hòm, nhiều sách chưa đọc. Lấy ống nhìn trời có gì gọi là kiến thức; dùng ngao đong biển, có gì gọi là uyên thâm”.

Đáng tiếc là những dự án canh tân đất nước của ông đều dở dang vì thời cuộc. Nhân dân Nam bộ và cả nước vẫn tiếp tục kháng Pháp, khởi nghĩa diễn ra ở nhiều nơi. Nhưng triều đình Huế hủ bại thì lại tiếp tục tìm mọi cách để xin hòa với Pháp, cấm các phủ huyện mộ quân và rèn đúc vũ khí. Hai ty Bình chuẩn sứ và Doanh điền sứ, những cơ sở ban đầu của việc phát triển kinh tế ở Việt Nam bị triều đình bãi bỏ.

Cùng năm 1869, Đặng Huy Trứ được chuyển sang bộ Binh. Ông lần lượt lãnh chức Khâm phái quân vụ Sơn – Hưng - Tuyên, rồi làm Bang biện quân vụ Lạng - Bằng - Ninh - Thái. Ông kề vai sát cánh chống Pháp cùng Tiết chế quân vụ, phò mã Hoàng Kế Viêm nhiều năm ròng rã. Sau 5 năm, ông lâm bệnh nặng và mất tại Đồn Vàng (Thanh Sơn, Phú Thọ) vào ngày 4/8/1874, thọ 49 tuổi.

Sinh thời, Đặng Huy Trứ làm quan đời vua Tự Đức, ông nổi tiếng thanh liêm, từng đi xứ các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm La (Thái Lan). Suốt 18 năm làm quan, Đặng Huy Trứ trải qua nhiều chức vụ, có mối quan hệ rộng rãi với các tầng lớp nhân dân cũng như sĩ phu trong và ngoài nước.

Ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều và có tầm tư duy quảng bác. Sự nghiệp quan trường của ông đều nhằm mục đích canh tân đất nước nhưng quan lại đương thời thường nghĩ đến Đặng Huy Trứ như một vị quan to ham đi buôn.

Năm 1858 khi làm tri huyện Quảng Xương, ông đã lập ra các nghĩa trang để có chốn chôn cất, cúng tế cho nắm xương tàn của những cô hồn. Từ đó mới có lệ lập ra nghĩa trang ở các vùng.

Ông là nhà cải cách, gieo mầm canh tân và khai hóa thời Nguyễn giữa thế kỷ 19 với tư tưởng phát triển kinh tế (khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp và thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải) phát triển khoa học quân sự (đưa ra tư tưởng chiến tranh nhân dân cho mọi chiến lược và chiến thuật, cử người đi học hỏi những kỹ nghệ phương Tây như đóng thuyền, chế tác vũ khí) cải cách xã hội (chống tư tưởng trọng văn khinh võ, chống hối lộ - tham nhũng, nhấn mạnh đức tính cần kiệm liêm chính – chí công vô tư của quan lại).

Con đường canh tân đất nước của Đặng Huy Trứ bị bỏ dở sau khi ông mất. Những nỗ lực canh tân của ông không có đất phát triển do đầy rẫy những biến động về chính trị, giặc ngoại xâm cuối thế kỷ 19.

Không giống những nhà canh tân cùng thời, Đặng Huy Trứ là nhà canh tân dám dấn thân, dựa vào dân và làm lợi cho dân (công tư lưỡng lợi), dấn thân đến tột cùng trái ngược hẳn với bản tính ốm yếu về thể chất của ông.

Tấm lòng son của Tiến sĩ Đặng Huy Trứ với đất nước chính là tấm gương soi cho thế hệ ngày nay, như lời ông từng viết: “Đạo làm tôi là biết thì không cái gì là không nói mới chí trung. Dân không chăm sóc chớ làm quan. Mình thiệt, dân lợi, dân gắn bó. Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn. Hờn căm, gắn bó tùy ta cả. Quân đội là nanh vuốt có quan hệ đến sự thắng bại, nhưng nhân dân mới là huyết mạch quyết định sự an nguy của đất nước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xưởng in bao thư Hoàng Gia