Tương lai buồn cho siêu cường công nghiệp Đức

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hai năm sau khi Đức ngắt khỏi nguồn năng lượng Nga, hệ quả buồn cho nền kinh tế và công nghiệp Đức được dự đoán là khó tránh.

Theo Bloomberg, khoảng 30% công ty Đức đang muốn rời khỏi đất nước.
Theo Bloomberg, khoảng 30% công ty Đức đang muốn rời khỏi đất nước.

Cái kết khó tránh

Theo dữ liệu công bố hôm 7/2 của văn phòng thống kê quốc gia Đức, sản xuất công nghiệp của Đức đã giảm tháng thứ bảy liên tiếp, đạt mức âm 1,6% trong tháng 12, từ mức âm 0,2% trong tháng 11.

Trong số các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành công nghiệp hóa chất. Xây dựng cũng bị sụt giảm 3,4%.

Các phương tiện truyền thông kinh doanh coi dữ liệu này là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng trong nền kinh tế Đức, với việc Bloomberg đăng bài viết có tựa đề 'Những ngày của nước Đức với tư cách là một siêu cường công nghiệp sắp kết thúc' và trích dẫn cuộc khủng hoảng năng lượng xuất phát từ việc mất đi nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Stefan Klebert, Giám đốc điều hành của GEA Group AG, một công ty máy móc công nghiệp chuyên dụng có trụ sở tại Dusseldorf, nói: "Thành thật mà nói, không có nhiều hy vọng. Tôi thực sự không chắc liệu chúng ta có thể ngăn chặn xu hướng này hay không. Nhiều thứ sẽ phải thay đổi rất nhanh".

Công ty mà Klebert quản lý đã gần 150 năm tuổi, tồn tại qua các cuộc khủng hoảng của thế kỷ 20 từ hai cuộc chiến tranh thế giới đến cuộc suy thoái năm 1929. Giờ đây, công ty và hơn 18.000 nhân viên của mình phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

Maria Rottger, người đứng đầu hoạt động Bắc Âu của công ty sản xuất lốp xe khổng lồ Michelin có trụ sở tại Pháp, cho biết: "Bất chấp động lực của nhân viên, chúng tôi đã đến thời điểm không thể xuất khẩu lốp xe tải từ Đức với giá cạnh tranh".

Ông lưu ý: "Nếu Đức không thể xuất khẩu có tính cạnh tranh trong bối cảnh quốc tế, đất nước sẽ mất đi một trong những thế mạnh lớn nhất của mình".

Khoảng 5.000 trong số hơn 66.000 nhân viên châu Âu của Michelin làm việc tại Đức, Áo và Thụy Sĩ.

Vào cuối năm 2023, công ty tuyên bố cắt giảm hơn 1.500 việc làm tại các hoạt động tại Đức.

Goodyear, gã khổng lồ lốp xe của Mỹ, tuyên bố đóng cửa hai nhà máy trong nước Đức, cắt giảm 1.750 việc làm.

Volker Trier, giám đốc ngoại thương tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, cho biết: "Bạn không cần phải bi quan khi nói rằng những gì chúng tôi đang làm vào lúc này là chưa đủ. Tốc độ thay đổi cơ cấu thật chóng mặt".

Hàng chục doanh nghiệp lớn khác của Đức đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng, trong đó gã khổng lồ hóa chất châu Âu BASF SE gần đây đã cắt giảm 2.600 việc làm và công ty hóa chất đặc biệt Lanxess AG có trụ sở tại Cologne đã cắt giảm 7% lực lượng lao động tại Đức.

Các doanh nghiệp Đức đã dành nhiều năm để gióng lên hồi chuông cảnh báo về các vấn đề về cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động già đi, quan liêu, chi phí kinh tế liên quan đến đại dịch cũng như sự sụt giảm đầu tư vào giáo dục và các dịch vụ công khác.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thừa nhận tại một sự kiện kinh doanh ở Frankfurt hôm 7/2: "Chúng tôi không còn khả năng cạnh tranh nữa. Chúng ta ngày càng nghèo hơn vì không có tăng trưởng. Chúng ta đang tụt lại phía sau".

Với việc Berlin cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giá rẻ và ổn định từ Nga vào năm 2022, các doanh nghiệp Đức hiện phải trả một trong những hóa đơn năng lượng cao nhất trong khối, với giá điện cho người tiêu dùng ngoài hộ gia đình lên tới 22 xu mỗi kilowatt giờ, tăng từ mức 15 xu/kWh vào năm 2022 và chỉ còn 9 xu/kwh vào năm 2021.

Nhà kinh tế Franziska Palmas của Capital Economics cho biết: "Công nghiệp vẫn là nguồn lực lớn đối với tăng trưởng. Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp tục trong suốt năm 2024, nhưng điều đó sẽ rất khó diễn ra".

Vấn đề mang tính hệ thống

Các chính trị gia đối lập đã đổ lỗi cho sự phụ thuộc mù quáng của giới tinh hoa Đức vào Mỹ và các tác nhân khác có động cơ ý thức hệ là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng.

Bất chấp những nguy cơ với kinh tế, Berlin vẫn quyết định tiếp tục bơm thêm hàng tỷ euro vào cuộc chiến ủy nhiệm của NATO chống lại Nga ở Ukraine, đồng thời cam kết hỗ trợ quân sự hơn 7,6 tỷ euro (8 tỷ USD) trong ngân sách năm 2024.

"Việc từ chối nguồn năng lượng của Nga có nghĩa là châu Âu sẽ trở thành khu vực có chi phí năng lượng cao nhất thế giới một cách có hệ thống.

Điều này sẽ nghiêm trọng - và theo một số chuyên gia - làm suy yếu khả năng cạnh tranh của một bộ phận đáng kể của ngành công nghiệp châu Âu, vốn đã mất đi vị thế cạnh tranh với các công ty ở khu vực khác", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ