Nhấn chìm Mỹ
Hãng thông tấn Tasnim hôm 10/2 dẫn lời Ngoại trưởng Amirabdollahian khi đến Beirut, cho biết, bất chấp 4 tháng giao tranh với Hamas tại Gaza, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) vẫn không đạt được bất kỳ mục tiêu nào đề ra trước đó.
"Sau bốn tháng giao tranh, rõ ràng là Tel Aviv đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào của mình. Việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ thêm cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ không mang lại điều gì khác ngoài một thất bại rõ ràng. Israel đang khiến Mỹ chìm trong vũng lầy chiến tranh ở Trung Đông", Amirabdollahian nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho biết thêm, Hamas đã đề xuất kế hoạch hòa bình đối với cuộc xung đột Palestine-Israel. Ông cũng kêu gọi Mỹ "không ủng hộ Israel trong các tội ác chống lại người dân tại Dải Gaza".
Hôm 10/2, Bộ trưởng Amirabdollahian bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Lebanon để thảo luận về tình hình ở Trung Đông, chủ yếu là về mặt trận Palestine-Israel.
Kịch bản nguy hiểm
Cùng với nhận định của quan chức ngoại giao Iran, tờ Politico dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Washington đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới có thể xảy ra ở Trung Đông, một kịch bản "nguy hiểm" đối với Mỹ và đặc biệt là với "cơ hội tái tranh cử" của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Họ lập luận rằng các quan chức Nhà Trắng đang cân nhắc phản ứng của Mỹ trước những gì họ lo ngại có thể mở rộng từ cuộc chiến hiện tại ở Gaza thành "một cuộc xung đột khu vực kéo dài và rộng hơn".
Ông Scott Bennett, cựu sĩ quan của quân đội Mỹ và nhà phân tích chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết:
"Mỹ hiện phải đối mặt với tình trạng suy thoái hơn nữa trên khắp Trung Đông: cuộc tấn công khủng bố ở Kerman ở Iran, các cuộc tấn công của Houthi đang diễn ra ở Biển Đỏ, các cuộc tấn công từ Hezbollah ở Lebanon và các mối đe dọa khác làm gia tăng căng thẳng trong khu vực".
Nhà phân tích giải thích: Mỹ hiện đang rơi vào tình thế quyền bá chủ 50 năm của mình ở Trung Đông đang "bị thách thức".
Vị chuyên gia này cho rằng trong 20 năm qua, Mỹ "đã thay thế chủ nghĩa can thiệp quân sự bằng ngoại giao, và kết quả là đã xúc phạm và tẩy chay đa số, nếu không phải là toàn bộ các dân tộc, quốc gia và nền văn hóa Trung Đông".
Kết quả là, dường như có một sự chua chát về chính trị xã hội cũng như sự thù địch, thất vọng và nghi ngờ ngày càng gia tăng đối với Mỹ.
Theo Bennett, với việc Mỹ hỗ trợ toàn diện cho cuộc chiến của Israel chống lại người Palestine ở Gaza, đã gây nguy hiểm cho chính Mỹ trong khu vực.
"Do đó, chúng ta đang chứng kiến mối quan hệ thúc đẩy các nước Trung Đông tìm kiếm tình hữu nghị và liên minh với các quốc gia khác, chẳng hạn như Nga và nhóm các quốc gia BRICS.
Điều này có thể đẩy Mỹ vào một mức độ căng thẳng về chính trị, quân sự và kinh tế, sự phi lý - nếu không phải là cuồng loạn - có thể biểu hiện thành các cuộc tấn công quân sự", nhà phân tích lưu ý.
Ông gợi ý rằng Mỹ có thể hành động chống lại Houthi ở Yemen, Iran, Beirut, Lebanon và các quốc gia khác có thể tham gia vào cuộc xung đột ở Gaza theo phe của người Palestine, người Yemen, người Iran và người Nga.
Khi được hỏi Mỹ có thể ứng phó như thế nào với các cuộc khủng hoảng khu vực hiện nay, Bennett trả lời rằng Mỹ "sẽ phản ứng bằng những lá bài địa chính trị điển hình của mình, đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Yemen, Iran, Lebanon và bất kỳ quốc gia nào được cho là đối đầu với họ".
Ông nói đến khả năng Mỹ kích hoạt các cuộc tấn công tên lửa từ "46 tàu hải quân của nước này ở khu vực lân cận Biển Đỏ nhằm vào các mục tiêu tại Yemen và có thể cả Iran; cũng như các mục tiêu ở Lebanon và Syria, có thể bao gồm các mục tiêu của Nga ở vùng lân cận".
Theo cựu sĩ quan chiến tranh tâm lý của Quân đội Mỹ, điều này có thể gây ra một cuộc phản công ở Yemen và Iran, dẫn đến đánh chìm nhiều tàu hải quân Mỹ cũng như phá hủy các căn cứ của Mỹ ở Iraq và Qatar.
Đề cập đến tình trạng leo thang đang diễn ra ở Trung Đông, ông chỉ ra rằng cuộc xung đột giữa người Palestine ở Gaza và Israel hiện nay mà nhà nước Do Thái đang thực hiện đã trở thành cơn ác mộng đối với Mỹ vì nước này đang xa lánh các dân tộc Ả Rập và Hồi giáo ở Mỹ" và châu Âu, đồng thời gây nguy hiểm cho các mục tiêu ngoại giao và quân sự của Mỹ ở khu vực lân cận.
"Ngoài ra, phương Tây đang bị coi là tội phạm chiến tranh và ngày càng bị coi là kẻ đạo đức giả vì đã hỗ trợ và tiếp tay cho tội ác chống lại loài người bằng việc hỗ trợ quân sự, kinh tế và chính trị cho hành động bị coi là diệt chủng của Israel đối với người dân Palestine.
Điều này có thể trở nên tồi tệ hơn bởi những tiết lộ rằng Israel đã lên kế hoạch cho hoạt động này và nó thực sự không chỉ đơn giản là phản ứng trước cuộc tấn công của Hamas", Bennett kết luận.
Ngày 7 tháng 10 năm 2023, phong trào kháng chiến Hamas đã phát động một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn chưa từng có nhằm vào Israel từ Dải Gaza, trong khi các chiến binh của Hamas đồng thời tấn công vào lãnh thổ Israel.
Tel Aviv đã tiến hành các cuộc tấn công trả đũa, ra lệnh phong tỏa hoàn toàn và tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Dải với mục đích đã nêu là tiêu diệt các chiến binh Hamas và giải cứu con tin.
Theo các quan chức địa phương, cho đến nay, gần 30.000 người đã thiệt mạng ở Gaza do các cuộc tấn công của Israel. Cùng với đó là hàng loạt căn cứ của Mỹ trong khu vực cũng bị tấn công bằng tên lửa và UAV với mức độ thiệt hại khác nhau.