Không chỉ là một di tích từng là nơi buôn bán, trao đổi các mặt hàng thêu thùa, đình Tú Thị ở phố Yên Thái, phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn là nơi thờ tự, lưu giữ các giai thoại về ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.
Thờ người có công
Đình Tú Thị có tên nôm là đình Chợ Thêu, tên chữ là Tú Đình thị, nghĩa là “Chợ đình thợ Thêu” thuộc đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc (sau là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.
Theo các nguồn sử liệu, đình Chợ Thêu được người dân Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) đến tụ cư tại kinh thành Thăng Long xây dựng vào năm 1891 để thờ tổ nghề thêu là cụ Lê Công Hành.
Hiện nay trong đình Tú Thị còn tấm bia đá “Bản thị tiên công liệt vị” (kể tên các vị công đức của bản thị) được dựng vào ngày 11 tháng 10 năm Hoàng triều Thành Thái thứ 3 (1891), nội dung ghi lại việc dựng đình: “Chợ Tú Đình, huyện Thọ Xương… bản thị gồm 26 người tự xuất tiền của, dựng từ vũ tại địa phận thôn An Thái để phụng thờ Thánh Tổ”.
Theo tư liệu của UBND phường Hàng Gai, đình Tú Thị là một công trình kiến trúc cổ kính, có quy mô khiêm tốn. Từ khi được xây dựng, ngôi đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Hiện, kiến trúc của đình không còn giữ được nét cổ xưa như thuở ban đầu. Nếp nhà ngoài là tòa Đại đình, nếp nhà trong là tòa Hậu cung - nơi đặt bộ ngai bài vị thờ tổ nghề Lê Công Hành.
Trong đình còn bảo lưu được một số cổ vật như: Ngai bài vị thờ, cửa võng, chuông đồng, hai bia đá thời Nguyễn và một số bức cuốn thư, hoành phi, câu đối, ca ngợi ân đức tổ nghề, trong đó có câu: Hoa quốc văn chương Bắc sứ lưu niên truyền vĩ tích/ Giáo dân cẩm tú Nam thiên trung cổ khởi sùng từ (Văn bút rạng non sông, sứ Bắc năm nào lưu truyền vĩ tích/ Thêu thùa dạy dân chúng, trời Nam muôn thuở sừng sững trời cao).
Được coi là một trong những nơi thờ tự chính nên đình Tú Thị thường diễn ra các nghi lễ nhân ngày sinh, ngày mất của vị tổ nghề. Ngày 27/2 (18 tháng Giêng) vừa qua, tại đình Tú Thị cũng diễn ra lễ dâng hương kỷ niệm 418 năm Ngày sinh của ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, thu hút đông đảo du khách thập phương từ khắp nơi.
Tại lễ tế tổ nghề, chủ tế thường đọc bài văn cúng: “Tiên sinh tài cao xuất chúng, trí vượt tiên tri, là vầng trăng sáng Nam triều, là ngôi sao lành đất Bắc. Lòng tựa gấm, miệng tựa thêu, đã lấy văn chương soi sáng đời thịnh trị, mũi kim, sợi chỉ, lại truyền tinh xảo đến phương Nam. Tài khéo sáng tỏ, ngắm sao Bắc Đẩu, Thái Sơn. Có công thì thờ tự, dù dâu biển cũng chẳng hề quên. Gặp lúc xuân tiết, kính dâng lễ mọn, nguyện soi xét lòng son, ban cho ơn phước lớn. Kính mong thượng hưởng”.
Tổ nghề thêu Lê Công Hành, Bùi Quốc Khái - hay hai nhân vật thực chất chỉ là một, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. |
Giai thoại ông tổ nghề thêu
Gia phả họ Bùi Trần ở làng Quất Động ghi rằng, Lê Công Hành chính tên là Trần Quốc Khái. Ông là người họ Mạc, có họ hàng gần với Mạc Đăng Dung. Khi nhà Mạc bị diệt, những người họ Mạc thay tên đổi họ.
Quý phi Bùi Thị Ban đưa con thứ của Mạc Hiến Tông chạy về định cư ở Quất Động, về sau đổi thành họ Bùi và họ Trần, lập nên chi họ Bùi Trần ở Quất Động.
Mạc Phúc Đồ là ông nội của Trần Quốc Khái, vì ông được cho làm con nuôi của một người họ Bùi trong làng nên còn có tên là Bùi Quốc Khái, sau đổi tên thành Công Hành. Khoa thi Đinh Sửu (1637) niên hiệu Dương Hòa thứ 3 đời Lê Thần Tông, Trần Quốc Khái tham gia ứng thí đỗ Tiến sĩ.
Năm Bính Tuất (1646), ông được triều đình nhà Lê cử đi sứ nhà Minh. Sau khi vào chầu vua Minh, phương Bắc muốn thử trí thông minh của sứ thần Đại Việt, bèn sai dựng một cái lầu cao rồi mời Trần Quốc Khái lên chơi. Khi ông đã lên lầu, thì ở dưới đất quân Minh cất thang đi.
Không còn lối xuống, ông đành ở trên lầu đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy có hai pho tượng sơn son thiếp vàng và một chum nước cúng, cùng với hai cái lọng cắm trước bàn thờ. Ngoài cửa lầu treo một bức nghi môn thêu nổi ba chữ: Phật tại tâm. Trong góc lầu còn có hai cây tre tươi và một con dao.
Sau vài ngày, bụng đói mà cơm không có ăn, chỉ có một chum nước, ông nghĩ có nước uống, tất phải có cái ăn. Ông nghĩ “Phật tại tâm nghĩa là Phật ở trong lòng”, rồi bẻ tay pho tượng ra ăn thử mới biết hai pho tượng được nặn bằng bột chè lam. Có thức ăn thức uống, hằng ngày ông quan sát kỹ cách làm lọng. Nhập tâm cách làm rồi, ông hạ bức nghi môn xuống, tháo ra xem cách thêu và đã học được cách làm lọng, thêu nổi.
Trong đình trưng bày một số sản phẩm thêu tinh xảo nhân kỷ niệm 418 năm Ngày sinh của tổ nghề thêu Lê Công Hành. |
Sau đó, vị sứ thần mạnh bạo dùng cái lọng làm dù nhảy xuống đất an toàn. Trước cách ứng xử thông minh ấy, vua nhà Minh rất khâm phục. Khi về nước, dù làm quan trong triều, ông vẫn tranh thủ dạy dân làng trong vùng cách làm lọng và hàng thêu. Vua Lê phong ông làm Kim Tử Vinh Lộc đại phu, sung chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu và cho theo họ vua, đổi thành Lê Công Hành.
Tuy nhiên cho đến nay, vẫn có ý kiến cho rằng, Lê Công Hành và Trần Quốc Khái là hai nhân vật lịch sử hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, theo nhà nghiên cứu Yên Giang thì Lê Công Hành và Trần Quốc Khái sống cách nhau khoảng hai thế kỷ. Lê Công Hành sống vào cuối đời Trần, đầu đời Lê (khoảng thế kỷ 14), tên thật là Bùi Công Hành. Cuối đời Trần, ông lên đường dự thi vừa lúc quân Minh sang xâm lược nên khoa thi bị hủy.
Ông ẩn náu trong rừng rồi theo Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh. Sau cuộc chiến, ông được vua Lê Thái Tổ trọng dụng. Đến đời vua Lê Thái Tông, Bùi Công Hành dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Minh, và cũng có giai thoại như sứ thần Trần Quốc Khái.
Khi về nước, ngoài việc làm quan, ông vẫn tranh thủ dạy dân cách làm lọng và hàng thêu. Vua Lê phong ông làm Kim Tử Vinh Lộc đại phu, sung chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu và cho theo họ vua, đổi thành Lê Công Hành. Khi mất, ông được truy phong Thượng thư Thái bảo Lương Quận công.
Nhà nghiên cứu Yên Giang cho rằng, sở dĩ có sự nhầm lẫn do hai vị danh nhân có sự trùng hợp kỳ lạ. Thứ nhất, hai người cùng người làng Quất Động, thứ hai cùng được triều đại Lê Thần Tông phong sắc. Thứ ba, trong cùng một năm 1637, khi Lê Công Hành được vua gia phong sắc chỉ, thì Trần Quốc Khái cũng thi đỗ Tiến sĩ.